Sầu riêng, me… Thái Lan ồ ạt vào Việt Nam

Đủ loại trái cây Thái Lan dễ dàng nhập vào Việt Nam, trong khi trái cây Việt muốn sang nước này thì cực khó.

Trái cây Thái Lan như me, bòn bon, sầu riêng… tràn ngập thị trường Việt Nam. Ảnh: QH

Dù trái cây Việt Nam đang vào chính vụ nhưng mặt hàng cùng loại của Thái Lan vẫn ồ ạt đổ vào, tràn ngập thị trường. Điều này gây sức ép lớn lên việc tiêu thụ hàng hóa của nông dân Việt Nam vốn đang gặp khó khăn do Covid-19.

Trái cây Thái lấn át trái cây Việt

Khảo sát tại thị trường TP.HCM cho thấy năm nay măng cụt, chôm chôm, thơm mini, bòn bon, me, sầu riêng… của Thái Lan được bày bán rất nhiều. Theo đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5, lượng trái cây Thái Lan nhập về chợ khá lớn. Đơn cử có đến 1.145 tấn măng cụt nhập chợ với giá đầu mùa 45.000-50.000 đồng/kg, nay giảm chỉ còn 22.000-40.000 đồng/kg.

Vị đại diện chợ đầu mối này còn cho hay lượng măng cụt Thái Lan về chợ năm nay tăng 20% so với năm ngoái, áp đảo về số lượng so với hàng trong nước. “Không chỉ măng cụt, đầu mùa thương nhân nhập về chợ hơn 56 tấn bòn bon mỗi ngày nhưng đến giữa tháng 5, con số này đã lên đến gần 800 tấn; trái thơm mini nhập về 117 tấn...” - đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức thông tin thêm.

Tại Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, lượng trái cây từ Thái Lan nhập về cũng tăng đáng kể. Đơn cử từ tháng 5, mỗi ngày có khoảng 10 tấn trái cây gồm bòn bon, măng cụt, me… về chợ. Đáng chú ý, loại thơm mini Thái Lan được người tiêu dùng ưa chuộng dù giá cao (trên 150.000 đồng/kg, gấp 3-4 lần các giống thơm của Việt Nam).

Một tiểu thương tại chợ Bà Chiểu lý giải sở dĩ trái cây Thái Lan được ưa chuộng bởi mẫu mã đẹp, chất lượng ổn định mà giá cả lại không quá cao hoặc chỉ cao hơn so với hàng Việt chút đỉnh. “Mấy năm gần đây, chất lượng trái cây Việt Nam đã được cải thiện nhưng do năm nay các tỉnh miền Tây gặp hạn mặn nên đầu ra cũng ít và chất lượng không được như mọi năm. Ví dụ măng cụt Việt vỏ dày, khi chín dễ bị hỏng bên trong hoặc bị cứng. Trong khi đó măng cụt Thái lại đồng đều về chất lượng, vị ngọt đường nên giá có cao chút vẫn tiêu thụ rất nhanh” - người này chia sẻ.

Không chỉ tại các chợ, siêu thị mà trái cây Thái Lan còn được rao bán nhộn nhịp trên mạng xã hội. Đơn cử sầu riêng mini rao bán với giá 150.000 đồng/kg, chôm chôm 50.000 đồng/kg. Nhiều nhà kinh doanh cho hay từ đầu năm 2018, Việt Nam đã xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với gần 670 dòng thuế, trong đó có nhiều mặt hàng rau quả nhập từ các nước ASEAN với mức thuế còn 0%. Đây chính là cơ hội để trái cây Thái Lan tràn vào Việt Nam ngày một nhiều.

Mất cân đối xuất nhập khẩu

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết danh mục trái cây Việt Nam được Thái Lan cho phép nhập khẩu chỉ có bốn loại gồm thanh long, xoài, nhãn và vải. Trong khi đó, danh mục nhập khẩu trái cây từ Thái Lan được Việt Nam cấp phép lên đến 28 loại.

Ông Nguyên cho biết theo Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN thì các nước trong khu vực đều mở rộng cửa đối với tất cả hàng hóa, bao gồm cả trái cây. Tuy nhiên, mỗi nước đều có những quy định về tiêu chuẩn chất lượng, hàng rào kỹ thuật đối với các loại hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành sản xuất nội địa.

“Ví dụ Thái Lan xây dựng các hàng rào kỹ thuật nhằm bảo vệ các mặt hàng trái cây chiến lược của họ như sầu riêng, xoài, măng cụt... Theo đó, các mặt hàng trái cây, rau quả muốn nhập khẩu vào Thái Lan phải tuân thủ các quy định trong bộ tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật, giấy chứng nhận quy trình sản xuất an toàn dịch tễ...” - ông Nguyễn phân tích.

Ngoài Thái Lan, ông Nguyên còn dẫn chứng Malaysia cũng dựng lên những tiêu chuẩn cao, cực kỳ khắt khe nhằm bảo vệ trái cây thế mạnh xuất khẩu của nước này là sầu riêng. Vì vậy, hầu như không có nước nào có thể xuất sầu riêng vào Malaysia. “Vì thế, tôi đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam cũng cần có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ trái cây là thế mạnh của Việt Nam” - đại diện Vinafruit kiến nghị.

Đồng quan điểm, TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT, cho rằng cần rà soát tiêu chuẩn đối với các loại trái cây nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh hàng loạt loại trái cây Thái Lan đang cạnh tranh rất lớn đến sản phẩm cùng loại của Việt Nam.

“Việt Nam không chỉ kiểm soát về mặt kiểm dịch thực vật mà cần yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và cả vấn đề tác động thị trường, ảnh hưởng đến nông dân trong nước. Nhiều loại trái cây Thái Lan cùng loại với Việt Nam được nhập rất nhiều làm cung vượt cầu, nông dân phải bán giá rẻ, thua lỗ” - TS Mai chia sẻ.

Bên cạnh đó, TS Mai cho biết hiện nay nhu cầu tiêu thụ các loại trái cây tại thị trường Thái Lan đang tăng cao, phục vụ du lịch. Vì vậy, các bộ, ngành cần đàm phán, xúc tiến thương mại để mở cửa thêm nhiều loại trái cây Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này thay vì chỉ có mấy loại như hiện nay.

Chi cả trăm triệu USD nhập trái cây Thái Lan

Theo Văn phòng Thương mại Việt Nam tại Thái Lan, mỗi năm Thái Lan chi hơn 1,6 tỷ USD để nhập khẩu rau quả, trong đó hơn 1 tỷ USD nhập trái cây. Xuất khẩu hàng rau quả Việt Nam sang thị trường Thái Lan bốn tháng đầu năm nay tăng hơn 244% so với cùng kỳ năm trước, đạt 57,8 triệu USD.

Ở chiều ngược lại, lượng trái cây Thái Lan đổ vào nước ta nhiều hơn hẳn về số lượng và chủng loại. Ví dụ năm ngoái, Việt Nam đã chi 1,75 tỷ USD để nhập rau quả, trong đó Thái Lan là thị trường Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất với kim ngạch lên đến 464,2 triệu USD.

Theo Pháp Luật TP.HCM

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//hang-hoa/sau-rieng-me-thai-lan-o-at-vao-viet-nam-3545227.html