Sau Tổng thống Philippines, tới lượt Tổng thống Venezuela xung phong tiêm vaccine Sputnik-V của Nga

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro là nguyên thủ thứ 2 trên thế giới tỏ ra hào hứng với virus ngừa Covid-19 có tên Sputnik-V của Nga. Ông cho biết ông sẽ là người đầu tiên ở Venezuela tiêm vaccine này để 'làm gương' cho người dân.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

"Tôi rất vui khi Nga sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm vaccine cho người dân. Sẽ tới lúc tất cả người dân Venezuela đều tiêm vaccine và tôi sẽ là người đầu tiên. Tôi sẽ tiêm đầu tiên để làm gương", ông Maduro phát biểu trên truyền hình hôm 16/8.

Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đặt rất nhiều hy vọng vào nghiên cứu vaccine chống Covid-19 của Nga, đồng thời khẳng định ông sẵn sàng là tình nguyện viên đầu tiên thử nghiệm loại vaccine này.

Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Harry Roque mới đây cho biết các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine Sputnik-V của Nga tại Philippines dự kiến sẽ diễn ra từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021.

Tuyên bố được đưa ra sau khi một ủy ban gồm các chuyên gia về vaccine hoàn tất việc xem xét kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của vaccine Sputnik-V do Nga điều chế.

Người đứng đầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines (FDA) Eric Domingo cho biết Philippines là một địa điểm tốt để thử nghiệm lâm sàng vaccine vì dịch bệnh Covid-19 lây lan ở nhiều khu vực trong cộng đồng chính quyền. Đồng thời, ông Domingo cũng khẳng định Manila sẽ "rất cẩn trọng" trong việc phê duyệt vaccine Sputnik-V.

Theo đó, các nhà khoa học Philippines sẽ gặp các đại diện của cơ sở nghiên cứu Gamaleya, nhà sản xuất vaccine Covid-19 của Nga, để thảo luận về thử nghiệm vaccine cũng như thông tin về tiêm vaccine.

Ngày 11/8, Tổng thống Vladimir Putin đã khiến thế giới chấn động khi tuyên bố Nga đã đăng ký vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới.

Vaccine mới có tên chính thức trên thị trường quốc tế là Sputnik-V, lấy theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được Liên Xô phóng lên quỹ đạo vào năm 1957.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định loại vaccine này hoạt động đủ hiệu quả, tạo ra được miễn dịch ổn định, và đã vượt qua khâu kiểm định.

Theo thông cáo của Bộ Y tế Nga, với phác đồ tiêm 2 lần, vaccine Sputnik-V cho phép phòng ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong 2 năm.

Hành trình "thần tốc" mà Nga phê duyệt và sản xuất vaccine Covid-19 khiến một số quốc gia phương Tây phải ngạc nhiên, thậm chí bày tỏ nghi ngại bởi vaccine Sputnik-V đã được phê duyệt trước khi bước vào thử nghiệm giai đoạn 3, thường có sự tham gia của hàng nghìn người. Thử nghiệm này được coi là điều kiện cần thiết để đảm bảo vaccine được chấp thuận theo quy định.

Đáp trả những nghi ngại này, chuyên gia y tế Nga cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 3.500 người được tiêm vaccine Sputnik-V. Họ không biểu hiện tác dụng phụ, ngoại trừ một số triệu chứng điển hình trong quá trình tiêm vaccine như sốt nhẹ.

Lê Anh

Theo RT

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/sau-tong-thong-philippines-toi-luot-tong-thong-venezuela-xung-phong-tiem-vaccine-sputnik-v-cua-nga-20180504224242520.htm