Say lòng với món bún suông Trà Vinh

Trà Vinh là tỉnh có nền ẩm thực giao thoa của ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa. Ngoài bún nước lèo, bánh canh Bến Có hay mắm bò hóc, du khách ghé qua vùng đất này còn dễ bị say lòng bởi món bún suông.

 Tô bún suông ngọt lịm, lại phảng phất mùi vị tôm

Tô bún suông ngọt lịm, lại phảng phất mùi vị tôm

Ai chưa từng thưởng thức món bún suông thường chỉ hình dung đó là một loại bún ăn suông đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là không rau, không thịt, không gia vị. Vì thế, khi tô bún dọn ra nghi ngút khói và cực bắt mắt với những cọng bún nhỏ, miếng chả cá chiên to bản, chả tôm, nước dùng trong veo điểm xuyết màu vàng ươm, béo ngậy của gạch tôm, hầu hết thực khách đều ngạc nhiên.

Khi tô bún dọn ra nghi ngút khói và cực bắt mắt - Ảnh Internet

Bún suông còn được gọi là bún đuông. Ngay cả những người cao tuổi cũng không biết xuất xứ của món bún này, nhưng đều đồng tình tên gọi của món ăn xuất phát từ chả tôm, nguyên liệu quan trọng nhất của món bún được tạo hình giống con đuông, một loại sâu trong ngọn dừa.

Vì là sâu ăn đọt dừa non, nên đuông là loại sâu sạch và là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhờ vị thơm, ngọt và vị béo hiếm có. Bún suông với thành phần chính là bún, tôm và thịt ba chỉ. Đặc biệt phần hồn cốt của món ăn nằm trong những con tôm được nặn thành miếng chả dài. Khi chả tôm đã thả hết vào nồi, sẽ được đun thêm 5 - 10 phút cho đến khi nổi trên bề mặt nước và chuyển màu vàng ươm, ấy cũng là lúc đã chín hẳn.

Cũng có thể làm sợi suông hơi dài và trông như sợi bánh canh, có màu đỏ gạch của tôm.

Để chả thêm ngon, người ta thường phải lựa những con tôm tươi. Tôm rửa sạch, cắt đầu đuôi và bóc vỏ. Tỏi, hành khô bóc vỏ băm nhuyễn sẽ được cho cùng tôm vào máy xay, đến khi tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành hỗn hợp sánh mịn. Lấy phần tôm trên vào tô, thêm vào hạt tiêu, muối, bột năng, bột nêm và màu dầu điều để tạo sắc vàng bắt mắt.

Bún trong món ăn này thoạt nhìn tưởng là bún tươi, song lại là bún khô, được luộc đến mềm, khi múc ra tô cho khách, thường bỏ thêm một ít giá để tăng thêm độ nóng, độ ngọt. Tạo hình của con suông giống như một con đuông dừa, cũng có thể làm sợi suông hơi dài và trông như sợi bánh canh, có màu đỏ gạch của tôm. Để có được tạo hình con đuông trong món bún, sau khi quyết nhuyễn, định lượng gia vị vừa miệng, người nấu cho chả tôm sống vào một chiếc túi nilon, cắt bỏ một góc rồi nặn vào nồi nước lèo đang sôi.

Ngoài ra, món bún ngon còn phải kể đến sự góp phần không nhỏ của nồi nước lèo. Để nấu được nồi nước lèo ngon, người ta thường dùng nhiều xương heo, hầm lâu, vớt sạch bọt. Trong nồi nước còn có nhiều gia vị khác và không thể thiếu những con khô mực nhỏ.

Những cọng bún trắng tinh được gắp vào tô, xếp thêm lên đó ít giá, hẹ, rau sống… Bún được ăn kèm với thân chuối hoặc hoa chuối thái ghém.

Chan nước lèo vào, phía trên để con suông, lại có khi người ta thêm thịt heo thái chỉ, hay những miếng xương vừa ăn đã mềm. Nước chấm ăn kèm thường là tương xay, ớt hiểm, lát chanh tươi để thêm mùi, vị. Tô bún suông ngọt lịm, lại phảng phất mùi vị tôm đất tỏa ra làm cho người thưởng bún ngất ngây, thả hồn về với quê hương bình dị mà thân thiết, đậm đà tình nghĩa.

Ngày nay, có nhiều người ngay cả dân Trà Vinh chính gốc cũng có người chưa biết đến món ăn này. Nếu một lần đặt chân đến thành phố cây xanh Trà Vinh, bạn hãy thử thưởng thức món ăn có một không hai này nhé.

Lâm Hùng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/say-long-voi-mon-bun-suong-tra-vinh-20200730104432006.htm