Sau vẻ ngoài 'lạnh lùng' của ông Putin, Iran vẫn đang đối mặt với 'cửa tử' ở Syria?

Nếu Nga thành công trong việc buộc Iran rút quân khỏi Syria, đây sẽ là một chiến thắng lớn tại cuộc họp ở Jerusalem và là một thử nghiệm về ảnh hưởng của ông Putin với Tehran và Damascus.

Nga muốn thoát khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ.

Nga muốn thoát khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ.

Kịch bản 1: Mở màn thay đổi ở Jerusalem?

Mặc dù sự liên kết khăng khít giữa Nga với Iran trong mục tiêu hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad là điều không thể phủ nhận, nhưng các vết nứt giữa Moscow và Tehran đang bắt đầu lộ diện, theo Al-Monitor.

Nói với trang Axios, một quan chức Nhà Trắng nhận định: “Chúng tôi chắc chắn rằng người Iran không thể vui khi các cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, Israel và Nga sẽ họp tại Jerusalem trong tháng này và vấn đề Syria sẽ đứng đầu chương trình nghị sự”.

Dấu hiệu bất mãn giữa Moscow và Tehran là không hề khó tìm. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đưa ra một sự an ủi nhẹ nhàng với Iran sau áp lực quân sự của Mỹ, thậm chí nói rằng đất nước của ông không phải đội cứu hỏa mà có thể “dập lửa” ở bất cứ đâu.

Nga và Iran cũng đang cạnh tranh về tái thiết và kiểm soát lĩnh vực an ninh của Syria. Vì vậy, tiềm năng cho một bước chuyển biến mới tại cuộc họp Jerusalem là có thể, nhưng tất cả phụ thuộc vào những gì Mỹ và Israel cung cấp.

Cùng với đó, sự thành công có khả năng bị giảm xuống nếu Mỹ-Israel không khai thác chính xác các khe nứt giữa Nga và Iran.

Đối với Tổng thống Putin, Syria là một thành công lớn và là thất bại đau đớn cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Sự can thiệp quân sự của ông đã giúp Tổng thống Assad nắm giữ quyền lực đất nước, trong khi đảm bảo và mở rộng căn cứ và ảnh hưởng của Nga với cái giá có thể chấp nhận được.

Syria không giống như các nơi mà Nga từng đưa quân tham chiến. Đây là nơi người Nga sẽ ở lại để tiếp tục mở rộng chiến thắng trong khu vực.

Điều quan trọng đối với ảnh hưởng khu vực của Tổng thống Putin là mối quan hệ của ông với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hay còn gọi là Nhóm Astana. Do đó, ông sẽ không từ bỏ Iran chỉ vì một cuộc họp với Mỹ, hoặc đơn giản là không hài lòng trước sự cạnh tranh với Iran về ảnh hưởng ở Damascus.

Kịch bản 2: Thỏa thuận về Iran

Cây bút Maxim Suchkov của Al-Monitor từng viết rằng, tại Jerusalem, Thư ký Hội đồng Bảo an Nga Nikolai Patrushev có thể đưa ra một đề xuất gần giống với đề xuất mà ông Putin đưa ra cho ông Trump ở Helsinki năm ngoái nhằm tách biệt các lực lượng của Israel và lực lượng Iran hậu thuẫn ở Cao nguyên Golan.

Sáng kiến đó mặc dù không mang đến hiệu quả, nhưng giờ đây nó có thể phát huy trong bối cảnh mới, khi Iran đang đứng trước áp lực mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đòn bẩy của Nga đối với Iran tăng lên trong cuộc khủng hoảng.

Việc Nga một lần nữa cố gắng thành nhà môi giới một số vùng đệm hoặc lằn ranh đỏ giữa Iran và Israel ở Syria, hoặc thậm chí lạc quan hơn – hướng đến một cuộc rút quân của Iran - sẽ là một chiến thắng lớn tại cuộc họp ở Jerusalem và là một thử nghiệm về ảnh hưởng của ông Putin với Tehran và Damascus.

