Sau T-72B và Pantsir-S1, đến lượt pháo tự hành 2S7 Pion Nga đổ lật nhào khi hành quân

Thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn đối với các phương tiện tác chiến tự hành của quân đội Nga, chủ yếu do lỗi con người, qua đó đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng đào tạo.

 Vào hôm thứ hai ngày 11/3/2019 đã xảy ra một vụ tai nạn tương đối nghiêm trọng đối với tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tầm thấp Pantsir-S1 của quân đội Nga.

Vào hôm thứ hai ngày 11/3/2019 đã xảy ra một vụ tai nạn tương đối nghiêm trọng đối với tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tầm thấp Pantsir-S1 của quân đội Nga.

Sự cố xảy ra khi tổ hợp Pantsir-S1 này đang hành quân trên đường cao tốc Sedanka - Patroclus, con đường dẫn đến đảo Russky để tiến hành cuộc diễn tập bắn đạn thật.

Những bức ảnh từ hiện trường cho thấy dường như kíp chiến đấu đã điều khiển tổ hợp Pantsir-S1 này chạy quá nhanh, dẫn tới mất kiểm soát ở một khúc cua gấp, khiến cả xe lật nhào.

Tại thực địa, xe mang phóng tự hành của tổ hợp tên lửa - pháo phòng không tầm thấp Pantsir-S1 nằm ở tư thế lật nghiêng, các ống tên lửa bị văng ra và vương vãi khắp mặt đường.

Theo đánh giá sơ bộ thì hư hỏng của tổ hợp vũ khí hiện đại và đắt tiền này là khá trầm trọng, sẽ phải tốn khá nhiều thời gian cũng như chi phí để khôi phục khả năng chiến đấu.

Nguồn tin địa phương chưa được kiểm chứng đầy đủ cho biết, đã có 2 binh sĩ bị thương khá nặng, trong khi đó lái xe được cho là đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trên.

Trước đó một ngày, vào hôm 10/3, chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B của một đơn vị thiết giáp đã gặp tự cố tương tự tại vòng loại giải đấu Tank Biathlon 2019.

Khi vào khúc cua và cơ động qua đường dốc, kíp lái chiếc T-72B đã thao tác thiếu chính xác, khiến cho khối thép nặng gần 46 tấn này bị lật nhào xuống một bên đường dốc và hư hỏng khá nặng.

Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa công bố nguyên nhân cụ thể đã dẫn tới sự cố này cũng như tình trạng của kíp chiến đấu bên trong chiếc xe tăng T-72B gặp nạn trên.

Nhưng thông qua hai vụ việc vừa xảy ra, có lẽ Bộ Quốc phòng Nga cần phải quán triệt sâu sắc với binh sĩ về sự cẩn thận khi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông hoặc trong diễn tập.

Mặc dù vậy, trong khi chưa đề ra được biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn khi huấn luyện thì mới đây quân đội Nga lại tiếp tục hứng chịu thêm một sự cố nữa.

Tại nước cộng hòa Ingushetia thuộc Nga, một khẩu trọng pháo tự hành 2S7 Pion cỡ nòng 203 mm đã bị lật khi nó đang leo lên xe đầu kéo để được vận chuyển.

Theo đánh giá ban đầu thì để xảy ra sự cố trên là trách nhiệm hoàn toàn của kíp vận hành khẩu pháo 2S7 Pion, khi họ thao tác không chính xác khi đưa phương tiện lên phần cầu dẫn của xe đầu kéo.

2S7 Pion (Hoa mẫu đơn) là hệ thống pháo tự hành hạng nặng do Liên Xô sản xuất từ những năm 1970 với số lượng hơn 1.000 khẩu, vũ khí này hiện vẫn còn trong biên chế quân đội Nga cũng như nhiều quốc gia SNG khác.

Tổ hợp 2S7 Pion sử dụng khung gầm bánh xích đặc biệt được phát triển riêng, đồng thời cũng có nhiều linh kiện lấy từ xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và T-80.

Khung xe lắp động cơ diesel 750 mã lực cho tốc độ 51km/h, tầm hoạt động 500 km, có thể vượt lũy cao 1,2 m và hào rộng 2,5 m. Đề phòng trường hợp mất động cơ chính, 2S7 Pion có thêm động cơ phụ trợ công suất 24 mã lực.

Xe chiến đấu của hệ thống pháo tự hành 2S7 Pion có chiều dài thân xe 10,5 m; chiều rộng 3,38 m và chiều cao 3 m, trọng lượng khá nặng nề, lên đến 46 tấn.

Thông thường để vận hành khẩu pháo hạng nặng như 2S7 Pion sẽ cần tới 14 người, trong đó 7 người ngồi trên xe chiến đấu (gắn pháo) và 7 người ngồi trên xe tiếp đạn.

2S7 Pion được trang bị pháo chính cỡ nòng 203 mm, hai kíp xạ thủ trên xe tự hành 2S7 và xe tiếp đạn sẽ lần lượt làm nhiệm vụ để đảm bảo tốc độ bắn, ước tính cứ mỗi 2 phút thì 2S7 Pion có thể bắn được 3 phát đạn.

Với nòng pháo 203 mm và hệ thống hỗ trợ nạp đạn, 2S7 Pion có thể bắn những viên đạn nổ mảnh nặng đến 110 kg (chứa 17,8 kg thuốc nổ) vươn đến cự ly 37,5 km.

Nếu sử dụng đạn tăng tầm nặng 103 kg và chứa 13,8 kg thuốc nổ thì tầm bắn sẽ lên đến 47,5 km. Do kích cỡ đạn pháo 203 mm khá lớn nên 2S7 chỉ mang theo được 4 viên đạn, sau đó phải sử dụng thêm từ xe tiếp đạn.

Tới những năm 1980, phiên bản hiện đại hóa của pháo 2S7 Pion là 2S7M Malka chính thức được Liên Xô đưa vào biên chế, tuy nhiên hiện tại số lượng 2S7M trong quân đội Nga là rất ít.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-sau-t72b-va-pantsirs1-den-luot-phao-tu-hanh-2s7-pion-nga-do-lat-nhao-khi-hanh-quan/803712.antd