Sau Tết, ngăn tủ chứa nhóm máu O ở Viện Huyết học chỉ còn vài túi

Lo ngại tập trung đông đúc dễ có nguy cơ lây nhiễm virus corona, số người đến hiến máu ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương những ngày qua chưa đáp ứng được 10% nhu cầu.

 Sau Tết Nguyên đán là thời điểm hay xảy ra tình trạng khan hiếm máu. Nguyên nhân là kỳ nghỉ kéo dài, lượng người hiến giảm rõ rệt trong khi người bệnh vẫn cần truyền. Máu lại không thể dự trữ nhiều vì có hạn sử dụng rất ngắn.

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm hay xảy ra tình trạng khan hiếm máu. Nguyên nhân là kỳ nghỉ kéo dài, lượng người hiến giảm rõ rệt trong khi người bệnh vẫn cần truyền. Máu lại không thể dự trữ nhiều vì có hạn sử dụng rất ngắn.

BSCKII Phạm Tuấn Dương, Phó viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia, cho biết do lo ngại về việc lây nhiễm virus corona, hàng loạt ngày hiến máu đã bị hủy bỏ. Lễ hội Xuân hồng, ngày hội hiến máu lớn nhất năm - phao cứu sinh phải 2 tuần nữa mới diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Mặt khác, do sợ chỗ đông đúc, lượng người đến hiến máu tại viện cũng rất thấp.

Từ 29 tháng Chạp đến mùng 10 Tết, viện chỉ tiếp nhận được 470 đơn vị máu. Cả trong và sau Tết, viện đã huy động hàng trăm cán bộ, nhân viên đi hiến máu nhưng vẫn chỉ như “muối bỏ biển”. Hiện lượng máu dự trữ của viện chỉ còn 6.700 đơn vị. Trong khi mỗi ngày, các bệnh viện cần tới 1.500 đơn vị. Riêng trong ngày 3/2, các bệnh viện đã dự trù 1.448 đơn vị máu, nhưng chỉ có thể cung cấp 766 đơn vị (53% so với dự trù). Nếu cứ tiếp tục dùng máu như bình thường, lượng máu này chỉ đủ cầm cự trong 4 ngày.

Do vậy, bên cạnh việc hạn chế chỉ định sử dụng máu, ưu tiên các trường hợp nặng, các bệnh nhân muốn truyền máu phải huy động được người nhà đến hiến. Trong ảnh là ông Đỗ Văn Thắng (đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội) phải nhờ cháu mình là Đỗ Văn Đức đến viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hiến tiểu cầu. Sau đó, cầm giấy xác nhận về ông mới được truyền máu tại bệnh viện.

Khoa Điều chế các thành phần máu tại viện có hơn 80 nhân viên, có thể xử lý 1.500-2.000 đơn vị máu mỗi ngày. Tuy nhiên, số máu tiếp nhận trong ngày 3/2 chỉ đạt hơn 100 đơn vị nên cả khu vực rộng lớn chỉ có vài người làm việc. Thời gian chờ đợi thường xuyên nhiều hơn thời gian làm.

Tại kho máu, các ngăn tủ chứa máu nhóm A và nhóm O gần như trống trơn. Lượng máu nhóm A tại kho chỉ còn hơn 400 đơn vị, không đủ dùng trong một ngày. Hồng cầu, tiểu cầu cũng đang thiếu hụt trầm trọng.

Trong khi đó, nhu cầu truyền máu của bệnh nhân vẫn rất lớn. Chị Đỗ Thị Hồng Nhung (quê Cẩm Phả, Quảng Ninh) mỗi tháng phải nhập viện một lần để điều trị bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia). Nếu may mắn gặp lúc lượng máu dồi dào, chị sẽ được truyền 2 đơn vị, khi thiếu thì được một. Nhưng lần này, chị đã chờ đợi mấy ngày mà vẫn chưa được truyền đơn vị máu nhóm O nào. Chỉ số huyết sắc tố của chị lúc nhập viện là 69 g/l (trong khi người bình thường là 120-150g/l) và vẫn đang tiếp tục giảm.

Để đảm bảo an toàn và thu hút người đến tham gia hiến máu, các chai nước rửa tay khô được bố trí khắp các bàn. Khẩu trang miễn phí cũng được phát cho ai chưa đeo khẩu trang đến viện.

Bên cạnh khai các thông tin cơ bản, người hiến máu cần khai thêm bảng hỏi để đánh giá nguy cơ nhiễm virus corona. Nếu người hiến có nguy cơ mắc bệnh thì đơn vị máu đó sẽ chưa được đưa vào sử dụng.

Việt Hùng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cuoc-khung-hoang-mau-o-vien-huyet-hoc-post1042762.html