Sáu thách thức trong chính sách quốc phòng của EU

Trong bối cảnh châu Âu đang phải vật lộn với những trở ngại tài chính và chính trị ảnh hưởng đến những nỗ lực chính sách quốc phòng chung, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối mặt với những rạn nứt nội bộ và một Trung Quốc và Nga ngày càng quyết đoán hơn.

Binh sĩ tham gia cuộc tập trận BALTOPS của NATO tại Nemirseta, Litva. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Binh sĩ tham gia cuộc tập trận BALTOPS của NATO tại Nemirseta, Litva. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo trang mạng eurasiareview.com, Liên minh châu Âu (EU) có 6 vấn đề cần xem xét và tính toán về an ninh và quốc phòng của khu vực này trong năm 2020.

Thế lưỡng nan quốc phòng

Với việc thành lập Tổng cục về công nghiệp quốc phòng và không gian, EU muốn củng cố nền công nghiệp quốc phòng của khối đang trong tình trạng mong manh, đồng thời muốn đưa những sáng kiến quốc phòng hiện nay dưới sự quản lý của Ủy ban châu Âu (EC). Ba sáng kiến nổi trội của khối là Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng của EU (PESCO), Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF) và Sở chỉ huy chung cho các chiến dịch quân sự của EU ở nước ngoài.

Tuy nhiên, khi được hỏi về kỳ vọng đối với các cơ quan nói trên, một quan chức cấp cao của EU lại bày tỏ hoài nghi về những quyết định cụ thể mà cơ quan này có thể đưa ra.

Trong một đánh giá thường niên được công bố hồi tháng 9, Tòa án Kiểm toán châu Âu cho rằng mục tiêu tăng chi tiêu ngân sách của EU lên đến 22,5 tỷ euro (khoảng 25 tỷ USD) trong 10 năm tới không đủ chi cho những tham vọng về lĩnh vực này. Một thành viên tòa án đã nói rằng sự bất tương xứng giữa những tham vọng này và nguồn tài nguyên sẵn có là “quá lớn”.

Trong khi đó, EDF, một trong những công cụ hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu và phát triển của châu Âu, lại chỉ có thể bắt đầu khởi động sau khi các cuộc đàm phán về ngân sách của EU kết thúc vào thời điểm nào đó trong năm 2020. Đối mặt với những khó khăn về ngân sách quốc phòng, EU đang phải tìm kiếm những nguồn tài chính mới cho nhiều dự án quân sự của mình.

Khả năng lưu động quân sự

Năm 2019, NATO không tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở khu vực Biển Baltic như liên minh này thực hiện trong cuộc tập trận Trident Juncture hồi năm 2018 ở Na Uy. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi trong năm 2020. Khoảng 37.000 binh sĩ sẽ tham gia cuộc tập trận mang tên “Người bảo vệ 2020” về di chuyển các lực lượng đến Ba Lan và các nước vùng Baltic, trong một hoạt động mà giới chức an ninh gọi là “cuộc di chuyển binh lính Mỹ đến châu Âu có quy mô mở rộng nhất trong vòng 25 qua”.

Cuộc tập trận này cũng đóng vai trò giúp trấn an lo ngại của các nước thành viên Đông Âu trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chặn một thỏa thuận của NATO về bảo vệ Ba Lan và các nước Baltic, nếu liên minh quân sự này không chấp nhận coi các tay súng người Kurd ở Syria là lực lượng khủng bố.

Theo Bộ Quốc phòng Estonia, Mỹ gần đây đã phân bổ khoản viện trợ quân sự 175 triệu USD cho Estonia, Latvia và Litva trong năm 2020. Ngoài ra, hồi đầu năm 2019, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng cam kết tái củng cố lực lượng đến Ba Lan. Từ trước đến nay, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Ba Lan và 3 nước Baltic tương đối nhỏ, chỉ là 4 nhóm chiến đấu có quy mô như tiểu đoàn.

NATO và các “lãnh địa” mới

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoài triển vọng Bắc Macedonia có thể gia nhập liên minh quân sự này với tư cách thành viên thứ 30 vào đầu năm 2020, đối với NATO, năm 2020 sẽ chủ yếu về việc cân bằng trọng tâm an ninh truyền thống ở châu Âu với trọng tâm mới về Trung Quốc.

Phát biểu sau cuộc họp thượng đỉnh của khối hồi tháng 12, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định rằng Trung Quốc “gần đây đã phô diễn nhiều năng lực hiện đại mới, bao gồm những tên lửa tầm xa có khả năng vươn tới toàn bộ châu Âu và Mỹ”. Sự tập trung chính sách mới này giúp NATO “phù hợp” với chính sách của các đồng minh ở châu Âu, nơi EC hồi đầu năm 2019 miêu tả Trung Quốc là “một đối thủ có hệ thống”. Tuy nhiên, không rõ với lộ trình mới này, tình trạng rạn nứt và tranh cãi nội bộ của liên minh quân sự sẽ chấm dứt hay không.

Ngoài ra, NATO cũng đang đối mặt với tình trạng căng thẳng gia tăng giữa hai thành viên Địa Trung Hải của mình là Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp liên quan một bản ghi nhớ về phân định vùng lãnh hải mà Ankara gần đây ký với Tripoli. Mặc dù NATO không can dự vào những tranh cãi song phương nhưng khi xét đến nhận định NATO “chết não” gần đây mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra thì đây sẽ là vấn đề thử thách khả năng gắn kết của liên minh này.

