Sầu riêng tươi Việt Nam tiếp tục bị kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm
Sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam vào Đài Loan (Trung Quốc) sẽ bị gia hạn thời gian kiểm tra từng lô đến ngày 30/4.
Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Trung Quốc) mới đây cho biết, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) vừa có công văn gửi các hiệp hội doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thông báo về việc cơ quan này sẽ gia hạn lệnh tăng cường kiểm tra sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam.

Đài Loan (Trung Quốc) gia hạn lệnh tăng cường kiểm tra sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam.
Thông báo của TFDA nêu rõ, để đảm bảo an toàn vệ sinh đối với sản phẩm nhập khẩu, theo quy định tại Khoản 1, Điều 10, Mục 4 của "Quy định về kiểm tra nhập khẩu thực phẩm và các sản phẩm liên quan", Đài Loan sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm tra từng lô đối với sản phẩm mã hàng "0810.60.00.00.7 - sầu riêng tươi" nhập khẩu từ Việt Nam đến ngày 30/4/2025.
Trước đó, thời điểm cận Tết, hàng loạt lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc cũng gặp khó vì phía nước bạn yêu cầu phải có giấy chứng nhận kiểm định chất vàng O.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp bổ sung đối với các loại trái cây như sầu riêng, mít, thanh long xuất khẩu vào nước này, không chỉ áp dụng với Việt Nam mà cho tất cả các nước. Quy định mới yêu cầu các lô hàng trái cây trước khi xuất khẩu phải có kết quả phân tích một số hoạt chất mà phía Trung Quốc quan tâm, đồng thời các phòng kiểm nghiệm hoạt chất này phải được phía Trung Quốc công nhận.
Thông tin với báo chí mới đây, ông Đoàn Thanh Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, hiện nay, phía Trung Quốc kiểm soát rất chặt các tiêu chuẩn, chất lượng nông sản và đặc biệt là vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ví dụ như chất vàng O, là tiêu chuẩn mới.
Thị trường Trung Quốc đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất rõ ràng, cả về chất lượng sản phẩm, bao bì, đóng gói, đồng thời nhiều lần thông báo, khuyến cáo cho nhà xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có thương nhân chưa cập nhật, thay đổi thói quen, cải tiến sản phẩm kịp thời, dẫn tới khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa.
Trên thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 9 phòng thí nghiệm kiểm tra chất vàng O, tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn kiểm soát nghiêm ngặt các lô hàng sầu riêng từ Việt Nam. Ngoài yêu cầu các lô hàng sầu riêng phải có thêm giấy kiểm định dư lượng Cadimi và chất vàng O (áp dụng từ ngày 10/01), phía Trung Quốc cũng kiểm tra 100% các lô hàng, nếu đạt chuẩn mới được thông quan. Điều này làm gia tăng thời gian, chi phí của doanh nghiệp.
Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho hay, ngoài 9 phòng kiểm định được Trung Quốc công nhận, Bộ đã gửi thêm 6 hồ sơ để phía bạn phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong bối cảnh sầu riêng cùng nhiều loại trái cây Việt Nam đang thu hoạch và sắp thu hoạch.
Với nguyên tắc không vì thiếu các phòng kiểm nghiệm, không vì lượng mẫu xét nghiệm quá lớn mà gây ùn ứ, ách tắc việc xuất khẩu, Bộ đã chỉ đạo bổ sung, củng cố nguồn lực, nhân lực, trang thiết bị cho các phòng kiểm nghiệm.
“Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với phòng kiểm nghiệm để kiểm soát việc sử dụng các loại hoạt chất theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Việc này, các đơn vị đang làm rất tốt. Vừa qua, hai bên đã họp và thống nhất cách thức lấy mẫu, do vậy, số lượng lô hàng vi phạm đã giảm đáng kể” - ông Hoàng Trung nói.
Trước một số biện pháp bổ sung đối với các loại trái cây Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc, ông Hoàng Trung cho hay, Bộ cũng đã chỉ đạo các cục chuyên ngành phối hợp với các địa phương triển khai ngay các mô hình quản lý an toàn thực phẩm nông sản, đặc biệt là việc sử dụng hóa chất từ các vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Đồng thời, yêu cầu các cục chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để xử lý nghiêm các hành vi như sử dụng giấy chứng thư kiểm dịch thực vật giả, làm giả các kết quả kiểm nghiệm để làm thủ tục thông quan. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nếu bạn phát hiện vi phạm, cảnh báo lô hàng nào, phía Việt Nam sẽ lập tức thu hồi, dừng xuất khẩu các mã số vi phạm.
Hiện nay, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam khoảng 169.000ha (vượt hơn 2 lần định hướng quy hoạch đến năm 2030 - khoảng 65.000 - 75.000ha), tỷ lệ sầu riêng cho thu hoạch tương đối cao.