'Say' cùng nước non Ninh Thuận

Vừa đặt chân đến TP Phan Rang-Tháp Chàm, tôi bất chợt nhớ tới lời người bạn: 'Phan Rang à, nơi đây 'gió thì như phang, nắng thì như rang đấy'. Chữ 'phan' bị đọc chệch đi thành chữ 'phang', nghĩa là gió mạnh như 'phang' vào mặt người. Còn nắng nóng thì như 'rang' thân thể người trên 'chảo lửa'.

Mới 10 giờ mà thành phố Phan Rang-Tháp Chàm bắt đầu hầm hập nóng. Vào đầu giờ chiều, da mặt, da chân, da tay cảm giác như sắp bị “tróc vảy” bởi những những hơi nóng khô rát. Không gặp mùa gió cát nên tôi không cảm nhận được gió quất như “phang” vào mặt, song nắng nóng bủa vây tứ phía như muốn hút từng “tế bào” nước li ti từ đường tơ kẽ tóc của mình.

Anh Nguyễn Quang Hồng Văn, cán bộ công tác ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Thuận là người sinh ra và lớn lên tại TP Phan Rang-Tháp Chàm. Mấy ngày ở Ninh Thuận, nhờ có anh Hồng Văn đi cùng, trò chuyện mà tôi biết thêm nhiều thông tin về mảnh đất này. Hồng Văn cho tôi hay, nói đến Ninh Thuận là nói đến vùng đất đầy nắng và gió. Vì Ninh Thuận nằm ở vùng đất cuối của dãy Trường Sơn với nhiều dãy núi đâm ra Biển Đông, có địa hình thấp dần từ tây bắc xuống đông nam. Do được bao bọc bởi ba mặt núi với ba dạng địa hình (núi, đồi gò bán sơn địa và đồng bằng ven biển), trong đó đồi núi chiếm hơn 63% diện tích lãnh thổ, nên Ninh Thuận có khí hậu nhiệt đới xa van đến cận hoang mạc với đặc trưng khô nóng, gió nhiều, bốc hơn mạnh. Thời tiết Ninh Thuận phân hóa thành hai mùa rõ rệt (mùa khô và mùa mưa), trong đó mùa khô kéo dài tới 9 tháng (từ tháng 12 năm trước đến đầu tháng 9 năm sau), chiếm 75% tổng thời gian trong năm.

Một góc vịnh Vĩnh Hy.

“Khí hậu có vẻ hơi “bất công” với người dân Ninh Thuận, nhưng từ trong gian khó của thiên nhiên, đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã tìm thấy cơ hội phát triển bằng việc lựa chọn những cây trồng, vật nuôi thích hợp và giờ đây trở thành đặc sản, nổi tiếng khắp cả nước”. Sau khi chia sẻ như vậy, ông Nguyễn Minh Trứ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận cho tôi biết: Cây nho có mặt trên đất Ninh Thuận từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước và đến nay trở thành một trong những cây trồng, sản phẩm chủ lực của địa phương. Với vị ngọt đậm đà, thanh khiết, nho Ninh Thuận được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Cùng với cây nho, sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận cũng nổi tiếng cả nước. Với tổng đàn khoảng 860.000 con, cừu Ninh Thuận được chăn thả tự nhiên, tự kiếm thức ăn thiên nhiên là các loại cỏ, lá cây nên thịt cừu ở đây có hương vị đặc trưng, hàm lượng dinh dưỡng cao, tỷ lệ mỡ thấp, thích hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Tháng 10-2017, thịt cừu Ninh Thuận chính thức được gắn chỉ dẫn địa lý và trở thành một loại thực phẩm sạch ngày càng thu hút người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Minh Trứ chia sẻ thêm, là “thủ phủ” của cây nho và con cừu, nên những năm gần đây, Ninh Thuận trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với nhiều du khách. Vì khi đi tham quan những vườn nho và trang trại chăn nuôi cừu, du khách có cơ hội trực tiếp cùng người nông dân tìm hiểu, tham gia cách chăm sóc, thu hái nho và chăn nuôi, chế biến thực phẩm cừu, từ đó được thưởng thức những sản phẩm “khoái khẩu” này.

