Saudi liều lĩnh điều tăng Leclerc đến al-Hudaydah

Theo al-Arabiya của UAE, hôm 28/7, liên quân Arap do Saudi Arabia dẫn đầu đã dồn vũ khí hạng nặng chuẩn bị cho trận chiến al-Hudaydah với lực lượng Houthi.

Liên quân đã quyết định nối lại các chiến dịch quân sự dọc theo bờ biển phía Tây Yemen vì Houthi từ chối rút khỏi al-Hudaydah và tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công của họ trên các tuyến vận chuyển quốc tế ở Biển Đỏ.

Cùng với lực lượng mặt đất, trong ngày 28/7, các máy bay chiến đấu của liên quân do Saudi dẫn đầu đã thực hiện tám cuộc không kích vào các vị trí của Houthi tại thành phố al-Hudaydah và một số huyện phía nam của khu vực này.

Liên quân Arap điều tăng Leclerc đến al-Hudaydah.

Liên quân Arap điều tăng Leclerc đến al-Hudaydah.

Theo hình ảnh điều binh của liên quân được công bố cho thấy, Saudi Arabia quyết định tung siêu tăng đắt đỏ nhất thế giới Leclerc vào trận - đây có thể được coi là hành động liều lĩnh của Riyadh bởi cũng trong cuộc chiến với Houthi trước đây, dòng tăng này đã bị phá hủy không ít chỉ bằng những vũ khí không quá mới.

Theo số liệu thống kê của trang Military Today, trong các trận chiến với Houthi từ năm 2016 đến nay, đã có ít nhất 5 chiếc tăng Leclerc bị phá hủy bởi tên lửa 9M113 Konkurs và súng chống tăng RPG-7 - tất cả đều không phải là vũ khí mới và được sản xuất từ thời Liên xô.

Như vậy, tính đến nay các dòng tăng mạnh nhất thế giới T-90, M1 Abrams, Leopard 2A4 và AMX-56 Leclerc đã lần lượt bị tấn công khi tham gia thực chiến. Tuy nhiên, chỉ có tăng T-90 của Nga có số phận chưa thực sự rõ ràng và lần lượt các siêu tăng được phương Tây xếp trên nó đều gục ngã.

Căn cứ vào kết quả này, Tạp chí quân sự Military Today cho rằng bảng xếp hạng tăng thế giới do truyền thông phương Tây thực hiện và sức mạnh thực thực tế do nhà sản xuất Pháp công khai về hệ thống phòng vệ đa tầng cực an toàn của chiếc AMX-56 Leclerc cần phải xem lại.

Về hệ thống phòng vệ, Leclerc được thiết kế với giáp đa lớp kết hợp giữa thép, titan và kim loại siêu cứng tungsten. Ngoài lớp giáp đó, trên thân xe còn phủ module giáp phản ứng nổ cải tiến NERA có khả năng vô hiệu hóa cả đầu đạn 2 đầu nổ chuyên chống giáp phản ứng nổ (ERA).

Leclerc cũng được trang bị hệ thống phòng vệ GALIX gồm 9 ống phóng lựu lắp 2 bên hông tháp pháo. Nó có thể phóng ra lựu đạn khói, lựu đạn sát thương và đánh lạc hướng tia hồng ngoại của tên lửa chống tăng có điều khiển.

Cùng với hệ thống phòng vệ ấn tượng là sức mạnh hỏa lực rất mạnh của Leclerc với pháo nòng trơn CN120-26 cỡ 120mm tích hợp thiết bị nạp đạn tự động cho phép đạt tốc độ bắn lên tới 12 phát/phút. Đây có lẽ là dòng xe tăng duy nhất của thế giới phương Tây sử dụng thiết bị nạp đạn tự động (thường chỉ thấy trên xe tăng Nga).

Pháo chính được kết hợp với hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến SAGEM HL-60 cho phép xạ thủ hoặc chỉ huy có thể lựa chọn 6 mục tiêu khác nhau để tấn công chỉ trong vòng 30 giây. Theo quảng cáo của Nexters, pháo chính 120mm có thể phá hủy mục tiêu di chuyển tốc độ 50km/h ở tầm xa đến 4km.

Xe tăng Leclerc sử dụng động cơ diesel SACM V8X- 1500 công suất 1.500 mã lực cho phép di chuyển khối thép nặng 54,5 tấn chạy với tốc độ 72km/h trên đường bằng và 55km/h ở đường xấu.

Tuy nhiên, để tăng khả năng chiến đấu cho dòng tăng này trong cuộc đối đầu với tăng Nga có thể xay ra, nhà sản xuất Pháp quyết định trang bị cho Leclerc loại pháo 140mm - loại pháo lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.

Nhưng việc chỉ tăng sức mạnh hỏa lực mà không chú trọng đến khả năng phòng vệ khiến dòng tăng này khó tồn tại dù đương đầu với vũ khí không còn mới.

Clip liên quân điều vũ khí hạng nặng đến al-Hudaydah

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/saudi-lieu-linh-dieu-tang-leclerc-den-al-hudaydah-3362716/