'Say' cùng Phja Đén

Phja Đén, nghe cái tên là lạ mà quen quen. Lạ, vì không thuần Việt. Quen, vì mấy lần lên Cao Bằng luôn được người dân địa phương nhắc đến với niềm kiêu hãnh: Đấy là nơi hội tụ hương rừng gió núi, là không gian đất trời như hòa quyện vào nhau, là cảnh sắc ngập tràn hoa lá trong mùa xuân, là 'chiếc máy điều hòa' khổng lồ trong mùa hạ, là tấm thảm thiên nhiên tươi xanh trong vắt giữa trời thu, là biển mây trắng bồng bềnh trong mùa đông lạnh giá.

Tôi lên Phja Đén (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) trong một ngày cuối thu. Từ TP Cao Bằng lên Phja Đén đi ô tô mất khoảng 3 giờ đồng hồ. Qua các cung đường ngoằn ngoèo, quanh co nhưng không đến mức hiểm trở “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, đường lên Phja Đén khá êm. Càng lên gần Phja Đén khí hậu càng trong trẻo, mát lành. Thỉnh thoảng đến những đoạn đèo hùng vĩ nhất, xe dừng lại cho chúng tôi ngắm cảnh. Không bỏ lỡ cơ hội, ai nấy đều dùng smartphone vừa để ghi lại những phong cảnh trác tuyệt, vừa lưu lại những khoảnh khắc “selfie”. Mải ngắm nhìn cảnh quan không chán mắt, xe đưa chúng tôi lên Phja Đén khi trời đã ngả về chiều. Đứng trên khu vực đồn điền chè Kolia, tôi như lạc vào thế giới thiên nhiên huyền ảo. Nắng vàng ruộm, trời xanh ngắt, gió lồng lộng, núi rừng Phja Đén hiện ra như bức họa thiên nhiên tuyệt mỹ. “Tổ quốc có bao giờ đẹp như thế này chăng?”. Có tâm hồn thi sĩ, hay bị choáng ngợp trước thiên nhiên hùng vĩ, anh đồng nghiệp của tôi sau khi thốt lên như vậy, rồi tỏ ý khoan khoái: “Trác tuyệt như Phja Đén, suýt nữa không đến thì… tiếc ngẩn tiếc ngơ!”. Đúng là những người yêu say đắm thường bao giờ cũng dễ lụy tình. Ham xê dịch, thích khám phá những vùng đất mới lạ, dù dấu chân hầu như đã đi qua khắp mọi miền Tổ quốc, nhưng đến Phja Đén, anh đồng nghiệp của tôi thừa nhận “bị say” bởi không gian ngút ngàn, trong vắt từ địa danh cao 1.200m so với mực nước biển này.

Một góc Khu du lịch sinh thái Kolia trên đỉnh Phja Đén.

Như hiệu ứng “domino”, tôi cũng bị “say” theo cảm xúc của anh đồng nghiệp, nhất là khi anh Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kolia Cao Bằng kể lại rằng, cách đây hơn trăm năm, Phja Đén được người Pháp chọn làm nơi nghỉ dưỡng (1906). Nằm dưới rừng thông xanh cổ thụ, những dấu tích công trình kiến trúc từ xứ sở “gà trống Gô-loa” ở Phja Đén như: Nhà Đỏ, nhà Tài Soỏng... vẫn phủ một lớp rêu phong của thời gian qua hai thế kỷ. Phja Đén là điểm đầu cung đường đèo đi qua nhiều dãy núi hùng vĩ nối xuống huyện Ngân Sơn-Bắc Kạn-Quốc lộ 3-Hà Nội. Cung đường này gắn với huyền thoại nữ kỹ sư Kolia (người Pháp), đã không ngại núi đồi cheo leo hiểm trở, tự mình lội suối băng rừng đi khảo sát, mở đường lên Phja Đén. Rồi khi rời khỏi trần gian, Kolia đã nằm lại Phja Đén như gắn bó máu thịt của mình với miền đất này. Cảm kích vì lẽ đó, tên gọi Công ty TNHH Kolia hay tên thường gọi là “đồn điền chè Kolia” mà anh Hoàng Mạnh Ngọc tự đặt như nén tâm nhang tưởng nhớ, tri ân người nữ kỹ sư tài hoa đã tìm ra địa danh Phja Đén-Phja Oắc.

Anh Hoàng Mạnh Ngọc bộc bạch, lần đầu tiên lên Phja Đén, tôi bị “hút hồn” bởi cảnh quan thiên nhiên và khí hậu đặc biệt ở nơi này. Phja Đén hội đủ “hương trời, khí đất” để tôi triển khai dự án trồng chè sạch chất lượng cao với diện tích hơn 20ha, đó là chè Ô long, Bạch hạc Ô long, chè xanh Ô long, Long tỉnh, Bát tiên… Để có thương hiệu chè sạch từ thổ nhưỡng, khí hậu của Phja Đén, từ năm 2012, anh Ngọc tự tìm đến các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực trồng chè thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, cũng như mời chuyên gia chè từ Đài Loan (Trung Quốc) lên Phja Đén để hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật trồng chè theo tiêu chuẩn organic quốc tế (không dùng bất cứ một loại hóa chất nào chăm bón, phòng bệnh cho cây) và chuyển giao kỹ thuật sao sấy, tẩm ướp bảo đảm giữ được hương vị chè tự nhiên…

Không sành chè lắm, nhưng tôi cũng có cảm giác “say” bởi khi cầm chén chè Phja Đén, vừa uống một ngụm màu nước trong xanh, tôi cảm thấy vị ngọt mát thơm lan tỏa trong miệng và cảm giác thư thái, khoan khoái trong lòng… Ngồi bên vườn hoa rực rỡ sắc màu cạnh những ngôi nhà được xây dựng khang trang, anh Nông Văn Soòng, Phó giám đốc điều hành Công ty TNHH Kolia Cao Bằng chỉ tay ra đỉnh đồi giới thiệu với tôi: Kia là lầu ngắm cảnh, đứng trên đó du khách có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh núi rừng Phja Đén. Xa chút nữa là rừng nguyên sinh Phja Oắc với hàng nghìn héc-ta. Từ Phja Đén lên đỉnh đèo Phja Oắc chỉ khoảng mươi ki-lô-mét, du khách có cơ hội đứng trên điểm cao 1.930m so với mực nước biển-nơi được ví như “nóc nhà” của tỉnh Cao Bằng và cả miền Đông Bắc Việt Nam để cùng lang thang, cùng “chênh chao” trước cảnh gió núi mây ngàn lãng mạn như cổ tích. Còn đây là khu vực nhà nghỉ đêm, nhà ăn, phòng hát, phòng vật lý trị liệu… Những cơ sở lưu trú này có thể phục vụ cả trăm du khách trong ngày. Du khách đến đây không chỉ được thưởng thức hương vị chè sạch Phja Đén mà còn được thưởng thức các loại rau sạch, thịt lợn, gà, thỏ sạch… cùng rượu ngô ủ men lá thảo dược dài ngày… Tất cả tạo nên một hương vị ẩm thực thiên nhiên như núi rừng Phja Đén.

Bài và ảnh: THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/say-cung-phja-den-522148