Sau vụ tác phẩm bốc mùi: Đừng 'cướp' vỉa hè hồ Gươm!

Hồ Gươm đang rất cần không gian trống để người dân đi bộ, thưởng ngoạn vẻ đẹp của tháp rùa, đền Ngọc Sơn.

Kiến trúc sư (KTS) Ngô Doãn Đức, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ với báo Đất Việt ý kiến trên vào ngày 31/10 xung quanh xôn xao vụ tác phẩm nghệ thuật sắp đặt bốc mùi xú uế cạnh hồ Gươm.

"Màu sắc của tác phẩm Tháp theo lối hiện đại, rực rỡ nhưng lại rất tương phản khi đặt cạnh tháp Hòa Phong. Hơn nữa sai lầm của nhóm tác giả là làm một tác phẩm có chứa ruột bên trong để cho người khác đi luồn qua các ô cửa vào xem.

Nếu như làm một khối hình đục rỗng thì có lẽ không có ai dám đi tiểu tiện trong đó, không ai nhầm tưởng là nhà vệ sinh. Qua đây có thể thấy rằng, đừng lấy chỗ trống ở hồ Gươm để đặt những tác phẩm như này", KTS Ngô Doãn Đức cho biết.

Theo KTS Ngô Doãn Đức, qua sự việc này, tác giả cũng nên rút kinh nghiệm khi sáng tác một tác phẩm đặt nơi công cộng. Phía quản lý đô thị cũng cố gắng không nên đặt tác phẩm hay hiện vật nào quanh khu vực hồ Gươm.

Tác phẩm từng được đặt cạnh tháp Hòa Phong - Ảnh: TTO

Tác phẩm từng được đặt cạnh tháp Hòa Phong - Ảnh: TTO

"Hồ Gươm đẹp như vậy mà cứ mang đủ thứ vào như thế sẽ khiến nơi đây không còn nét đẹp riêng. Trong một không gian cộng đồng như hồ Gươm thì đừng tranh thủ cướp vỉa hè, phải để khoảng trống để người dân thưởng ngoạn tháp rùa, đền Ngọc Sơn.

Những nơi như hồ Gươm chỉ nên có các hoạt động hát múa trong một thời gian rất ngắn chứ không nên để lâu, kéo dài qua ngày. Đối với tác phẩm Tháp hay các tác phẩm khác của nhóm tác giả chỉ thích hợp khi để tại những không gian rộng ở những nơi khác chứ không phải hồ Gươm", KTS Ngô Doãn Đức chia sẻ thêm.

Nhận xét về xu hướng trang trí hồ Gươm thời gian qua, vị KTS này cho rằng, những hàng cây quanh hồ Gươm còn đẹp hơn rất nhiều những ánh đèn lòe loẹt. Nơi đây cần hạn chế các gian hàng hay các mô hình nhà cửa.

Ông Đức nói: "Đừng đem các hiện vật đặt cạnh hồ Gươm. Đây là phố đi bộ cuối tuần thì cần tạo một khoảng trống hợp lý chứ đừng đem trưng bày cái gì nơi đây. Các nhà quản lý không nên gật đầu dễ dãi với những ý tưởng của các nghệ sĩ mà cần phải khó tính hơn trong bố trí không gian xung quanh hồ Gươm".

Đồng tình với ý kiến trên, cùng ngày, KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, không gian xung quanh hồ Gươm là một không gian rất đặc trưng của Hà Nội. Chính vì là không gian ở trung tâm Hà Nội nên cần có một chỉ đạo thống nhất về việc phải lấy ý kiến của cộng đồng trước khi đem trưng bày một tác phẩm nào đó.

Ông Nghiêm cho biết, trước đây, có một số đơn vị tổ chức sự kiện khi đưa ra không gian sắp đặt, họ chỉ để trong một thời gian rất ngắn rồi tự động tháo dỡ chứ không để lâu như 6 tác phẩm của nhóm tác giả Mai Thu Vân, NĐK Nguyễn Ngọc Lâm và Kiến trúc sư Đỗ Anh Tuấn.

"Việc các nghệ sĩ đã phải tự tháo dỡ tác phẩm điêu khắc trưng bày tại bờ hồ Gươm là một bài học, trưng bày tác phẩm mãi nơi đây khiến người khác không thấy được giá trị. Mặc dù tôi cho rằng, bộ tác phẩm của nhóm tác giả là có ý thức sáng tạo nhưng đặt ở hồ Gươm thì hoàn toàn không hợp vị trí.

Việc trang trí, sắp đặt các hiện vật quanh hồ Gươm cần phải lấy ý kiến của cộng đồng, đặt ý kiến người dân lên hàng đầu", KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm.

Cũng theo ông Nghiêm, màu sắc, đèn trang trí xung quanh hồ Gươm cũng nên dùng màu nhã nhặn, tránh lòe loẹt và hơn hết thời gian trưng bày các tác phẩm nên rút ngắn, chỉ một thời gian nhất định rồi tháo bỏ ngay.

Được biết, sau khi tác phẩm Tháp nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, chiều 30/10, quận Hoàn Kiếm và các nghệ sĩ đã quyết định dỡ bỏ tác phẩm này.

Như đã đưa tin, trong số 6 tác phẩm được trưng bày tại xung quanh phố đi bộ Hà Nội, tác phẩm Tháp mô phỏng một ngọn tháp ngoài đời thực, có 6 tầng, gồm nhiều ô cửa màu sắc. Người dân và du khách có thể trải nghiệm bằng cách đi sâu vào bên trong tác phẩm, quan sát cảnh vật thông qua những lăng kính màu xanh dương, đỏ sẫm và tím.

Thế nhưng, theo phản ánh, một số người dân đã tiểu tiện, thậm chí đại tiện, nôn mửa, gây mất vệ sinh bên trong công trình nghệ thuật này. Phía bên ngoài còn xuất hiện dòng chữ: "Đây là mô hình trang trí, không phải nhà vệ sinh!".

Nhiều người dân phản ánh, khi bước vào bên trong đã vội chạy ùa ra ngoài vì mùi hôi thối và khó thở. Những ai di chuyển qua công trình này đều buộc lòng phải bịt mũi, lướt qua thật nhanh, chỉ dám ngó nhìn trong giây lát.

Thu Hoài

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/sau-vu-tac-pham-boc-mui-dung-cuop-via-he-ho-guom-3390561/