Sau quá nhiều áp lực từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng sẽ chấp nhận 'mắc nợ' Nga để từ bỏ S-400?

Trước sức ép quá lớn từ Mỹ, Ankara có thể để lại hệ thống S-400 cho Azerbaijan hoặc Qatar. Trong trường hợp bế tắc, nước này sẽ phải nhờ cậy đến Tổng thống Putin để tìm giải pháp thích hợp.

Truyền thôngThổ Nhĩ Kỳ úp mở về khả năng nước này có thể từ bỏ S-400.

Truyền thôngThổ Nhĩ Kỳ úp mở về khả năng nước này có thể từ bỏ S-400.

Với tuyên bố có thể bàn giao hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga cho một số quốc gia khác sau khi phải chịu nhiều áp lực của Mỹ, các nhà phân tích cho biết Ankara có vẻ như đang tìm cách thoát khỏi rắc rối.

"Có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rút lui khỏi thỏa thuận S-400 theo một cách nào đó", Hasan Koni, nhà phân tích về quan hệ quốc tế từ đại học Văn hóa Istanbul, nói với Tân Hoa xã.

Tuần trước, cây bút Okan Muderrisoglu từ tờ Daily Sabah cho biết, sau khi việc chuyển giao tên lửa S-400 hoàn tất, Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc để lại hệ thống phòng thủ này cho Azerbaijan hoặc Qatar.

Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ nhận lô hàng hệ thống phòng không tầm xa tinh vi từ Nga vào tháng 7, biến nước này trở thành quốc gia đầu tiên của NATO mua S-400 từ đối thủ.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ thực hiện một bước ngoặt liên quan đến hệ thống S-400 bằng cách đề xuất với Nga một số điều khoản, Koni lập luận.

"Trong trường hợp Ankara không nhượng bộ, Mỹ có thể hủy hoại kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ", ông giải thích.

Jogn Sitilides, một cố vấn của bộ Ngoại giao Mỹ, nói với truyền thông những ngày trước rằng, Tổng thống Donald Trump sẽ trừng phạt kinh tế Ankara nếu thỏa thuận S-400 không bị hủy bỏ.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ cần khoảng 200 tỷ USD vào năm 2019, trong đó có gần 175 tỷ USD là để giải quyết nợ ngắn hạn và điều hành nền kinh tế.

Washington đã vô cùng tức giận trước quyết định mua tên lửa S-400 của đồng minh NATO, cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về các biện pháp trừng phạt nếu tuân theo thỏa thuận này.

Mỹ lập luận rằng các tên lửa của Nga trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp Moscow có được thông tin tình báo giá trị trên các hệ thống kỹ thuật của máy bay tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất, dự kiến sẽ được chuyển giao cho Ankara vào tháng 11.

Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang cố gắng đưa ra một công thức mới cho hợp đồng tên lửa S-400 để tránh đối đầu với Mỹ, Nihat Ali Ozcan, một nhà phân tích chính sách an ninh, nói với Tân Hoa xã.

Mỹ từng đe dọa sẽ chặn việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ năm sang Thổ Nhĩ Kỳ và loại khỏi chương trình sản xuất chung trừ khi Ankara bỏ thỏa thuận S-400.

Bài viết trên tờ Daily Sabah về S-400 có thể nhằm mục đích mở đường cho những người liên quan ở Ankara đưa ý tưởng đó vào thực tế, chuyên gia Koni bình luận.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và các quan chức hàng đầu khác của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, họ sẽ không quay lưng lại trong thỏa thuận với Moscow.

Tuy nhiên, trong những gì có thể được coi là dấu hiệu của việc tìm kiếm lối thoát của Ankara trong vấn đề S-400, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ám chỉ hôm 19/4 rằng "nếu chúng ta là thành viên NATO, chúng ta cũng phải chú ý đến những lo ngại của NATO".

Mặc dù vậy, ông Cavusoglu đã bác bỏ lập luận của Washington về việc hệ thống Nga sẽ là mối đe dọa đối với các máy bay F-35, lưu ý rằng chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ và Israel từng bay qua Syria nơi hệ thống S-400 được triển khai.

Tổng thống Erdogan không muốn kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bị tổn hại vì trừng phạt từ Mỹ.

Ngoại trưởng Cavusoglu đã có mặt tại Washington DC vào đầu tháng này để thảo luận về vấn đề S-400 với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan trong tuần qua.

Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak đã gặp ông Trump tại Nhà Trắng vào thứ Hai tuần trước, với việc được truyền thông mô tả là một cuộc họp bất ngờ.

Theo các nguồn tin, Thổ Nhĩ Kỳ đang hy vọng ông Trump sẽ can thiệp để làm nhẹ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Ankara về vấn đề S-400.

Cam kết của Ankara về việc hệ thống S-400 sẽ không được kết nối với các cơ sở của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ đã không thuyết phục được Washington.

Mỹ đã đề nghị cung cấp tên lửa Patriot của mình nếu Thổ Nhĩ Kỳ bỏ thỏa thuận S-400, nhưng lời đề nghị này ít hấp dẫn hơn đối với Ankara vì về cơ bản nó không bao gồm bất kỳ sự chuyển giao công nghệ nào.

Cả hai nhà phân tích đều cho rằng, Azerbaijan hoặc Qatar là một lựa chọn khả thi cho S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ vì Mỹ có căn cứ quân sự lớn nhất ở Qatar, trong khi Azerbaijan nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Moscow.

Tuy nhiên, Moscow có thể không sẵn sàng chia sẻ thông tin kỹ thuật mà họ dự kiến sẽ chuyển cho Ankara về hệ thống S-400 với cả Azerbaijan hoặc Qatar.

Trong khi truyền thông địa phương trong những tháng gần đây cho hay, Ankara đang xem xét chuyển S-400 cho các quốc gia như Ấn Độ và Venezuela.

Ahmet Takan, cây bút bình luận của tờ Yenicag, đã tuyên bố vào giữa tháng 3 rằng Ankara đã gửi cho Moscow thông điệp về việc họ có thể từ bỏ S-400.

Thổ Nhĩ Kỳ đã xử lý vấn đề S-400 với Ấn Độ, nước cũng đang lên kế hoạch lấy hệ thống tương tự từ Nga, Takan viết, tuyên bố có thể đạt được thỏa thuận nếu New Delhi đồng ý trả cho Ankara khoản tiền mà nước này trả cho Moscow.

Tuy nhiên, thông tin về việc Ankara có thể bán lại tên lửa cho một nước thứ ba đã bị Ngoại trưởng Cavusoglu bác bỏ vào cuối tháng trước.

"Chỉ có Tổng thống Vladimir Putin mới là người có thể giải quyết vấn đề S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ", nhà phân tích Ozcan nói, tin rằng nhà lãnh đạo Nga có thể đưa ra một đề xuất giải quyết vấn đề S-400 vào thời điểm ông thấy phù hợp.

Điều này cũng sẽ khiến Tổng thống Putin biết rằng ông không thể đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi phương Tây, nhà phân tích Ozcan nêu quan điểm.

"Với mối quan hệ thân thiết mà ông Putin có với ông Erdogan, sẽ không có lợi ích gì với việc Nga thấy chính quyền Erdogan nhường bước vì áp lực kinh tế của Mỹ. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cảm thấy mắc nợ Tổng thống Putin trong trường hợp ông chỉ cho Ankara cách thoát khỏi chuyện rắc rối này", ông nói.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sau-qua-nhieu-ap-luc-tu-my-tho-nhi-ky-cuoi-cung-se-chap-nhan-mac-no-nga-de-tu-bo-s-400-a430930.html