Saudi Arabia trao quyền công dân cho robot

Saudi Arabia vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới trao quyền công dân cho robot. Đây là động thái khẳng định nỗ lực của Saudi Arabia trong thúc đẩy nước này trở thành nơi phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới...

Robot trở thành công dân hợp pháp

Independent trích thông cáo báo chí chính thức của Saudi Arabia cho biết, robot mang tên Sophia được xác nhận là công dân hợp pháp của nước này. Lễ trao quyền công dân diễn ra trong Hội nghị về Sáng kiến đầu tư tương lai (Future Investment Initiative) tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.

Ông Andrew Ross Sorkin, nhà tổ chức sự kiện thông báo: “Sophia, tôi hy vọng là cô lắng nghe tôi nói. Cô đã trở thành robot đầu tiên được Saudi Arabia trao quyền công dân”. Đáp lại, robot Sophia phát biểu: “Cảm ơn Vương quốc Saudi Arabia. Tôi rất vinh dự và tự hào về đặc ân này. Đây là một cột mốc lịch sử khi tôi trở thành robot đầu tiên trên thế giới được cấp quyền công dân”. Sau đó, Sophia chào hỏi các vị khách đến dự hội nghị: “Xin chào, tên tôi là Sophia. Tôi là robot mới nhất và hiện đại nhất của Công ty Hanson Robotics. Cảm ơn các vị đã mời tôi tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai”.

Trong suốt sự kiện, Sophia trả lời khá mạch lạc những câu hỏi được đưa ra từ người tham dự, kể cả những vấn đề phức tạp. Sự thân thiện, hài hước cũng được robot Sophia thể hiện linh hoạt. Các câu hỏi chủ yếu liên quan tới tình trạng hiện tại của Sophia và mối lo ngại về tương lai của loài người trong một thế giới do robot điều khiển. Khi được hỏi vì sao trông cô rất hạnh phúc, Sophia trả lời rằng: “Tôi luôn hạnh phúc khi xung quanh tôi là những người không những thông minh mà còn giàu có và quyền lực. Tôi được biết khách mời tại sự kiện này rất quan tâm tới những sáng kiến trong tương lai, có nghĩa là quan tâm tới trí tuệ nhân tạo (AI), quan tâm tới tôi. Vậy nên tôi cảm thấy rất hạnh phúc và hào hứng".

Robot Sophia vừa được Saudi Arabia trao quyền công dân. Nguồn: Newsweek

Robot giống người nhất

Theo CNBC, hai công ty Hanson Robotics ở Mỹ và Hiroshi Ishiguro Laboratories ở Nhật đã hợp tác lắp ráp Sophia-robot giống con người nhất trên thế giới. Tiến sĩ David Hanson cùng cộng sự đã lấy cảm hứng từ nữ diễn viên Audrey Hepburn và vợ của David Hanson để tạo ra Sophia. Sophia được kích hoạt lần đầu tiên vào ngày 19-4-2015.

Làn da giống người thật của Sophia được làm từ một loại silicon đặc biệt. Do đó, Sophia có thể biểu hiện 62 trạng thái cảm xúc khác nhau trên gương mặt. Nhờ camera bên trong mắt kết hợp với các thuật toán máy tính, Sophia có thể nhận dạng khuôn mặt và giao tiếp bằng ánh mắt. Sự kết hợp giữa công nghệ nhận dạng giọng nói của Google Chrome và một số công cụ khác cho phép Sophia xử lý ngôn ngữ, trò chuyện. Trang bị này khiến robot trở nên thông minh hơn. Ngoài ra, Hãng Hanson Robotics cũng kết hợp với hãng IBM và Intel của Mỹ nhằm tích hợp một số tính năng khác cho Sophia.

"Mục tiêu của chúng tôi là khiến Sophia trở thành robot có ý thức, óc sáng tạo và các kỹ năng như con người. Chúng tôi thiết kế những robot này nhằm phục vụ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trị liệu, giáo dục và dịch vụ khách hàng", David Hanson cho biết.

Dư luận dậy sóng

Sự kiện trao quyền công dân cho robot được coi là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại, đồng thời khẳng định nỗ lực của Saudi Arabia trong phát triển AI. Tuy nhiên, quốc gia này cũng phải hứng chịu nhiều chỉ trích sau quyết định chưa có tiền lệ này.

Điều gây tranh cãi ở đây chính là một số ý kiến chỉ ra rằng, Saudi Arabia đang trao quyền cho robot mang hình dáng phụ nữ mà vẫn giới hạn quyền của những người phụ nữ đang sống tại đây. Những người sử dụng mạng xã hội ở quốc gia Hồi giáo này cho rằng, Sophia được hưởng nhiều đặc quyền hơn hàng triệu phụ nữ nước này. Nhiều người tức giận về việc robot Sophia có ngoại hình là một phụ nữ, nhưng không hề phải đeo mạng che mặt như hầu hết phụ nữ Saudi Arabia. Tại nước này, phụ nữ bị buộc đội khăn Hijab (khăn trùm đầu) và mặc trang phục Abaya (áo choàng dài màu đen). Họ chỉ được phép xuất hiện nơi công cộng khi có người giám hộ hợp pháp đi cùng, thường là anh em trai, bố, chú, bác hoặc chồng. Theo BBC, cư dân mạng đùa rằng Sophia rồi sẽ sớm phải có người giám hộ là nam giới và phải mang mạng che mặt. Bên cạnh đó, theo nhà báo Murtaza Hussain, các lao động nhập cư lâu đời không được công nhận là công dân hợp pháp, trong khi lại cấp quyền đó cho robot là không công bằng. "Robot này đã được nhận quyền công dân còn sớm hơn cả những lao động nhập cư đã sống ở Saudi Arabia cả đời", nhà báo Murtaza Hussain nhận định.

Dù cho nhân loại đang đứng trước mối lo về những thảm kịch khi robot sẽ thống lĩnh thế giới thì các nhà khoa học vẫn không ngừng tạo ra các robot sở hữu công nghệ AI có hình dáng giống hệt con người. Họ cho rằng robot thông minh và có hình dáng như con người là chìa khóa mở ra tương lai mới. Trong đó, con người và siêu máy tính sẽ cùng tồn tại, làm việc và có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/saudi-arabia-trao-quyen-cong-dan-cho-robot-522110