Sau tai nạn lao động là nỗi đau cho cả gia đình

Dù nguyên nhân chủ quan hay khách quan, tai nạn lao động luôn để lại những mất mát lớn, không chỉ là vết thương trên thân thể người bị nạn, mà cả về nỗi đau tinh thần và gánh nặng tài chính cho các gia đình. Do vậy, bản thân mỗi người lao động rất cần có ý thức chủ động đảm bảo an toàn lao động cho chính mình.

Gần 1 tháng nay, anh Nguyễn Văn Tuấn (TP Cẩm Phả) đều đặn mỗi ngày tự mình bắt xe bus vào Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh để được điều trị bằng vật lý trị liệu. Vụ tai nạn lao động xảy ra gần 2 năm trước đã khiến cho toàn bộ cánh tay đến bả vai bị tổn thương nặng; nhiều dây thần kinh vận động ở tay bị đứt; bên bàn chân phải cũng bị gãy xương... Anh tâm sự với chúng tôi: Khi đó, anh là lao động hợp đồng cho một công ty vận chuyển hàng hóa, trong lúc bốc vác hàng trên xe tải thì bất cẩn bị trượt ngã xuống đường. Đồng nghiệp phải kéo anh ra khỏi những thùng hàng cả trăm cân cũng trượt đổ lên người để đưa đi cấp cứu. Nằm trong bệnh viên, anh nghĩ có lẽ sẽ chịu cảnh tàn tật, là gánh nặng của gia đình cả đời. May mắn là đến nay, những vết thương đã lành, cánh tay phải cũng đã bắt đầu run run mà nâng lên xuống chậm rãi được. Thế nhưng cứ mỗi khi nhớ lại tình huống lúc đó thì không khỏi ám ảnh.

Bệnh nhân điều trị tại khoa vật lý trị liệu, bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh.

Bệnh nhân điều trị tại khoa vật lý trị liệu, bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh.

Tai nạn lao động luôn rình rập và chẳng ai có thể đoán được nó có đến với mình hay không. Tai họa ập đến, có người may mắn còn được ở bên gia đình, còn cơ hội hồi phục sức khỏe, tiếp tục lao động. Nhưng cũng có trường hợp chỉ vì sơ sẩy trong một tích tắc đã phải đánh đổi cả tính mạng. Đơn cử như tại các công ty ngành than, chỉ đầu năm 2019 đến nay cũng đã xảy ra những vụ tai nạn lao động thương tâm. Đầu tháng 5 vừa qua, 1 thợ lò của công ty Than Dương Huy (TKV) bị trượt chân ngã khi đang làm việc trên lò thượng vận tải mức -100/+38 vỉa 7, khu Nam nên đã tử vong. Chỉ vài tuần sau đó, tại Phân xưởng Khai thác 6, Khu vực Hà Ráng thuộc công ty Than Hạ Long (TKV) xảy ra cháy lò bất ngờ. Nhóm công nhân đang làm việc tại đó có 3 người bị thương, 2 người thiệt mạng, 2 người may mắn thoát nạn... Được biết, ngay sau các sự cố, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ. Trung tâm Cấp cứu mỏ nhanh chóng tổ chức cứu hộ, đưa các nạn nhân bị thương đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các công nhân không may tử nạn cũng đã được bàn giao lại cho thân nhân. Tuy nhiên, những quan tâm hỗ trợ này cũng chỉ phần nào chia sẻ phần nào trong thời điểm khó khăn nhất, mà tai nạn lao động còn để lại nỗi đau dai dẳng mãi về sau cho các gia đình.

Sau vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty Than Hạ Long ngày 17/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng thăm, động viên các công nhân điều trị tại Bệnh viên đa khoa tỉnh. Ảnh: Minh Hà.

Thực tế cho thấy, có trường hợp bị tai nạn lao động được doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội hỗ trợ một phần chi phí. Còn đối với những lao động tự do, không có hợp đồng lao động, khi không may xảy ra tai nạn sẽ chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi. Mà nguyên nhân các vụ tai nạn lao động chết người cho thấy phần lớn do trình độ, kinh nghiệm, ý thức, nhận thức của cả người lao động và sử dụng lao động về công tác đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình thực hiện công việc; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; không sử dụng trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân... Do vậy, bản thân mỗi người lao động rất cần có ý thức chủ động đảm bảo an toàn lao động cho mình: Tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc an toàn lao động trong vận hành, sản xuất; quan tâm hơn đến quyền lợi của mình, mạnh dạn yêu cầu doanh nghiệp thực hiện tốt việc cung cấp bảo hộ lao động, trang bị thiết bị phòng, chống sự cố, sơ cấp cứu...

Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201908/sau-tai-nan-lao-dong-la-noi-dau-cho-ca-gia-dinh-2452869/