Sau Vành đai và Con đường, Australia cân nhắc dừng cho Trung Quốc thuê cảng 99 năm

Sau quyết định hủy 2 thỏa thuận liên quan đến sáng kiến Vành đai và Con đường, chính quyền Australia lại tiếp tục cân nhắc thu hồi hợp đồng cho công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin 99 năm.

 Cảng Darwin là khu vực gần nhất với Châu Á của Australia và là cửa ngõ thương mại phía bắc của nước này.

Cảng Darwin là khu vực gần nhất với Châu Á của Australia và là cửa ngõ thương mại phía bắc của nước này.

Hãng tin Sydney Morning Herald mới đây dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cho biết Hội đồng An ninh Quốc gia Australia đề nghị Bộ Quốc phòng tư vấn về việc cho công ty Trung Quốc Landbridge Group thuê dài hạn cảng Darwin, một cảng có vị trí chiến lược quan trọng ở miền bắc Australia.

Theo đó, các quan chức quốc phòng Australia sẽ kiểm tra xem liệu tập đoàn Landbridge, thuộc sở hữu của tỷ phú Trung Quốc Ye Cheng, có bị buộc phải từ bỏ quyền sở hữu cảng Darwin vì lý do an ninh quốc gia hay không.

Ông Dutton cho biết Bộ Quốc phòng sẽ ưu tiên lợi ích quốc gia và đưa ra quyết định sau khi xem xét kỹ lưỡng.

Hồi tuần trước, thủ tướng Australia Scott Morrison từng nhấn mạnh rằng “nếu Bộ Quốc phòng và các cơ quan tình báo Austrlia xác định có bất cứ rủi ro gì liên quan đến an ninh quốc gia, chính phủ sẽ hành động”.

Vào năm 2015, chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia do đảng Tự do nắm quyền đã cho công ty Landbridge Group thuê cảng Darwin trong 99 năm với giá 506 triệu AUD (390 triệu USD).

Thỏa thuận này cho phép công ty Landbridge nắm 100% quyền điều hành cảng và 80% quyền sở hữu diện tích đất cảng, bao gồm cả bến tàu Fort Hill phục vụ cho hải quân.

Thỏa thuận này đã gây ra nhiều tranh cãi ở Australia bởi cảng Darwin là khu vực gần nhất với Châu Á của Australia và là cửa ngõ thương mại phía bắc của nước này.

Cảng Darwin cũng là nơi hỗ trợ hoạt động khai thác dầu và khí ở biển Arafura, Biển Timor và vùng biển ngoài khơi bang Tây Australia. Không những vậy, đây còn là cảng duy nhất tại Australia có khả năng triển khai các dịch vụ vận tải đa phương thức.

Ngoài vai trò là một cảng thương mại, Cảng Darwin còn được dùng như là căn cứ phục vụ lực lượng quốc phòng Úc và Mỹ.

Thêm vào đó, công ty Landbridge được cho là có mối liên hệ mật thiết với chính quyền Trung Quốc.

Theo báo cáo ngày 17/3 của Ủy ban quốc hội về tăng trưởng thương mại và đầu tư Australia, có nhiều mối lo ngại nghiêm trọng liên quan đến việc các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và công ty được Bắc Kinh tài trợ hợp tác kinh doanh, sở hữu hoặc thuê cơ sở hạ tầng chiến lược, bao gồm Cảng Darwin.

“Trước những căng thẳng với Trung Quốc, việc cho phép công ty Trung Quốc hợp tác với các trường đại học Úc, bao gồm cả Viện Khổng Tử, và thuê cơ sở hạ tầng chiến lược là mối đe dọa an ninh quốc gia không thể chấp nhận được”, báo cáo nêu rõ.

Ở động thái liên quan mới nhất, chính quyền Australia ngày 21/4 mới đây cũng đã hủy 2 thỏa thuận giữa chính quyền Victoria ký với Trung Quốc là Bản ghi nhớ ký năm 2018 và Thỏa thuận ký năm 2019 về các nội dung hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai con đường và Con đường tơ lụa thế kỷ 21.

Đây là lần đầu tiên Canberra dùng quyền để phủ quyết các thỏa thuận được ký kết bởi các bang, chính quyền địa phương hoặc các trường đại học công lập với nước ngoài. Luật mới này cho phép chính phủ hủy bỏ các thỏa thuận được coi là đe dọa lợi ích quốc gia của Australia.

Trung Quốc đã có phản ứng gay gắt với Australia sau quyết định này và nhấn mạnh rằng “hành động của Canberra nhất định sẽ gây thêm thiệt hại cho mối quan hệ song phương và cuối cùng sẽ chỉ tự làm hại chính mình”.

Minh Đăng

Theo Reuters

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/sau-vanh-dai-va-con-duong-australia-can-nhac-dung-cho-trung-quoc-thue-cang-99-nam-20180504224252585.htm