Không chỉ có đặc sản nho, thịt cừu hấp dẫn các thực khách khi đến mảnh đất nắng gió, du khách đến Ninh Thuận còn dễ “say lòng” bởi những di sản, thắng cảnh độc đáo, như: Quần thể tháp Chàm Po Klong Garai ở TP Phan Rang-Tháp Chàm, tháp Po Rome ở huyện Ninh Phước... Đây là những công trình kiến trúc cổ của người Chăm Pa, nơi lưu dấu ấn văn hóa của nền văn hóa Chăm Pa vàng son một thuở. Với bờ biển dài 105km, dù Ninh Thuận không có những bãi biển rộng rài như hai tỉnh “hàng xóm” là Nha Trang (Khánh Hòa) và Phan Thiết (Bình Thuận), nhưng nơi đây cũng có những bãi biển trong xanh, cát mịn, sóng vỗ rì rào đủ làm du khách thỏa thích, như các bãi tắm: Bình Tiên, Ninh Chữ, Bình Sơn, Cà Ná… Đặc biệt, Ninh Thuận đang sở hữu một trong những vịnh đẹp nhất Việt Nam-vịnh Vĩnh Hy.

Tôi đến Vĩnh Hy vào một buổi sáng mùa thu. Chiếc xe con đưa chúng tôi từ TP Phan Rang-Tháp Chàm đến danh thắng Vĩnh Hy chưa đầy một giờ đồng hồ. Con đường càng đến gần vịnh Vĩnh Hy, khí hậu càng trở nên trong lành và cái nắng cũng bớt chói chang hơn bởi một màu xanh ngút ngàn của Vườn quốc gia Núi Chúa. Nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, vịnh Vĩnh Hy có ba mặt đông-tây-bắc là núi bao quanh, mặt phía đông nam là vịnh. Khoảng 8 giờ sáng, vịnh Vĩnh Hy hiện lên trước mắt tôi như bức tranh thủy mặc quyến rũ. Nhìn quang cảnh trời trong vắt, nước trong xanh, những hòn đá nhấp nhô trên mặt nước, núi đồi bạt ngàn màu xanh bao quanh, một người bạn tôi ở TP Hồ Chí Minh đi cùng chuyến du ngoạn này, ví von vịnh Vĩnh Hy chẳng khác nào là một “đảo Jeju của Hàn Quốc” thu nhỏ ở Việt Nam. Ngồi trên chiếc tàu du lịch dưới có đáy kính trong suốt, tôi cùng hàng chục du khách như bị “hớp hồn” khi được nhìn những rạn đá san hô muôn hình vạn trạng dưới đáy vịnh. Thăm vịnh Vĩnh Hy, được nghe những câu chuyện cổ tích đậm sắc màu huyền thoại, hay những câu chuyện nửa thực nửa hư gắn với những địa danh, như: Hang Rái, suối Lồ Ô, bãi Bà Điên, bãi Đá Tròn… mới thật thú vị. Những cái tên thoạt nghe đã thấy mộc mạc, chất phác, nhưng lại là điểm nhấn góp phần làm nên vẻ đẹp tuyệt mỹ của danh thắng vịnh Vĩnh Hy.

Trưa đến, tàu du lịch trở lại cảng neo đậu. Trong ánh nắng vàng hanh hao và mặn mòi của biển, ngồi trong nhà hàng bên bờ vịnh gió thổi nhè nhẹ, tôi thưởng thức những món hải sản tươi ngon mới được đánh bắt ngay tại lòng vịnh Vĩnh Hy, như: Cá mú, cá hồng, cá thu, tôm hùm, ghẹ, mực… Cùng nhâm nhi vài ly bia lạnh, tôi cảm giác như đang bồng bềnh trong “men say” giữa đất trời, nước non Ninh Thuận.

Bài và ảnh: ANH THẢO

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/say-cung-nuoc-non-ninh-thuan-549684