Sâu sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Sau gần 2 năm thực hiện Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 49) về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến (DCHT) tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, đến nay, các đơn vị, địa phương trong toàn quốc đã xét duyệt, thẩm định, ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần và cấp giấy chứng nhận cho gần 600.000 đối tượng, đạt 60% so với số lượng dự kiến.

Đạt được kết quả trên có sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 24 các cấp trong bám nắm, sâu sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Xét duyệt minh bạch, chặt chẽ

Huyện Xuân Trường được BCĐ 24 của tỉnh Nam Định chọn làm trước triển khai thực hiện Quyết định 49, rút kinh nghiệm cho các địa phương trong tỉnh. Theo khảo sát ban đầu, toàn huyện có gần 2.000 đối tượng là DCHT, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, đến nay toàn huyện đã tiến hành chi trả trợ cấp một lần cho 756 đối tượng, đang xét và đề nghị hưởng chế độ cho 854 đối tượng, đạt 80% kế hoạch đề ra. Thượng tá Mai Văn Quyền, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện, Phó trưởng ban Thường trực BCĐ 24 của huyện cho biết: “Quan điểm của BCĐ là xét duyệt minh bạch, làm chặt ngay từ cơ sở để hạn chế sai sót, phiền hà cho đối tượng. Triển khai Quyết định 49, huyện đã tổ chức tập huấn kỹ các bước trong khai, lập hồ sơ; quy trình xét duyệt cho các đồng chí trong hội đồng chính sách các xã, thị trấn. Quá trình thực hiện, Ban CHQS huyện thường xuyên cử cán bộ xuống bám nắm địa bàn, cùng tổ tư vấn hướng dẫn bà con kê khai và rà soát, thẩm tra, xác minh các đối tượng, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc niêm yết danh sách công khai và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Là địa bàn có số đối tượng DCHT đông nhất cả nước, Quân khu 4 đã có nhiều biện pháp, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định 49. Đại tá Vũ Đình Thắm, Trưởng phòng Chính sách Quân khu 4, cho biết: “Khảo sát ban đầu, toàn quân khu có gần 400.000 đối tượng, đến nay đã giải quyết hưởng trợ cấp một lần gần 250.000 đối tượng, đạt hơn 53% so với kế hoạch. Để hạn chế thấp nhất sai sót, tiêu cực trong quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ và không bỏ sót đối tượng, BCĐ 24 Quân khu 4 thường xuyên cử các đoàn kiểm tra về địa phương bám nắm, trực tiếp lắng nghe dư luận và kịp thời giải đáp những thắc mắc, phát sinh từ cơ sở”.

Theo khảo sát của chúng tôi ở các địa phương, sau 2 năm triển khai thực hiện Quyết định 49, các đối tượng DCHT đều bày tỏ niềm vui, vinh dự khi được Đảng, Nhà nước ghi nhận cống hiến. Ông Bùi Đào Hiên ở xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: "Tôi rất vui khi được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ngoài hưởng trợ cấp một lần, tôi còn được cơ quan chức năng cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi ốm đau không còn phải lo nhiều nữa”.

Chủ động tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở

Theo kết quả khảo sát của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cả nước có gần 1 triệu đối tượng là DCHT, từng phục vụ chiến đấu trong các thời kỳ chiến tranh. Đại tá Trần Quang Thanh, Trưởng phòng Nghiên cứu-Tổng hợp, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị (TCCT) cho biết: “Hơn 60% đối tượng DCHT được xét hưởng chế độ là một cố gắng, quyết tâm lớn của các cấp, các ngành. Quá trình tổ chức thực hiện Quyết định 49 cũng phát sinh những vướng mắc từ cơ sở, đã được các đơn vị, địa phương chủ động báo cáo, đề xuất với BCĐ 24 Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính sách) để có giải pháp tháo gỡ”.

Ví như, thời gian qua, nhiều địa phương có ý kiến, hỏi về đối tượng có thời gian tham gia DCHT, nhưng đã nhận trợ cấp kháng chiến một lần (được tặng thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến) thì có được hưởng chế độ theo Quyết định 49 không? Theo cơ quan chức năng, nếu đối tượng có thời gian tham gia DCHT chưa được tính hưởng chế độ trợ cấp một lần, hoặc chế độ trợ cấp hằng tháng thì vẫn thuộc đối tượng được xem xét, giải quyết chế độ, chính sách theo quy định tại Quyết định 49.

Nếu đối tượng tham gia DCHT đã từ trần thì theo hướng dẫn, một trong những người thân sau đây của đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần: Vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi; hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp. Một số địa phương kiến nghị, trong bản khai của bản thân, hoặc thân nhân đối tượng phải ghi đủ ngày, tháng, năm đi và về. Tuy nhiên, nhiều đối tượng, thân nhân đối tượng không nhớ ngày đi, ngày về, chỉ khai tháng, năm... Xuất phát từ thực tiễn, các trường hợp không nhớ ngày đi và về thì vận dụng cho phép được khai tháng, năm đi và về; đồng thời phải trong khoảng thời gian theo quy định… Tất cả các vướng mắc, phát sinh đã được Cục Chính sách, TCCT tổng hợp thành văn bản hướng dẫn, gửi về BCĐ 24 các cấp.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Quyết định 49 trong thời gian tới, Đại tá Ngô Quang Phúc, Phó cục trưởng Cục Chính sách, cho biết: “Các đơn vị, địa phương cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, các đối tượng làm ăn ở xa quê, không để sót đối tượng do không nắm được chính sách. Thực hiện tốt việc phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo, chủ động bám nắm cơ sở, chỉ đạo chặt chẽ địa bàn được phân công; thường xuyên kiện toàn và phát huy vai trò, trách nhiệm của BCĐ, Hội đồng chính sách, Tổ tư vấn các cấp.

Lãnh đạo Cục Chính sách đề nghị các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xét duyệt, thẩm định ở các cấp. Tổ chức xét duyệt tập trung, theo từng đợt, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công khai; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp không đúng đối tượng, trùng hưởng chế độ; mở rộng vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức và nhân dân; không để tồn đọng hồ sơ, hoặc để sót đối tượng chính sách. Đối với các vấn đề vướng mắc, phát sinh liên quan đến đối tượng, các đơn vị, địa phương kịp thời tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo 24 Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính sách) để hướng dẫn, giải quyết.

DUY THÀNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/che-do-chinh-sach/sau-sat-co-so-kip-thoi-thao-go-vuong-mac-534493