Saudi Arabia mua ngàn tên lửa để đối phó với Houthi?

Nhà thầu Boeing đã nhận được hợp đồng cung cấp 650 tên lửa hành trình SLAM-ER và 402 tên lửa chống hạm 402 Harpoon Block II cho Saudi Arabia.

Thương vụ này được Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một thông báo, hợp đồng sản xuất và cung cấp SLAM ER ước tính khoảng 1,971 tỷ USD.

Dự kiến hợp đồng sẽ được thực hiện trước khi kết thúc tháng 12/2028. Trong khi đó, việc chuyển giao 402 tên lửa Harpoon Block II Riyadh sẽ được thực hiện theo một hợp đồng khác, tổng số tiền là 656,9 triệu USD.

Cùng với đó, Mỹ cũng đã phê duyệt việc bán một loạt đạn và các thiết bị liên quan trị giá tới 4 tỷ USD cho các máy bay chiến đấu F-16 của Không quân UAE, bao gồm 300 tên lửa tấn công AGM-84H SLAM-ER.

Tên lửa SLAM-ER.

Tên lửa SLAM-ER.

Vậy Saudi mua nhiều vũ khí Mỹ để đối phó ai và đâu là mục đích của Mỹ tại Trung Đông trong những thương vụ này? Giới chuyên gia cho rằng một lực lượng Houthi nhỏ bé tại Yemen chắc chắn không mục tiêu để Saudi phải chi quá lớn như vậy.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Joseph Dunford vừa đưa ra tuyên bố Mỹ sẽ đưa binh sĩ cùng hệ thống phòng không bổ sung tới Vùng Vịnh để bảo vệ Saudi Arabia và UAE.

Ông Esper còn tuyên bố, Mỹ sẽ tăng cường triển khai lực lượng Mỹ đến Vịnh Ba Tư nhằm mục đích phòng vệ sau khi nhận được yêu cầu của đồng minh.

"Đáp lại yêu cầu của Saudi Arabia, Tổng thống Donald Trump đã phê duyệt việc triển khai lực lượng Mỹ đến Vịnh Ba Tư nhằm mục đích phòng vệ, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực phòng không và phòng thủ tên lửa", Bộ trưởng Esper nói.

Ngoài ra, ông Esper còn cho rằng, việc hình thành hệ thống phòng thủ nhiều lớp sẽ bảo vệ Saudi Arabia và UAE tốt hơn trong bối cảnh bị đe dọa liên tục bởi máy bay không người lái hoặc tên lửa.

Diễn biến liên quan tới căng thẳng tại vùng Vịnh là Mỹ đã điều khu trục hạm USS Nitze tới bờ biển phía Đông Bắc Saudi Arabia để thu hẹp khoảng trống trong hệ thống phòng không của Riyadh, sau khi hệ thống này thất bại trong việc ngăn chặn cuộc không kích hồi tháng 9/2019 nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ của tập đoàn Aramco.

Việc tái triển khai tàu USS Nitza được cho là phù hợp với các cáo buộc trước đó từ Washington và Riyadh, cho rằng Iran mới là thủ phạm đằng sau vụ tấn công các nhà máy dầu mỏ dù lực lượng Houthi tại Yemen đã tự tuyên bố nhận trách nhiệm.

Ngoại trưởng Iran - Javad Zarif tố cáo Mỹ "cố tìm cách đánh trống lảng", và cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào chống lại Tehran sẽ châm ngòi cho một "cuộc chiến toàn diện".

Nhưng diễn biến từ phía Mỹ và cả Saudi cho thấy họ chưa đủ bằng chứng và cũng chưa thực sự muốn thúc đẩy một cuộc chiến tranh với Tehran.

Và những gì Mỹ và Saudi Arabia có thể làm hiện giờ là thúc đẩy nhanh chóng các hợp đồng vũ khí nhằm tăng cường khả năng tấn công và phòng thủ cho kịch bản xung đột có thể xảy ra trong tương lai.

Theo Tuấn Vũ/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/saudi-arabia-mua-ngan-ten-lua-de-doi-pho-voi-houthi/20200524064946951