Các cơ chế kiểm soát vũ khí “chết yểu”

Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một hiệp ước kiểm soát vũ khí mang tính chất then chốt thời Chiến tranh Lạnh, hết hạn hồi tháng 8/2019, khiến các nước châu Âu lo lắng về tình hình an ninh mới. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa rút khỏi INF từ năm 2018, cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận. Moskva bác bỏ cáo buộc này, cho rằng Washington muốn rút khỏi INF vì muốn theo đuổi một cuộc đua vũ trang mới.

Bà Beatrice Fihn, Giám đốc tổ chức xã hội dân sự mang tên Chiến dịch Quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân, bình luận rằng không có một chiến lược rõ ràng cụ thể nào được đưa ra sau khi INF hết hạn còn khả năng Mỹ - Nga tái đàm phán với sự tham gia của Trung Quốc là một viễn cảnh khó có thể xảy ra. Ngoài ra, các hiệp ước khác cũng trong tình trạng “dở sống dở chết”. Ví dụ là Hiệp ước Bầu trời Mở, một hiệp ước cho phép các nước thành viên tiến hành các chuyến bay do thám trên vùng lãnh thổ của nhau, vốn đặc biệt có lợi cho các nước Đông Âu. Ví dụ khác là khả năng gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới) giữa Mỹ và Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tái khẳng định nước này sẵn sàng gia hạn START mới mà không cần điều kiện tiên quyết nào. Giới lập pháp của Mỹ ở cả hai đảng đang gây sức ép để Tổng thống Trump gia hạn hiệp ước giới hạn vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa Mỹ và Nga bằng cách yêu cầu tiến hành những đánh giá tình báo về những phí tổn nếu START mới không được gia hạn.

Bà Fihn nhận định nếu như năm 2019 không phải là năm tốt đẹp cho nỗ lực kiểm soát vũ khí thì năm 2020 sẽ chứng kiến những nỗ lực mới nhằm làm sống lại tiến triển trong giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Cuộc đua không gian mới

Các chính sách về không gia đã trở thành trào lưu trong năm 2019. Trong một động thái cho thấy hoạt động quân sự hóa gia tăng trong lĩnh vực không gian, Quốc hội Mỹ đã thông qua việc thành lập Lực lượng Không gian Mỹ, nhánh thứ 6 của lực lượng vũ trang Mỹ. Tháng 11/2019, các ngoại trưởng NATO chính thức thừa nhận không gian là mặt trận quân sự thứ 5 tồn tại cùng với không quân, bộ binh, hải quân và lực lượng mạng nhằm đối phó với những quan ngại gia tăng về bảo vệ hệ thống vệ tinh và những lực lượng di chuyển trên không gian trước nguy cơ can thiệp của kẻ thù.

Hiện chỉ có 9 trong số 29 nước thành viên NATO là thành viên của một chương trình không gian độc lập và mang tính hòa bình nhất. Giới chuyên gia cho rằng điều này chỉ mang tính chính trị chứ không thực tế, khi xét đến sự thật rằng Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ lâu nay đã thiết lập các tổ chức quân sự hùng mạnh để đáp trả các cuộc tấn công từ không gian. Giới chuyên gia về chính sách cho rằng năm 2020 sẽ là năm đóng vai trò thiết yếu trong việc khởi động mối quan tâm vào các biện pháp và quy định về các hoạt động quân sự trong không gian, các lực lượng không gian quân sự và vũ khí hóa không gian.

Tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị bay không người lái

Máy bay trinh sát không người lái Global Hawk. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Những nỗ lực nhằm đưa ra quy định cho các hệ thống vũ khí tự hành gây sát thương một lần nữa kết thúc trong bế tắc khi các cuộc thảo luận ở Liên hợp quốc hồi tháng 11 kết thúc mà không đạt được kết quả nào. Trong khi đó, EU cũng phải vật lộn về vai trò của mình trong nỗ lực đưa ra các quy định về vấn đề này.

Vũ khí tự hành là những công nghệ như máy bay không người lái, xe tăng và các máy móc khác được điểu khiển bởi máy tính hoạt động dựa vào hệ thống trí tuệ nhân tạo và được lập trình để lựa chọn và tấn công các mục tiêu mà không cần con người điểu khiển. Các sự cố về vũ khí tự hành cho thấy những công nghệ vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo này có thể trở thành tác nhân gây ra sự cố gián đoạn hoạt động. Ví dụ thiết bị bay không người lái đã gây ra sự cố gián đoạn hoạt động tại sân bay Heathrow của Anh hồi đầu năm 2019.

Giới làm luật EU hiện đang tìm cách áp đặt những giới hạn và tiêu chuẩn nhất định trong bối cảnh việc sử dụng thiết bị bay không người lái với mục đích quân sự gia tăng.

Theo một nguồn tin của EU, năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới của Nghị viện châu Âu có thể chứng kiến một số nỗ lực nhằm đề ra các quy định trong những lĩnh vực nhất định. Đặc biệt, về lĩnh vực công nghệ thiết bị bay không người lái, cuộc tranh luận đã nóng lên trong những tuần gần đây.

Minh Châu

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/quan-su/sau-thach-thuc-trong-chinh-sach-quoc-phong-cua-eu-20191231215305123.htm