Saudi Arabia cần hơn 50 tỷ USD đầu tư cho cung ứng nước ngọt

Saudi Arabia cần huy động hơn 53 tỷ USD tới năm 2020 từ khu vực tư nhân, để đầu tư cho chương trình cung cấp nước ngọt do nhu cầu tiêu thụ ngày một gia tăng.

Nhà máy khử mặn nước biển ở Saudi Arabia. Ảnh: The Korea Herald

Thứ trưởng Bộ Môi trường, Nước và Nông nghiệp Saudi Arabia nêu rõ từ nay tới năm 2020, quốc gia Trung Đông này cần huy động số vốn đầu tư lên tới 200 tỷ riyal (tương đương 53,3 tỷ USD) cho việc xây dựng và nâng cấp các nhà máy khử mặn nước biển ở Biển Đỏ và Vịnh Arabian.

Phát biểu tại diễn đàn đầu tư vào lĩnh vực cung ứng nước ngọt, Giám đốc Tổng Công ty lọc nước biển (SWCC), Ali Al-Hazmi nói rằng các dự án xây dựng nhà máy chuyển nước biển thành nước ngọt sẽ cho phép khu vực tư nhân đấu thầu.

Saudi Arabia là một quốc gia sa mạc, không có sông và nguồn cung cấp nước ngọt chính là từ các nhà máy khử muối nước biển và sử dụng nước ngầm. Chi phí sản xuất nước ngọt rất đắt đỏ và cần nhiều vốn đầu tư.

Quốc gia Trung Đông đang tích cực kêu gọi sự đóng góp của khu vực tư nhân nhằm đa dạng hóa nền kinh tế thông qua đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp năng lượng mới. Saudi Arabia đang triển khai kế hoạch tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước nhằm khuyến khích sự năng động để tạo động lực phát triển.

Trong số các doanh nghiệp nhà nước sắp được cổ phần có Tổng Công ty lọc khử mặn nước biển (SWCC). SWCC, được thành lập từ năm 1974, là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về khử mặn nước biển và hiện đang vận hành 28 nhà máy ngọt hóa nước biển và sản suất điện.

Nhu cầu tiêu thụ nước ngọt của Saudi Arabia đang tăng hơn 5% mỗi năm. Đến năm 2020, vương quốc giàu tài nguyên dầu mỏ ở Trung Đông này đặt mục tiêu tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia 52% vào các dự án khử mặn nước biển./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/saudi-arabia-can-hon-50-ty-usd-dau-tu-cho-cung-ung-nuoc-ngot/29555.html