SBT Quý 3 niên độ 19-20: kết quả kinh doanh vượt kế hoạch đến từ đà tăng trưởng tốt của sản lượng

Lũy kế 9 tháng đầu niên độ (NĐ) 19-20, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Biên Hòa, HOSE: SBT) đã tiêu thụ 699 ngàn tấn đường, tăng 33% so với cùng kỳ, ghi nhận doanh thu thuần (DTT) đạt 9.122 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và đạt gần 84% kế hoạch doanh thu cả năm.

Doanh thu 9 tháng đạt 84% kế hoạch năm, lợi nhuận từ hoạt động lõi ghi nhận sự tăng trưởng mạnh

Lợi nhuận gộp đạt 891 tỷ, tăng 54% so với cùng kỳ. Đây thực sự là một kết quả đáng ghi nhận của SBT trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Dịch bệnh lần này thực sự là một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có tiền lệ khi toàn bộ các quốc gia, các lĩnh vực đều lần lượt bị cuốn vào với các biện pháp phong tỏa, cách ly liên quan đến một nửa nhân loại tính cho đến nay.

Chỉ hơn 3 tháng bùng phát, dịch Covid-19 đã trở thành một cuộc sàng lọc với các doanh nghiệp trong hầu hết lĩnh vực, hầu như toàn bộ các ngành nghề đều phải đối mặt với khó khăn, tuy vậy, với sự chủ động và sớm có những kế hoạch ứng phó tốt, SBT vẫn đạt được kết quả kinh doanh đáng ghi nhận, đặc biệt là sự tăng trưởng tốt đến từ lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh lõi.

Kết thúc Quý 3, đường vẫn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu khi các sản phẩm đường ghi nhận doanh thu lũy kế 8.404 tỷ đồng, chiếm 92%, tăng 25% so với cùng kỳ.

SBT hiện là Công ty sở hữu nhiều và đa dạng nhất các dòng sản phẩm đường tại Việt Nam với con số trên 50 gồm 16 dòng RE, 14 dòng RS, 6 dòng đường Vàng, 5 dòng đường Phèn, 5 dòng Chức năng, 4 dòng Organic và 2 dòng đường Lỏng, phục vụ hầu như tất cả những nhu cầu phát sinh của mọi nhóm khách hàng từ các kênh trọng điểm B2B, B2C, Xuất khẩu và Thương mại.

Với chiến lược dài hạn là đa dạng hóa chuỗi giá trị cây mía, giảm thiểu rủi ro nguồn thu khi giá đường thế giới có biến động, SBT cũng đã và đang khai thác 5 sản phẩm Cạnh đường - Sau đường bao gồm nước uống tinh khiết chiết xuất từ hương mía Miaqua, bã mía, điện sinh khối, mật rỉ và phân vi sinh.

Cơ cấu doanh thu theo loại hình sản phẩm lũy kế 9 tháng đầu niên độ 19-20. Nguồn: TTC Biên Hòa

Cơ cấu doanh thu theo loại hình sản phẩm lũy kế 9 tháng đầu niên độ 19-20. Nguồn: TTC Biên Hòa

Biên lợi nhuận gộp mảng đường Quý 3 cũng là điểm đáng chú ý khi đã có những cải thiện vượt bậc đạt 20,7%, tăng mạnh gần 270% so với bình quân 5,6% của lũy kế 6 tháng đầu NĐ. Kết quả này có được là do toàn bộ sản lượng đường tồn kho với giá vốn cao đã được tiêu thụ hết ở 2 Quý trước, đồng thời sản lượng đường mới đã được SBT kiểm soát tốt chi phí đầu vào đặc biệt khi Công ty đã tận dụng được lợi thế từ ATIGA với lượng nguyên vật liệu đầu vào giá cạnh tranh hơn. Biên Lợi nhuận gộp Quý 3 nhờ đó cũng ghi nhận tăng trưởng tốt khi bứt phá trở lại đạt 17,6%.

