Sau thương chiến, dịch Covid-19 đập nát quan hệ kinh tế Mỹ - Trung

South China Morning Post nhận định những hi vọng mong manh từ thỏa thuận thương mại 'giai đoạn 1' giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị dịch virus corona chủng mới nghiền nát.

South China Morning Post cho biết trong một cuộc họp ở Viện Hudson tại Washington (Mỹ) cuối tuần trước, Thượng nghị sĩ Rick Scott khẳng định dịch virus corona chủng mới sẽ đẩy nhanh quá trình "phân ly kinh tế" (decoupling) giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Nhiều người nghĩ lâu nay chúng ta đã quá phụ thuộc vào một quốc gia đối thủ. Dịch Covid-19 sẽ buộc các doanh nghiệp Mỹ tư duy lại về chuỗi cung ứng”, Thượng nghị sĩ Scott dự đoán.

Từ trước đến nay, ông Scott là một trong những nghị sĩ có quan điểm chống Trung Quốc dữ dội nhất tại Washington. Và giới quan sát nhận định tâm lý chống Trung Quốc đang leo thang ở thủ đô nước Mỹ.

Thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" được Washington và Bắc Kinh ký hồi giữa tháng 1 không che giấu được các rạn nứt giữa 2 nền kinh tế dù Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc mô tả nó sẽ ngăn chặn nguy cơ "phân ly kinh tế".

Thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" giữa Mỹ và Trung Quốc không thể ngăn chặn được làn sóng kêu gọi "phân ly kinh tế". Ảnh: CNBC.

Thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" giữa Mỹ và Trung Quốc không thể ngăn chặn được làn sóng kêu gọi "phân ly kinh tế". Ảnh: CNBC.

Dịch Covid-19 kích thích chủ nghĩa "phân ly kinh tế"

Trong những tuần qua, hàng loạt quan chức Nhà Trắng trực tiếp hoặc gián tiếp đặt vấn đề "phân ly kinh tế". Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow đều mô tả dịch Covid-19 sẽ có lợi cho nền kinh tế Mỹ.

Nhà kinh tế Jeff Ferry thuộc Liên minh vì nước Mỹ thịnh vượng (CPA) - một tổ chức ủng hộ ông Trump - cũng cho rằng thuế trừng phạt 25% đánh lên tất cả hàng hóa Trung Quốc sẽ tạo ra 1 triệu việc làm tại Mỹ.

“Việc Mỹ phụ thuộc vào sản xuất ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ vừa là vấn đề kinh tế, vừa là vấn đề an ninh quốc gia. Một cuộc khủng hoảng - ví dụ như dịch virus corona chủng mới - có thể làm sản xuất Trung Quốc ngừng trệ hoặc chậm lại và nạn trộm cắp bản quyền sở hữu trí tuệ cũng như sản xuất hàng giả ở Trung Quốc vẫn rất nghiêm trọng", ông giải thích.

Dịch virus corona chủng mới càng gây sức ép nặng nề lên quan hệ kinh tế Mỹ - Trung khi các dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc ngừng chễ, hàng loạt chuỗi cung ứng đứt quãng. Khi hậu quả kinh tế của dịch ngày càng trở nên rõ ràng, càng nhiều người ở Washington kêu gọi "phân ly kinh tế".

Trong các phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ những cuộc họp của nhiều tổ chức nghiên cứu, hàng loạt quan chức và chuyên gia Mỹ khẳng định rằng nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc không thể đi cùng một hướng.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ nhận định dịch Covid-19 sẽ buộc các doanh nghiệp Mỹ tư duy lại về chuỗi cung ứng và dần rút dây chuyền khỏi Trung Quốc. Ảnh: CNBC.

Trên thực tế, một số nhà quan sát nhận định cả Mỹ và Trung Quốc đã chủ động thực hiện các biện pháp "phân ly kinh tế" trong vài năm qua.

"Thời gian qua Trung Quốc đã tăng tốc thay thế công nghệ nước ngoài bằng sản phẩm trong nước ở nhiều ngành nghề nhằm tìm kiếm sự độc lập về công nghệ. Bắc Kinh sẽ không dừng lại", ông Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết.

Ý ông Kennedy muốn đề cập tới chính sách thay thế toàn bộ phần cứng và phần mềm nước ngoài bằng sản phẩm nội địa trong các văn phòng chính phủ Trung Quốc từ năm 2022.

Chuyên gia Kennedy cũng nhận định việc chính quyền Trung Quốc hạn chế luồng thông tin từ phương Tây cũng là một phần trong chiến lược "phân ly kinh tế" của Bắc Kinh.

Sân ngày càng rộng, hàng rào ngày càng cao

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, chính phủ Mỹ hạn chế dòng chảy vào Trung Quốc của các loại hàng hóa bị xem là “nhạy cảm” đối với an ninh quốc gia và đối ngoại. Trước đây, những hạn chế này chỉ là "khoảng sân nhỏ với hàng rào thấp".

“Tuy nhiên, sân ngày càng rộng và hàng rào ngày càng cao”, chuyên gia Kennedy cho biết. Năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ lập ra "Danh sách hạn chế", qua đó cấm 100 cá nhân và công ty Trung Quốc mua hàng hóa Mỹ.

“Dù là đầu tư thương mại, công nghệ hay du lịch, Mỹ và Trung Quốc đều không phân định rõ ràng ranh giới giữa kinh tế và an ninh quốc gia”, chuyên gia Kennedy nói thêm.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, Mỹ lập tức ra lệnh cấm cửa người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong 14 ngày trước đó. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Washington "vi phạm nhân quyền.

Trong tháng 2, Washington siết chặt quản lý các hãng truyền thông Trung Quốc. Phản ứng lại, Bắc Kinh trục xuất 3 phóng viên tờ Wall Street Journal. Sau đó, chính quyền Tổng thống Trump buộc 5 hãng truyền thông Trung Quốc giảm số lượng nhân viên ở Mỹ từ 160 xuống 100.

Huawei, công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen. Ảnh: Bloomberg.

Khi tác động của dịch Covid-19 đối với chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên rõ ràng, nền kinh tế Mỹ chịu nhiều thiệt hại. Tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc nặng nề nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Giới quan sát nhận định việc nền kinh tế Mỹ lao đao càng khiến các chính trị gia và chuyên gia Mỹ kêu gọi doanh nghiệp tư duy lại về tình trạng phụ thuộc vào sản xuất và tiêu thụ ở Trung Quốc.

Nikkei Asian Review đưa tin Google và Microsoft đang đẩy nhanh quá trình giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Khảo sát của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung mới đây cho thấy các doanh nghiệp thành viên cũng đã tính toán đến chuyện rời Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bị lãng quên, và mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ đối mặt với những sóng gió mới.

“Ai làm chủ Nhà Trắng đi chăng nữa thì mối quan hệ mang tính xây dựng và tích cực giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ chỉ còn là quá khứ”, ông Jake Parker, Phó chủ tịch cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, khẳng định.

Hương Giang

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/sau-thuong-chien-dich-covid-19-dap-nat-quan-he-kinh-te-my-trung-post1054848.html