Saudi Aramco lại bị dội tên lửa

Nhà máy dầu Saudi Aramco của Saudi Arabia tiếp tục là mục tiêu bị tấn công của tên lửa và UAV từ lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen.

Thông tin về vụ tấn công được Bộ Quốc phòng Saudi cho biết trong một tuyên bố: "Vụ tấn công do Houthi thực hiện hôm 23/11 nhằm vào nhà máy lọc dầu hàng đầu của nước này là Saudi Aramco đã gây ra nhiều vụ nổ lớn, kèm theo đó là những cột khói, lửa cháy bốc cao có thể quan sát bằng mắt thường từ khoảng cách rất xa".

Nhà máy dầu Saudi Aramco bị trúng tên lửa hồi năm 2019.

Nhà máy dầu Saudi Aramco bị trúng tên lửa hồi năm 2019.

Hiện chưa rõ thông tin về mức độ thiệt hại cũng như số tên lửa và UAV Houthi sử dụng trong cuộc tấn công lần này. Nhưng điều đặc biệt là đây là lần thứ 2 kể từ năm 2019, Saudi Aramco bị tấn công với quy mô lớn bởi các tay súng Houthi.

Những vụ tấn công được thực hiện khi lưới lửa phòng thủ với nòng cốt là hệ thống Patriot PAC-3 được Saudi Arabia triển khai khá dày đặc quanh khu vực này nhưng cũng như trước đó, trong vụ tấn công hôm 23/11, không có bất kỳ đạn đánh chặn nào được phóng lên.

Nói về nguồn gốc tên lửa sử dụng để tấn công vào Saudi Aramco hồi năm 2019, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ), ông Antonio Guterres cho biết, tên lửa hành trình tấn công nhà máy dầu Saudi Arabia có nguồn gốc từ Iran.

"Tên lửa hành trình tấn công 2 nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia hồi năm 2019 có nguồn gốc từ Iran. Bởi căn cứ phần còn lại thu giữ tại hiện trường vụ tấn công cho thấy chúng tương đồng với loại tên lửa hành trình do Iran sản xuất", ông Guterres nói.

Mặc dù vậy, ông Antonio Guterres không nêu đích danh loại tên lửa của Iran đã thực hiện vụ tấn công. Truyền thông phương Tây dẫn nguồn tin tình báo Mỹ khẳng định, chính Tehran là bên tấn công chứ không phải lực lượng Houthi và tên lửa đạn đạo tầm ngắn Shahab chính là thủ phạm.

Bởi loại tên lửa này được ghi nhận chưa được Tehran chuyển giao cho bất kỳ bên nào. Theo nguồn tin này, hiện có ba biến thể chính của loại tên lửa này đó là: Shahab-1, Shahab-2 và Shahab-3. Trong đó Shahab-3 là phiên bản tối tân nhất.

Tầm bắn lên tới 2.000 km tùy phiên bản, có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường với trọng lượng 1,2 tấn. Trong trường hợp xung đột với Mỹ hoặc bất kỳ lực lượng thù địch tại Trung Đông, loại tên lửa này được đánh giá sẽ là vũ khí đầu tiên được sử dụng.

Tên lửa này phù hợp để tấn công các mục tiêu lớn như thành phố hoặc căn cứ chiến lược. Iran bắt đầu phát triển loại tên lửa Shahab-3 trong giai đoạn 1997-2002, sau đó đưa khoảng 50 quả đạn vào biên chế năm 2003.

Shahab-3 là mối đe dọa thực sự với Mỹ, Israel và Saudi Arabia không chỉ bởi tầm bắn. Bởi theo tuyên bố của Iran, loại tên lửa này có bán kính vòng tròn lệch mục tiêu chỉ 30m. Với sai số này, gần như mọi mục tiêu sẽ bị loại tên lửa này phá hủy.

Nguồn tin của trang Southfront tiết lộ, chính việc hệ thống đánh chặn hiện tại của Saudi có phong độ đánh chặn thất thường đã khiến nước này đang thúc đẩy đàm phán với Nga về việc cung cấp hệ thống đánh chặn Pantsir-S1.

Trong bối cảnh Mỹ quyết định rút các tổ hợp đánh chặn Patriot khỏi Saudi Arabia, Riyadh đã lập tức công bố quyết thực hiện mua sắm một lô lớn hệ thống tên lửa - pháo phòng không do Nga sản xuất.

Cùng với những lý do trên, tổ hợp Pantsir-S1 đã hoạt động tốt trong việc đẩy lùi các cuộc tấn công bằng tên lửa cũng như đánh bại máy bay không người lái của đối phương, đặc biệt trên chiến trường Libya và Syria.

Theo một số báo cáo, hợp đồng mua Pantsir-S1 của Saudi Arabia có thể lên tới hơn 20 hệ thống. Hiện quá trình đàm phán đang được hai bên thực hiện nhưng không rõ đã đến gian đoạn nào cũng như thời điểm ký kết hợp đồng chính thức.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/saudi-aramco-lai-bi-doi-ten-lua-3423164/