Saudi Arabia và 'quyền lực mềm' tại Mỹ

Vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại được coi là 'phép thử' đối với sức mạnh các chương trình vận động hành lang của Riyadh tại Washington trong bối cảnh truyền thông Mỹ đang hết sức bất mãn, còn lưỡng đảng Quốc hội tiếp tục đe dọa cấm vận đồng minh Trung Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) và Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: defense.gov

Tháng 9-2016, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật “Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố” (JASTA), cho phép gia đình và thân nhân nạn nhân vụ tấn công khủng bố 11-9 khởi kiện Saudi Arabia. Trước đó, nước này đã vận động hành lang rất quyết liệt để ngăn chặn thông qua JASTA và nỗ lực thất bại chứng tỏ ảnh hưởng ngày càng suy giảm của Riyadh ở Washington.

So với giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Saudi Arabia trong hai năm gần đây bắt đầu tăng cường quan hệ với Mỹ và nỗ lực đẩy mạnh các chương trình vận động hành lang tại Washington. Ước tính, khoản tiền mà Saudi Arabia chi cho các chuyên gia vận động hành lang, tư vấn ở Mỹ năm 2017 tăng gấp 3 lần so với năm 2016. Các khoản tài trợ này tuy giảm từ 14,3 triệu USD năm 2015 xuống còn 7,7 triệu USD trong năm 2016 nhưng tăng lên 27,3 triệu USD năm 2017. Tính từ năm 2016, có hơn 200 người đăng ký làm đại diện cho lợi ích của Riyadh.

Ngoài các nguồn tài trợ hào phóng và “chiến dịch tấn công quyến rũ” nhắm đến các nhân vật có tầm ảnh hưởng, chính quyền Saudi Arabia còn “hưởng lợi” từ quan hệ nồng ấm hơn với Tổng thống Mỹ Donald Trump và người con rể Jared Kushner khi Nhà Trắng nỗ lực “cài đặt lại” quan hệ với thế giới Hồi giáo. Có thể thấy rõ sức mạnh các chiến dịch vận động hành lang của Saudi Arabia sau khi Quốc hội Mỹ hồi tháng 3 đã thất bại trong việc thông qua nghị quyết chấm dứt sự hỗ trợ của Washington đối với chiến dịch ném bom do Riyadh dẫn đầu ở Yemen. Thời gian này, Thái tử Mohammed bin Salman đã được chào đón nồng nhiệt tại Nhà Trắng trong chuyến thăm chính thức đầu tiên, chỉ 4 tháng sau khi ông dẫn dắt chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn mà nhiều người cho là nhằm củng cố địa vị thừa kế.

Trong 7 tuần dẫn tới chuyến thăm của Thái tử Mohammed và cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội Mỹ, các nhóm vận động tổng cộng đã có 759 cuộc liên lạc với giới lập pháp, chuyên viên, học giả và cánh báo giới thay mặt Chính phủ Saudi Arabia. Theo giới phân tích, chuyến thăm của Thái tử Saudi Arabia và cuộc bỏ phiếu bất thành tại Quốc hội Mỹ phản ánh sức ảnh hưởng của chính quyền Riyadh, tác động quá trình ra quyết sách và quan điểm ở Washington, đánh bại những chỉ trích bằng cách rót hàng triệu USD cho các cá nhân, tổ chức vận động hành lang, các hãng luật uy tín và giới nhà thầu quốc phòng danh tiếng.

Tuy nhiên, giới quan sát cho biết quyền lực mềm của các nhóm vận động hành lang giờ đây đang bị thử thách khi Saudi Arabia lần đầu tiên thừa nhận trách nhiệm quanh vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại. Theo Washington Post, hiện có rất nhiều tổ chức, viện nghiên cứu Mỹ xét lại quan hệ với quốc gia Trung Đông. Điển hình như Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tổ chức này cho biết họ không tiếp tục nhận khoản trợ cấp 900.000 USD từ Chính phủ Saudi Arabia phục vụ công tác đào tạo phát triển kỹ năng cho đại sứ quán nước này ở Washington. Tương tự, Viện Brookings và Viện Trung Đông tuần trước cũng thông báo ngừng nhận tiền hỗ trợ lên tới 6 con số từ Riyadh.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump bất chấp áp lực đòi trừng phạt đồng minh vẫn tìm cách duy trì liên minh chiến lược giữa hai nước. Hôm 21-10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đang trong chuyến công du Trung Đông và chuẩn bị thăm Saudi Arabia đã tái khẳng định tầm quan trọng mối quan hệ giữa Washington với cường quốc dầu mỏ trong các sách lược chống lại ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Theo ông Mnuchin, vẫn còn quá sớm để tiến hành trừng phạt đồng minh lớn nhất ở Vùng Vịnh.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/saudi-arabia-va-quyen-luc-mem-tai-my-a102991.html