Rủi ro ở Syria có thể khiến Nga chùn bước.

Tất nhiên, điều mà ông Putin muốn là được giải thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga và thiết lập lại quan hệ hai nước sau vụ lùm xùm liên quan đến cáo buộc can thiệp bầu cử.

Về cơ bản, nhà lãnh đạo Nga biết rằng điều này sẽ không phải đến một sớm một chiều, vì ông Trump không phải là người quyết định hết về các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Tổng thống Nga sẵn sàng vừa “gieo mầm, vừa mở rộng ảnh hưởng ở Syria, đồng thời mong đợi một ngày sẽ được “hái trái ngọt”.

Nhưng trong kịch bản thận trọng hơn, ông cũng có thể lùi bước và để các bên tự giải quyết vấn đề. Cũng giống như tại cuộc họp Helsinki năm ngoái, vấn đề Syria có tính rủi ro cao và nhà lãnh đạo Nga không muốn cho mọi thứ miễn phí.

Kịch bản 3: Idlib

Tổng thống Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan phải đối mặt với một loạt các lựa chọn có lẽ còn khó khăn hơn ở Idlib, nơi dường như không có lối thoát nào mà Thổ Nhĩ Kỳ không phải trả cái giá quá lớn.

Nga đã phủ quyết tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Idlib tuần trước, khi không thừa nhận rằng Idlib chủ yếu do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) kiểm soát, một nhóm liên kết với al-Qaeda, mà Liên Hợp Quốc coi là khủng bố.

Cho đến nay, Idlib đang là nơi bị bao vây bởi lực lượng chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn, nằm ở phía tây bắc Syria, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự bế tắc ở Idlib đã mang đến cho Moscow cơ hội lớn trong cuộc chơi đối ngoại với Thổ Nhĩ Kỳ. Tình huống này sẽ đưa Moscow và Ankara gần gũi hơn trong các vấn đề khác nhau, như hợp tác kỹ thuật song phương và quân sự.

Vào tháng 9/2018, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Recep Erdogan đã ký thỏa thuận Sochi về Idlib và đảm nhận một số cam kết nghiêm túc, bao gồm khắc phục vấn đề HTS. Tuy nhiên, ngay từ đầu, những cam kết này đã khó có thể được thực hiện đầy đủ.

Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại nặng nề trong việc tách các lực lượng đối lập trung thành ra khỏi các nhóm khủng bố, Moscow đã thúc ép mạnh mẽ hơn để Ankara phải có hành động dứt khoát hơn.

Moscow cảm thấy tình hình ở Idlib đang vượt khỏi tầm kiểm soát, khi HTS ngày càng củng cố vị trí của nhóm này trong khu vực. Bản thân người Nga đang chịu áp lực từ chính quyền Syria - và ở mức độ thấp hơn là Iran - bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ đã không thực hiện được những gì họ đã hứa.

Tất cả các mục tiêu mà Nga hiện đang tìm kiếm với Thổ Nhĩ Kỳ là tuần tra chung, đàm phán hòa bình, tìm ra các biện pháp để kiềm chế HTS - những bước quan trọng trong việc quản lý tình hình chính trị.

Nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng của Moscow. Những bước đi này còn là công cụ "mềm” để thể hiện sự tôn trọng và nhạy cảm đối với lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đồng thời, Nga đang gửi tất cả các loại "thông điệp quân sự" tới Ankara, thực hiện các vụ đánh bom ở Syria để gây áp lực với Erdogan. Mặc dù người Nga cẩn thận tránh nhắm vào các mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Moscow được cho là nhắm mắt làm ngơ cho quân đội Syria tấn công.

“Tình hình đang leo thang ở Idlib, nơi cho thấy giới hạn ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga”, cây bút Semih Idiz nhận định trên Al-Monitor.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sau-ve-ngoai-cung-ran-cua-ong-putin-voi-my-iran-van-dang-doi-mat-voi-cua-tu-a437365.html