Saudi Arabia hoãn tăng sản lượng, thành viên OPEC chờ tăng giá

Các thành viên OPEC như Iraq, Lybia đang thúc đẩy sản xuất dầu mỏ song Saudi Arabia vẫn chần chừ với khả năng tăng sản lượng.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), Saudi Arabia lo ngại số ca mắc COVID-19 gia tăng trên thế giới làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ nên trì hoãn kế hoạch của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng dầu mỏ vào đầu năm tới tại thời điểm COVID-19 vẫn lây lan mạnh ở nhiều nước, trong khi Libya nối lại hoạt động khai thác, xuất khẩu, đe dọa làm tăng nguồn cung dầu thô.

Thành viên OPEC như Iraq, Libya đang tích cực tăng sản lượng khai thác dầu bất chấp khả năng kìm hãm sản lượng để giữ giá dầu của OPEC.

Thành viên OPEC như Iraq, Libya đang tích cực tăng sản lượng khai thác dầu bất chấp khả năng kìm hãm sản lượng để giữ giá dầu của OPEC.

Tháng 4/2020, OPEC cùng với 10 nước đối tác (gọi tắt là nhóm OPEC+) đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác ở mức kỉ lục 9,7 triệu thùng/ngày sau khi đại dịch COVID-19 khiến nhiều nền kinh tế đóng cửa, nhiều nhà máy, xí nghiệp dừng hoạt động, việc di chuyển bằng đường không và các phương tiện giao thông công cộng gần như bị đóng băng.

Thỏa thuận OPEC+ kêu gọi các nước tăng sản lượng từng bước, theo từng giai đoạn. Dựa trên đánh giá dịch bệnh có xu hướng suy giảm vào cuối năm 2020, các nước đồng thuận sẽ tăng lượng khai thác thêm 2 triệu thùng/ngày sau mỗi 6 tháng. Mức tăng này đã được thực hiện lần đầu tiên vào mùa hè vừa qua và đợt tăng kế tiếp dự kiến bắt đầu vào tháng 1/2021.

Tuy nhiên, các cố vấn trong ngành dầu mỏ Saudi Arabia cho biết nước này có ý định đóng băng kế hoạch tăng sản lượng của OPEC+ ít nhất là tới hết quý 1/2021. Lý do là thị trường khó có khả năng tiếp nhận thêm 2 triệu thùng dầu/ngày.

Trong khi đó, các thành viên khác của OPEC như Iraq và Libya dường như "bỏ qua" kế hoạch này.

Libya nối lại hoạt động khai thác, xuất khẩu sẽ làm tăng nguồn cung trên thị trường. Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận và phe quân đội miền đông Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar mới đây đã đạt thỏa thuận về chấm dứt tình trạng “bất khả kháng” về sản xuất, xuất khẩu dầu tại quốc gia Bắc Phi này.

Iraq cũng trong tình trạng tương tự. Xuất khẩu dầu thô Iraq trong tháng 9 tăng 1,3% so với tháng 8 lên 3,063 triệu bpd, chủ yếu do khối lượng gia tăng từ phía khu vực bán tự trị Kurdistan.

Trước đó, hoạt động sản xuất dầu mỏ của Libya đã gần như bị đình trệ kể từ tháng 1/2020 do LNA áp đặt phong tỏa các khu vực khai thác và xuất khẩu dầu mỏ chính. Trong hai tuần gần đây, sản lượng của Libya đã tăng gấp 3 lần, lên mức 300.000 thùng/ngày.

Chính phủ liên bang đã tăng xuất khẩu 16.000 bpd lên 2,613 triệu bdp (72% dầu Basrah Light và 28% dầu Basrah Heavy với giá bình quân 40,4 USD/thùng), trong khi Kurdistan tăng 24.000 bpd lên 450.000 bpd. Baghdad và Erbil đã thống nhất phân chia hạn ngạch cắt giảm OPEC+ theo tỷ lệ thuận. Tuy nhiên, chính quyền Kurdistan chỉ tuân thủ được 79%, trong khi chính quyền liên bang thực hiện trên 102%. Hiện Iraq là quốc gia nợ hạn ngạch cắt giảm bồi thường cao nhất OPEC+.

Iraq đang tích cực thực hiện kế hoạch gia tăng khoảng 30% công suất lọc dầu lên 910.000 bpd vào quý 2/2022 bằng cách tập trung nâng cấp và mở rộng hai nhà máy chính (Baiji và Karbala) nhằm giảm thiểu nhập khẩu xăng dầu. Theo các nhà phân tích, kế hoạch này đang gặp phải một số trở ngại: hiệu quả kinh tế thấp dẫn đến khó thu hút nguồn vốn đầu tư, do vậy, quốc gia sản xuất dầu thô lớn thứ 2 OPEC vẫn sẽ phải dựa vào nhập khẩu nhiên liệu đến năm 2030.

