Sau vụ cây xanh đè chết học sinh, Hà Nội yêu cầu rà soát hệ thống cây xanh trong trường học

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống tai nạn thương tích và phòng chống dịch bệnh trong trường học, trong đó yêu cầu rà soát hệ thống cây xanh.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã có văn bản số 1628/SGDĐT-CTTT về việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống tai nạn thương tích và phòng chống dịch bệnh trong trường học gửi các phòng GDĐT các quận, huyện, thị xã; các trường học trực thuộc Sở, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên.

Văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội được ban hành sau vụ việc cây đổ trong sân trường khiến học sinh thương vong ở TP. HCM, trong đó yêu cầu để đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong mùa mưa bão, yêu cầu các trường học trên địa bàn thành phố chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát toàn bộ cây xanh trong khuôn viên nhà trường.

Hiện trường vụ cây phượng đổ gây thương vong cho học sinh Trường THCS Bạch Đằng.

Hiện trường vụ cây phượng đổ gây thương vong cho học sinh Trường THCS Bạch Đằng.

Xử lý ngay những cây bị nghiêng, có hiện tượng mối mọt, với những cây lâu năm cần lưu ý việc cắt tỉa cành, nhánh cây, cắt bỏ những nhánh mục, hư hỏng, tránh tình trạng cây gãy đổ có thể gây tai nạn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường.

Trường hợp nếu phát hiện cây có nguy cơ gẫy, đổ nhưng chưa kịp xử lí nhà trường phải có cảnh báo nguy hiểm và liên hệ ngay với cơ quan chuyên môn để được xử lí trong thời gian sớm nhất.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của việc phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em. Vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình, không để các em vui chơi, đi bơi, tắm ở những vùng sông, hồ, ao… đảm bảo an toàn cho học sinh trong dịp hè.

Thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phổ biến kiến thức, kỹ năng tới cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh về phòng, chống tai nạn thương tích, trong đó nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của việc phòng, chống đuối nước.

Chỉ đạo giáo viên ở các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường, thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không được chơi, đùa gần sông, hồ, ao, ... nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng, đặc biệt khoảng thời gian từ nhà đến trường, từ trường về nhà và thời gian được nghỉ học, nghỉ hè.

Chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương lắp đặt các biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao có thể xảy ra đuối nước, những khu vực vắng người qua lại trên địa bàn và có phương án kiểm tra đột xuất sau giờ học tại các điểm sông, hồ, ao... gần trường.

Hướng dẫn các em tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh; tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng chống tại nạn đuối nước trong thời gian nghỉ hè. Kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ, lụt... nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước.

Ngoài ra, nội dung văn bản cũng yêu cầu thực hiện các biện pháp nhảm đảm bảo mọi mặt về an toàn, an ninh trong trường học, như: an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy; vệ sinh môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm…

Thiên An (TH)

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.nguoiduatin.vn/doi-song/sau-vu-cay-xanh-de-chet-hoc-sinh-ha-noi-yeu-cau-ra-soat-he-thong-cay-xanh-trong-truong-hoc-51516.html