Đúng với mục tiêu tăng trưởng thị phần mà Công ty đang theo đuổi, tổng sản lượng tiêu thụ lũy kế 9 tháng của SBT đã tăng trưởng 33% so với cùng kỳ, trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng vẫn được Công ty kiểm soát tốt khi chỉ tăng 19%, tương đương tăng chậm hơn tới 1,7 lần so với tốc độ tăng của sản lượng. Việc nỗ lực tiết giảm chi phí của ban lãnh đạo SBT trong suốt thời gian qua đã tạo bước tiền đề để Công ty có thể tăng tính cạnh tranh với các doanh nghiệp Đường lớn trong khu vực khi gia nhập ATIGA.

Cơ cấu vốn tiếp tục cải thiện, nợ vay giảm dần

Tại thời điểm 31/3/2020, tổng tài sản (TTS) tăng 10% so với thời điểm đầu NĐ, đạt 18.400 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ việc tăng các khoản thuộc đầu tư dài hạn như kinh doanh chứng khoán và đầu tư dài hạn như đầu tư vào công ty con, công ty liên kết...

Trên thực tế, nhằm đảm bảo tỷ suất đầu tư hiệu quả và tối đa hóa lợi ích mang lại cho cổ đông cũng như Công ty, ngoài mảng kinh doanh chính là mía đường, SBT cũng đã thực hiện tái cơ cấu danh mục, qua đó đầu tư vào các đơn vị, ngành nghề tiềm năng và phù hợp với chiến lược phát triển của Công ty.

Xét đến cơ cấu nguồn vốn, việc nợ vay ngắn và dài hạn cùng giảm mạnh cũng là một điểm sáng trong bức tranh tài chính trong 9 tháng đầu NĐ. Cụ thể, nợ phải trả giảm 308 tỷ đồng, tương đương giảm gần 3%, trong đó nợ ngắn hạn tăng nhẹ 1% tương đương 81 tỷ đồng; nợ vay ngắn hạn giảm 4% tương đương giảm 300 tỷ đồng. Đặc biệt nợ dài hạn cũng có những cải thiện đáng kể khi ghi nhận giảm 20% tương đương giảm 389 tỷ đồng; trong đó nợ vay dài hạn giảm 402 tỷ đồng, tương đương 22%. Việc SBT giảm nợ đã chứng minh việc tái cấu trúc Công ty đã đi đúng theo đúng lộ trình, hỗ trợ giảm gánh nặng lãi vay và gia tăng hiệu quả hoạt động.

Trong 9 tháng đầu năm, SBT đã tiết kiệm được tổng cộng 67 tỷ chi phí lãi vay so với cùng kỳ, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, các chỉ số cơ cấu vốn ghi nhận sự cải thiện rõ nét khi chỉ số nợ vay/VCSH và chỉ số nợ vay/TTS đạt 1,1 lần và 0,5 lần, lần lượt giảm 31% và 16% so với đầu NĐ.

Ngoài ra, các chỉ số về khả năng thanh toán được Công ty đảm bảo ở giới hạn an toàn nhằm hạn chế rủi ro và đảm bảo nguồn vốn lưu động cho các nghiệp vụ kinh doanh. Cụ thể, hệ số thanh toán hiện hành và hệ số thanh toán nhanh đều ghi nhận mức tăng 7% và 10% so với đầu NĐ, tương đương đạt lần lượt 1,2 lần, và 0,9 lần. Các chỉ số về hoạt động của Công ty cũng có sự cải thiện đáng kể, cụ thể, hệ số vòng quay hàng tồn kho đã ghi nhận tăng 40% đạt 2,9 lần, nguyên nhân chủ yếu là do Công ty đã có những chính sách bán hàng hiệu quả, luân chuyển hàng nhanh và quản lý hàng tồn kho tốt.

Ánh Dương

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/sbt-quy-3-nien-do-19-20-ket-qua-kinh-doanh-vuot-ke-hoach-den-tu-da-tang-truong-tot-cua-san-luong-4202045193610257.htm