Sau những danh hiệu di sản được thế giới công nhận: Thừa danh hiệu, thiếu sức sống?

Từ ngày 14 đến 16-6, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) sẽ diễn ra Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam đã được UNESCO công nhận. Đây là một trong những hoạt động mang nhiều ý nghĩa nằm trong khuôn khổ 'Năm du lịch quốc gia 2019' thu hút sự quan tâm của công chúng. Bởi lẽ, đây cũng là lần đầu tiên một hoạt động mang đậm màu sắc gắn phát triển du lịch với việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc được tổ chức ở quy mô quốc gia.

Di sản ít cơ hội trình diễn trước công chúng?

Điều này cũng có nghĩa là, lần đầu tiên tại một địa điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam, khách du lịch trong nước và quốc tế sẽ có cơ hội thưởng thức những màn trình diễn di sản văn hóa phi đặc biệt từng được thế giới vinh danh. Với sự tham gia của 15 tỉnh, thành sở hữu các di sản, công chúng có cơ hội thưởng thức "mâm cỗ văn hóa" thịnh soạn nhất từ trước đến nay tại cùng một địa điểm.

Bởi lẽ, hiếm có dịp nào mà người dân chỉ "ngồi một chỗ" mà được thưởng thức trọn vẹn những món ăn tinh thần quý được hội tụ về Nha Trang, thay vì phải di chuyển, đi du lịch đến hàng chục tỉnh thành thì mới có cơ hội chiêm ngưỡng, thưởng thức đầy đủ về các di sản này.

Điều này còn có ý nghĩa đặc biệt là, mô hình của sự kết hợp phát triển du lịch với việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc cần được phát huy, nhân rộng ra nhiều địa phương hơn nữa. Bởi lẽ, hầu hết các di sản văn hóa này chỉ có thể "sống" được khi nó có nhiều không gian biểu diễn và có công chúng.

Show "Tứ Phủ" đã có sức sống 3 năm tại Hà Nội là một ví dụ điển hình cho việc phải thổi vào di sản sức sống đương đại.

Show "Tứ Phủ" đã có sức sống 3 năm tại Hà Nội là một ví dụ điển hình cho việc phải thổi vào di sản sức sống đương đại.

Tính đến nay, Việt Nam có tới 12 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, đó là: Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca Quan họ Bắc Ninh (2009), Hát Ca trù (2009), Hội Gióng (2010), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012), Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013), Dân ca Ví giặm Nghệ tĩnh (2014), Nghi lễ và trò chơi kéo co (2015), Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ của người Việt (2016), Hát Xoan Phú Thọ (2017), Nghệ thuật bài Chòi Trung Bộ (2018).

Trong số này, chỉ có Hát ca trù là di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và năm nay, Việt Nam sẽ phải có những báo cáo chính thức với UNESCO về "tình trạng khẩn cấp" của di sản này hiện đã được cải thiện như thế nào trước khi trở thành di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Bởi lẽ, 10 năm về trước, nghệ thuật ca trù đặc sắc của cha ông dường như đang đứng trước nguy cơ bị... xóa sổ khi những nghệ nhân cuối cùng của loại hình diễn xướng này lần lượt qua đời mà không có học trò kế cận biểu diễn tiếp nối.

Có thể nói, từ khi trở thành di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, ca trù đã được sự quan tâm của nhiều cá nhân - tổ chức và đã được "sống" lại sau thời gian dài… thoi thóp. Rất nhiều câu lạc bộ ca trù được gây dựng, nhiều nghệ nhân đã bỏ nghề từ lâu có dịp cất lên tiếng hát - gõ nhịp phách.

Cũng có 3 kỳ Liên hoan Ca trù toàn quốc được tổ chức nằm trong khuôn khổ chương trình hành động Quốc gia mà Việt Nam đã cam kết với UNESCO về việc bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt này. Không chỉ có ca trù, mà với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác như quan họ, hát xoan, hát ví giặm Nghệ Tĩnh, nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ... đều nhận được sự quan tâm hơn của chính quyền, các cơ quan quản lý về văn hóa. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam dường như vẫn mắc căn bệnh "sính danh hiệu".

Có thể thấy, liên tục từ năm 2012 đến nay, hầu như năm nào Việt Nam cũng có một di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại được UNESCO công nhận. Di sản thế giới có nhiều là vậy, nhưng sức sống của nó trong đời sống cộng đồng, trong lòng công chúng Việt Nam như thế nào mới là điều quan trọng nhất thì dường như vẫn đang bị xem nhẹ.

Được UNESCO công nhận - vinh danh là di sản đương nhiên quý rồi, nhưng sau sự vinh danh ấy, di sản phải được quan tâm, đầu tư và quảng bá nhiều hơn để có chỗ đứng trong lòng công chúng Việt, cũng như xứng với tầm di sản thế giới, chứ không có danh hiệu rồi lại "đắp chiếu để đó" như hiện trạng vẫn đang diễn ra gần đây.

