Sau vụ cây xanh bật gốc đè chết người: Vẫn còn nhiều cây đã già cỗi có rễ lộ thiên, nhánh vươn ra mặt đường ở Sài Gòn

Dọc tuyến đường vừa có cây xanh bật gốc, ngã đè chết người đi xe máy vẫn còn nhiều cây cổ thụ khác với bộ rễ lộ thiên, nhánh rộng vươn ra mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ đổ hoặc gãy nhánh bất cứ lúc nào khi mưa gió.

Mới đây một vụ việc đáng tiếc đã xảy ra khi cây xanh phía trước trường ĐH Kinh Tế TP.HCM (đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.HCM) bật gốc, ngã xuống đường đè chết một người đi xe máy khiến dư luận bàng hoàng.

Tuy nhiên, đây cũng không phải là lần đầu tiên cây xanh bật gốc, đè trúng người đi đường ở TP. HCM. Trước đó có nhiều vụ việc tương tự nhưng nạn nhân chỉ bị thương hoặc may mắn né kịp thời.

Cây xanh bật gốc trong mưa, đè chết người đi xe máy vào chiều ngày 24/9.

Vụ việc đau lòng vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng cây xanh ở TP.HCM đang giống như "quả bom nổ chậm", có thể bật gốc ngã bất cứ lúc nào khi trời mưa gió.

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM) cũng cho biết, hiện nay số lượng cây có kích thước lớn bị sâu bệnh, già cỗi vẫn còn nhiều nên cần phải thay thế dần để tránh sự cố như vừa rồi. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của đơn vị quản lý cây xanh là người dân ít đồng tình khi chặt bỏ cây xanh trên đường phố.

Vì vậy, ông Điệp cũng mong muốn trong thời gian tới người dân đồng tình khi đơn vị quản lý thực hiện nhiệm vụ thay mới cây xanh bị sâu bệnh, già cỗi không còn khả năng sinh trưởng.

Hàng cây xanh thẳng tắp trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10).

Thực tế ghi nhận trên đường Nguyễn Tri Phương vẫn còn rất nhiều cây xanh tương tự như cây xanh bật gốc đè chết người vừa rồi. Hàng cây xanh cao, đứng thẳng tắp, có kích thước lớn nhưng phần rễ nhiều cây bị lộ thiên trên vỉa hè, nhánh vươn ra mặt đường khiến người dân ái ngại khi đi qua.

Vị trí trước trường ĐH Kinh tế vẫn còn một cây dầu cao tương tự như cây vừa bật gốc, hiện cây này đã được tỉa bớt nhánh. Ngoài ra, gần vị trí cây xanh vừa ngã cũng có một cây xanh khác nhưng cây này đã được chặt hết cành và phần ngọn, chỉ còn trơ trụi phần thân.

Vị trí cây xanh vừa bật gốc hôm 24/9, vỉa hè cũng bị vỡ nhô lên. Sát bên cây vừa bật gốc là một cây đã bị chặt trụi.

Người dân sống gần khu vực này cho biết, sau sự việc nam thanh niên bị cây bật gốc đè tử vong khiến ai cũng lo lắng, họ bất an về cây xanh trên đường này. Theo người dân, nhìn bên ngoài cây xanh vẫn còn tươi tốt nhưng bên trong thân cây hay bộ rễ đã mục.

"Nếu trời mưa gió nữa thì tôi sẽ cân nhắc có nên di chuyển trên đường này không vì hàng cây trên đường Nguyễn Tri Phương này cũng giống như cây bật gốc vừa rồi. Tôi nghĩ cây xanh trồng đến thời điểm nào đó cũng không thể sinh trưởng được nữa, cây già cỗi,... vì vậy cần có biện pháp để xử lý", anh Thanh Dương (quận 10) chia sẻ.

Đây là cây xanh còn lại đã được tỉa nhánh trước trường ĐH Kinh Tế TP.HCM.

Cây xanh này có tán rộng nên dù đã được cắt tỉa vẫn còn nhiều nhánh vươn ra đường.

Không chỉ cây xanh trên đường Nguyễn Tri Phương, nhiều cây xanh trên các tuyến đường như 3/2, Lý Thường Kiệt (quận 10)... cũng đang có nguy cơ bật gốc hay gãy nhánh bất cứ lúc nào. Việc thường xuyên kiểm tra, tỉa cành là cần thiết khi TP.HCM đang trong mùa mưa gió.

Trên đường 3/2, đoạn từ cầu vượt 3/2 đến đường Lý Thường Kiệt, hàng cây cổ thụ với thân và gốc rất to đã được cắt tỉa gọn gàng, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên đoạn từ cầu vượt 3/2 đến ngã 6 Dân Chủ, hàng cây xanh to cao và thẳng đứng với nhiều nhánh nhoài ra mặt đường vẫn còn nhiều. Người dân cho biết, hàng cây trên đường này đều rất lâu năm nên nguy cơ bật gốc hay gãy nhánh khi mưa gió rất cao.

Qua ghi nhận, đa số cây xanh trên các tuyến đường đều đã được đơn vị quản lý đánh số để theo dõi, tiện chăm sóc, cắt tỉa. Hiện này cũng có một số cây xanh cổ thụ đã được đốn hạ để trồng cây mới và đang phát triển tốt.

Trên đường Nguyễn Tri Phương vẫn còn một số cây xanh có nhánh nhoài ra đường, tiềm ẩn nguy cơ bị gãy khi mưa gió.

Một cây xanh có nhánh sinh trưởng chẻ hướng ra mặt đường.

Hầu hết cây xanh trên đường Nguyễn Tri Phương đều thuộc cây họ dầu, có tán rộng, thẳng đứng.

Vài cây lâu năm trên đường Nguyễn Tri Phương có bộ rễ lộ thiên trên vỉa hè.

Một số cây cũng đã được tỉa bớt nhánh để đảm bảo an toàn cho người dân.

Hiện nay có nhiều cây xanh cổ thủ đã được bê tông hóa để đảm bảo mỹ quan đô thị, điều này vô tình làm bộ rễ cây không thể ăn sâu vào đất.

Một số cây có bộ rễ phát triển làm nứt bồn bê tông dưới gốc.

Rễ cây cổ thụ lộ thiên ra đường.

Rễ cây lan rộng khiến cho mặt đường bị trồi lên.

Hàng cây trên đường 3/2 được cắt tỉa đẹp, gọn gàng, an toàn hơn.

Tuy nhiên đường 3/2 vẫn còn nhiều cây vẫn có tán rộng, nhoài ra đường.

Một số cây xanh già cỗi trên đường 3/2 đã đốn hạ và hiện được trồng cây mới.

Tứ Quý

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/sau-vu-cay-xanh-bat-goc-de-chet-nguoi-van-con-nhieu-cay-da-gia-coi-co-re-lo-thien-nhanh-vuon-ra-mat-duong-o-sai-gon-2202027921555309.htm