OPEC đang phải đối mặt với một thời điểm vô cùng khó khăn trong lịch sử 60 năm, với nhu cầu và giá dầu thô ngày càng sa sút do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, những bất đồng giữa các nước thành viên cũng như mối đe dọa từ các nhiên liệu sạch hơn.

Châu Âu tin tưởng năng lượng sạch chiếm lĩnh thế giới hậu COVID-19

Ngày nay nhiên liệu hóa thạch là nguồn cung gốc cho 85% năng lượng toàn cầu. Nhưng hệ thống này rất ô nhiễm. Năng lượng chiếm 2/3 lượng phát thải khí nhà kính; ô nhiễm do đốt nhiên liệu hóa thạch giết chết hơn 4 triệu người mỗi năm, chủ yếu ở các thành phố lớn ở các nước mới nổi.

Dầu mỏ cũng tạo ra bất ổn chính trị. Trong nhiều thập niên, các quốc gia dầu lửa như Venezuela và Saudi Arabia đã sa lầy vào việc trợ cấp cho dân chúng và chủ nghĩa thân hữu. Trong nỗ lực đảm bảo nguồn cung an toàn, các cường quốc lớn trên thế giới đã tranh giành ảnh hưởng đối với các quốc gia dầu mỏ, đặc biệt là ở Trung Đông, nơi Mỹ có khoảng 60.000 quân.

Nhiên liệu hóa thạch cũng gây ra biến động kinh tế. Các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch đang buộc phải đối mặt với những điểm yếu của họ. ExxonMobil của Mỹ đã bị loại khỏi Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones nơi họ đã là thành viên từ năm 1928. Các quốc gia dầu lửa như Saudi Arabia cần giá dầu ở mức 70-80 USD/thùng để cân bằng ngân sách của họ. Giá dầu đang tăng cũng chỉ loanh quanh ở mức 40 USD/thùng.

Trước đây đã có những đợt sụt giảm giá dầu, nhưng lần này thì khác. Khi công chúng, chính phủ và các nhà đầu tư thức tỉnh trước tình trạng biến đổi khí hậu, ngành công nghiệp năng lượng sạch đang được đà phát triển. Thị trường vốn đã thay đổi: cổ phiếu năng lượng sạch tăng 45% trong năm nay. Với lãi suất gần bằng 0, các chính trị gia đang ủng hộ các kế hoạch cơ sở hạ tầng xanh.

Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ, Joe Biden, muốn chi 2 nghìn tỉ USD để giảm phát thải carbon trong nền kinh tế Mỹ. Liên minh châu Âu đã dành 30% trong kế hoạch phục hồi 880 tỷ USD hậu COVID-19 cho các biện pháp khí hậu, và Chủ tịch của Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, đã sử dụng bài phát biểu hàng năm của mình trong tuần này để xác nhận rằng bà muốn EU cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính tới 55% so với mức của năm 1990 trong thập niên tới.

EU kỳ vọng nhiên liệu xanh sẽ giúp thế giới hòa bình và ổn định hơn.

Hệ thống năng lượng của thế kỷ 21 hứa hẹn sẽ tốt hơn thời đại dầu mỏ – tốt hơn cho sức khỏe con người, ổn định hơn về mặt chính trị và ít biến động hơn về kinh tế. Sự thay đổi này có rủi ro lớn. Nếu mất trật tự, nó có thể làm tăng thêm bất ổn chính trị và kinh tế tại các quốc gia dầu lửa và tập trung quyền kiểm soát chuỗi cung ứng xanh vào tay Trung Quốc.

Theo phân tích của giới nghiên cứu ở châu Âu, năng lượng phi cacbon sẽ tránh được sự hỗn loạn của biến đổi khí hậu chưa được kiểm soát, bao gồm hạn hán tàn khốc, nạn đói, lũ lụt và sự di dân hàng loạt. Khi chín muồi, nó cũng trở nên ổn định hơn về mặt chính trị, bởi vì nguồn cung sẽ đa dạng về mặt địa lý và công nghệ. Các quốc gia dầu lửa sẽ phải cố gắng cải cách chính mình, và khi chính phủ của họ bắt đầu phụ thuộc vào việc đánh thuế công dân, một số sẽ trở nên dân chủ hơn.

Các quốc gia tiêu thụ dầu, vốn từng tìm kiếm an ninh năng lượng bằng cách can thiệp vào chính trị của các nước sản xuất dầu, sẽ chuyển sang điều tiết hợp lý ngành công nghiệp điện của họ.

Hệ thống của thế kỷ 21 cũng sẽ ít biến động hơn về mặt kinh tế. Giá điện sẽ không được xác định bởi một vài tác nhân lớn mà bởi sự cạnh tranh và tăng hiệu quả dần dần.

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/saudi-arabia-hoan-tang-san-luong-thanh-vien-opec-cho-tang-gia-3420381/