Sau PNJ, DOJI, TGDĐ 'lấn sân' vào phân khúc đồng hồ: Miếng bánh ngọt nhưng 'khó nuốt'

Thị phần bán lẻ đồng hồ tuy rất béo bở nhưng 'không hề dễ ăn' và là bài toán không dễ với Thế giới di động (TGDĐ), CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI.

Mới đây, TGDĐ - nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực như: điện thoại, điện máy, hàng tiêu dùng… chính thức “bước chân” vào lĩnh vực kinh doanh đồng hồ. Như vậy, ngoài các thương hiệu nổi tiếng như: PNJ, DOJI, thị trường đồng hồ Việt đón thêm một nhà phân phối mới.

Được biết, TGDĐ sẽ bán các sản phẩm đồng hồ: Micheal Kors, Fossil, Daniel Wellington, Casio và đây đều là phân khúc đồng hồ thời trang, có giá dưới 10 triệu đồng (phổ biến dưới 7 triệu đồng). Trước khi bán đồng hồ truyền thống, TGDĐ đã phân phối các loại đồng hồ thông minh (smart watch).

Tại sao TGDĐ “lấn sân” sang kinh doanh đồng hồ?

Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO TGDĐ, ý tưởng kinh doanh đồng hồ mới có trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Hiện, công ty đang ráo riết làm và sẽ có cửa hàng thử nghiệm đầu tiên. Nếu nhận được kết quả tích cực, mô hình này sẽ được mở rộng thêm.

Vị CEO TGDĐ nhận định, hiện nay việc mua đồng hồ uy tín của người dân gặp nhiều khó khăn. Đồng hồ nhái, đồng hồ giả tràn lan khiến người mua không yên tâm. Đây cũng là lý do nhà bán lẻ này tham gia vào phân khúc này.

 TGDĐ kinh doanh đồng hồ vào năm 2019. Ảnh minh họa

TGDĐ kinh doanh đồng hồ vào năm 2019. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh hiện tại, đồng hồ không chỉ để xem giờ, mà còn được coi như một phụ kiện thời trang. Có nhiều người, họ có ít nhất 5,7 chiếc để kết hợp với trang phục mỗi khi đi làm, tiếp khách, đi chơi…

Hơn nữa, Việt Nam có hơn 90 triệu dân và thị trường đồng hồ ước tính quy mô 17.000 chiếc. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một “tay chơi” lớn nào tham gia rõ ràng trong phân khúc này. Chính vì thế, đây là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp.

PNJ, DOJI, TGDĐ chia nhau “mảnh đất” màu mỡ này ra sao?

Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thị trường đồng hồ ở VIệt Nam có giá trị ước tính vào khoảng 17.000 tỷ đồng, độ phân mảnh cao và còn rất “bát nháo” về nguồn gốc sản phẩm. Trong khi đó, thị trường đồng hồ Việt Nam chỉ có một số ít các cửa hàng bán lẻ và trung tâm bảo hành được ủy quyền từ các hãng đồng hồ.

Nhu cầu lớn với nguồn cung hạn chế dẫn đến các sản phẩm giả xuất hiện tràn lan trên thị trường, đây là vấn đề tồn tại lâu dài trong ngành đồng hồ. Rất khó để người tiêu dùng thông thường có thể kiểm tra tính chính hãng của mặt hàng này và người mua đồng hồ ở Việt Nam thường chỉ đặt niềm tin vào uy tín cửa hàng. Do đó, việc các thương hiệu như PNJ, DOJI hay “người đến sau” là TGDĐ cũng phải tính toán kỹ lưỡng, “miếng bánh” này không hề dễ “nuốt”.

PNJ, DOJI, TGDĐ kinh doanh đồng hồ. Ảnh minh họa

Được biết, PNJ bán thử nghiệm đồng hồ từ năm 2012 tại chính các cửa hàng thời trang. Đến nay, PNJ có gần 1.000 mẫu đồng hồ đến từ 9 thương hiệu: Daniel Wellington, MTMT, Citizen, Seiko, CK, Guess, Michael Kors, Skagen, Tissot, Longines… Các phân khúc PNJ trải rộng, từ nhóm thời trang, giá rẻ như Daniel Wellington, MVMT, Citizen, Seiko, CK, Guess, Michael Kors, Skagen (giá từ 4-8 triệu đồng), cho tới trung bình Tissot (trên 10 triệu đồng) hay cao cấp Longines (30-70 triệu đồng).

Cuối năm 2018, DOJI “chân ướt chân ráo” bước vào cuộc chiến bán đồng hồ. Họ cũng bán thử nghiệm và phân phối một vài thương hiệu thời trang giá thấp như TGDĐ (dưới 10 triệu).

VDSC nhận định rằng, thị trường còn rất phân mảnh, phần lớn thị phần vẫn nằm trong tay các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ và chợ đồng hồ. Do đó, miếng bánh bán lẻ đồng hồ tuy rất béo bở nhưng "không hề dễ ăn" và là bài toán không dễ với TGDĐ của ông Nguyễn Đức Tài, PNJ và DOJI.

Thảo Nguyên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/sau-pnj-doji-tgdd-lan-san-vao-phan-khuc-dong-ho-mieng-banh-ngot-nhung-kho-nuot-d156036.html