Sau Tết, rau xanh rớt giá do nguồn cung dồi dào

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ rau xanh sau Tết tăng mạnh, nhưng do thời tiết thuận lợi, rau phát triển tốt, nguồn cung dồi dào nên giá nhiều loại rau củ rẻ hơn so với các năm trước.

Sau Tết, giá rau xanh giảm mạnh.

Sau Tết, giá rau xanh giảm mạnh.

Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng đang tận thu rau vụ đông để lấy đất trồng lúa.

Chị Nguyễn Thanh Hải, một người tiêu dùng tại chợ Trại Găng (Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, mọi năm giá rau sau Tết thường tăng gấp đôi ngày thường. Vì sau Tết nhu cầu rau, củ tăng mạnh. Tuy nhiên, năm nay tôi rất bất ngờ vì giá rau không tăng, thậm chí còn giảm mạnh.

Bà Nguyễn Hương, một người buôn bán rau ở chợ Trại Găng xác nhận, giá nhiều loại rau không tăng như mọi năm, thậm chí còn giảm so với mức giá trước Tết Mậu Tuất.

Theo những người bán rau tại chợ Trại Găng, rau xanh năm nay không tăng giá vì thời tiết thuận lợi cho rau phát triển, nhiệt độ ấm, rau phát triển tốt. Thực tế, từ trước Tết tới sau Tết, giá rau hầu như không biến động vì nguồn cung dồi dào.

“Ví dụ, mùng tơi 5.000 đồng/mớ, cải xanh 4.000 - 5.000 đồng/mớ, cải cúc 4.000 - 5.000 đồng/mớ, bắp cải 5.000 - 8.000 đồng/kg, su hào 5.000 đồng/củ… bằng hoặc rẻ hơn giá ngày thường”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, vì thời tiết ấm, lại ẩm nên rất thuận lợi cho các loại rau phát triển. Do vậy, giá rau có thể sẽ giảm trong thời gian tới.

Còn tại miền Trung, giá rau rớt giá thê thảm. Tại Quảng Ngãi, những ngày đầu năm, các loại rau như: đậu cô ve, dưa leo, khổ qua giá xuống thấp. Thậm chí, đậu cô ve bán cho thương lái có lúc chỉ còn 1.000 đồng/kg. Dưa leo chỉ còn 2.000 – 4.000 đồng/kg, giảm 4 - 5 lần so với trước Tết. Khổ qua cũng chỉ 2.000 – 4.000 đồng/kg giảm mạnh so với trước Tết. Các loại rau lá như: mồng tơi, rau muống… còn 2.000 – 4.000 đồng/kg.

Lý giải về việc rau xanh giảm giá đột biến, ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, theo thông lệ, vào dịp sau Tết Nguyên đán, bà con sẽ tận thu, thu hoạch hàng loạt rau vụ đông để lấy đất cấy lúa xuân. Do vậy, nguồn cung rau sẽ tăng đột biến. Bên cạnh đó, thời tiết năm nay rất thuận lợi cho các loại rau phát triển, nhiệt độ ấm, rau muống, mùng tơi, rau cần… sinh trưởng, phát triển nhanh.

Ngoài ra, theo ông Định, các loại rau tốt mã đã được thu hoạch để bán trong Tết, hiện nay bà con đang tận thu các loại rau xấu mã, bán nốt để lấy diện tích cấy lúa. Do vậy, giá sẽ không cao như các loại rau bán trước Tết.

Hơn nữa, do thời tiết thuận lợi nên các loại rau xuân hè như: rau muống, mùng tơi… lên rất nhanh. Do vậy, giá cả có thể giảm xuống.

Ông Định cho biết thêm, lường trước được quy luật này, chúng tôi đã hướng dẫn bà con trồng rải vụ. Tuy nhiên, thời tiết thuận lợi khiến nguồn cung rau dồi dào hơn mọi năm.

Cùng quan điểm này, ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, mọi năm thời tiết rét, nên cây rau không phát triển được. Nhưng năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên các loại cây rau, hoa quả phát triển tốt.

Thực tế xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh tới 68%. Tuy nhiên, vì thời tiết thuận lợi nên năng suất tăng, giá thành giảm. Ví dụ dứa nguyên liệu hiện chỉ còn 3.000 đồng/kg, trong khi trước đây là 5.000 đồng/kg, thậm chí có lúc lên tới 8.000 đồng/kg. Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với Thái Lan về xuất khẩu dứa.

Không chỉ rau, nhiều loại hoa cũng rẻ “bất ngờ” vì nguồn cung tăng đột biến. Trước Tết, một bó lay-ơn (10 bông) có giá từ 120.000 – 150.000 đồng thì nay chỉ còn 15.000 – 20.000 đồng. Hoa ly cũng giảm giá chỉ còn 50.000 – 80.000 đồng bó 10 cành, rẻ bằng 1/3 so với trước Tết.

Nguyễn Hạnh

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/sau-tet-rau-xanh-rot-gia-do-nguon-cung-doi-dao-post17540.html