Sau phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đừng chỉ chăm lo cho doanh nghiệp lớn

Sáng 6/11, phiên chất vấn trực tiếp tại Quốc hội diễn ra. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường là tư lệnh ngành đầu tiên ngồi 'ghế nóng'. Một trong những vấn đề được đại biểu, cử tri quan tâm là vấn đề thu hút nguồn lực, huy động sự tham gia của các DN, thành phần kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn.

Liên quan tới vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, số lượng DN thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần; từ khoảng 3.000 DN/năm lên 9.000 DN/năm. Số lượng DN thành lập mới trải dài khắp vùng miền và các lĩnh vực, từ sản xuất trực tiếp, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, số lượng tăng ở mức hiện nay với 11.800 DN nông nghiệp và 4.000 DN hỗ trợ vẫn còn nhỏ, là chưa đáp ứng yêu cầu, và “cần thiết phải tăng thêm để làm hạt nhân cho 8,6 triệu nông dân”.

Khi được chất vấn về giải pháp căn cơ thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ kỳ vọng vào việc sắp tới thông qua luật PPP để huy động đầu tư, bởi thực tế DN vẫn thiếu điều kiện, nếu có khuôn khổ tốt sẽ tiếp sóng đầu tư tốt.

Cho ý kiến về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường xung quanh vấn đề thu hút DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ nông nghiệp Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Hoàng Văn Hiền cho rằng, các bộ ngành, địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến khối DN nhỏ và vừa.

Phát triển kinh tế nông hộ cũng là yếu tố rất quan trọng. Ảnh: Trọng Tùng.

“Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã thẳng thắn nhìn nhận về sự phát triển thực chất của các DN nông nghiệp, cũng như đưa ra kỳ vọng về việc luật PPP được thông qua sẽ thúc đẩy sự tham gia của các DN.

Tuy nhiên, rủi ro đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện vẫn rất lớn, trong khi lợi nhuận thu hồi rất chậm, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa. Do đó, thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, có những cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể, sát sườn hơn cho DN nông nghiệp nhỏ và vừa có thể tự tin đầu tư, mở rộng sản xuất” - ông Hoàng Văn Hiền bày tỏ quan điểm.

Ở một khía cạnh khác, thạc sĩ Đặng Thị Bích Thảo (chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, thu hút các DN tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp là rất quan trọng, nhưng còn một bộ phận nữa cũng cần được quan tâm, có giải pháp thúc đẩy, đó là nông hộ.

Theo thạc sĩ Đặng Thị Bích Thảo, thực tế, nông hộ là đơn vị kinh tế quan trọng. Các nông hộ, đặc biệt là ở khu vực phía Nam đang có xu hướng tích tụ ruộng đất để sử dụng lợi thế kinh tế theo quy mô.

Do đó, bên cạnh những ưu đãi nhằm thu hút sự tham gia của các DN, các bộ ngành cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế nông hộ trong nông nghiệp. Đây có thể được xem là giải pháp cho phương thức canh tác nhỏ lẻ, manh mún còn khá phổ biến của sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/sau-phien-chat-van-bo-truong-nnptnt-dung-chi-cham-lo-cho-doanh-nghiep-lon-356872.html