Thổi sức sống vào di sản

Lợi ích đa chiều, song hành của hoạt động du lịch gắn với các "địa chỉ văn hóa", nhất là với các địa phương có di sản được thế giới công nhận thì đã rõ ràng, không cần phải bàn thêm nữa. Nhưng khi sự kết hợp này đạt đến trình độ cao, thì đó hẳn là điều những người làm văn hóa hay du lịch đều mơ ước. Bởi vì hiện nay, đa số các địa chỉ du lịch gắn với địa chỉ văn hóa như Hà Nội có Ca trù, Huế có Nhã nhạc cung đình, Bắc Ninh có Quan họ, Phú Thọ có hát Xoan... dù người đi du lịch nội địa tăng trưởng mạnh nhưng người có mong muốn, tìm hiểu các giá trị văn hóa thì thực sự khá ít ỏi.

Mặc dù được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhưng rất ít công chúng Việt hiểu và được xem biểu diễn hát Xoan.

Cho đến nay, mới chỉ có một vài di sản được nằm trong các tour du lịch mới có cơ hội biểu diễn thường xuyên cho khách du lịch như Nhã nhạc cung đình Huế hay biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên. Còn lại, các di sản khác có rất ít cơ hội biểu diễn trước các đoàn khách du lịch mà chủ yếu được biểu diễn trong các dịp lễ hội của các địa phương đó, hoặc biểu diễn để báo cáo khi có đoàn khảo sát, để quay phim - chụp ảnh để trình chiếu trên truyền hình, phục vụ mục đích nghiên cứu... là chính mà thôi.

Chính vì thế, tuy được vinh danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, nhưng phạm vi phổ biến, trình diễn của các di sản như hát Xoan, hát Ví giặm Nghệ Tĩnh hay nghệ thuật bài Chòi Nam Trung Bộ vẫn khá nhỏ hẹp, vẫn mang tính địa phương - vùng miền và chưa phổ quát với chính người dân Việt Nam, chứ chưa nói gì đến nhân loại rộng lớn trên toàn cầu.

Có thể nói, sau Nhã nhạc cung đình Huế - vốn là loại hình biểu diễn được trình diễn hàng ngày tại Nhà hát Nhã nhạc cung đình Huế và một số địa điểm khác thuộc Huế - thì có lẽ đến nay show "Tứ Phủ" của đạo diễn Việt Tú được biểu diễn khá thường xuyên mấy năm trở lại đây chính là điểm nhấn văn hóa đáng kể.

Show "Tứ Phủ" là một tác phẩm của đạo diễn đa tài Việt Tú, được xây dựng khá kỳ công và là tác phẩm tiêu biểu cho nét đẹp của văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, thể hiện đặc sắc đời sống tâm linh của người Việt xưa. Lựa chọn địa điểm biểu diễn khá "đắc địa" là Rạp Công Nhân (mặt phố Tràng Tiền - Hà Nội), lại nằm trong khuôn khổ phố đi bộ cuối tuần quanh Hồ Gươm, nên "Tứ Phủ" không chỉ có sức hút với khách du lịch ngoại quốc đến với Hà Nội mà còn gây tò mò với chính người Việt và nhận được những phản hồi tích cực.

Show diễn "Tứ Phủ" ra đời cùng năm với việc Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ của người Việt được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (2016) đã tạo được nhiều hiệu ứng bất ngờ, thú vị: Hiếm có một vở diễn nào lại có sức sống mấy năm liền trên mảnh đất Thủ đô. Nó thực sự tạo nên những trải nghiệm văn hóa vô cùng thú vị cho những vị khách ngoại quốc đến tham quan và tìm hiểu văn hóa Việt ở Hà Nội.

Từ câu chuyện "đến Huế thì phải xem Nhã nhạc mới được coi là đã nếm đủ phong vị của Huế", chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng rằng, có thể xây dựng được việc đến Hà Nội là phải xem trình diễn Tứ phủ hay đi nghe hát Ca trù. Hiện nay, khách du lịch ngoại quốc đến với Hà Nội mới đa phần chỉ được giới thiệu đi xem rối nước ở Nhà hát múa rối Thăng Long do từ lâu Nhà hát này đã có sự liên kết chặt chẽ với trên 300 công ty lữ hành du lịch trên địa bàn Hà Nội.

Nếu như màn trình diễn "Tứ Phủ" hay các chương trình biểu diễn Ca trù cũng hợp tác được với các công ty du lịch để đưa vào lịch trình "cứng" của các tour cho khách hàng lựa chọn, thì chắc chắn các di sản thế giới của Việt Nam sẽ có thêm nhiều "đất" diễn, có thêm sức sống nếu được biểu diễn hàng ngày. Thậm chí, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể xây dựng những địa điểm, những Nhà hát chuyên dụng để biểu diễn một số tiết mục đặc sắc nằm trong hệ thống di sản được thế giới công nhận ở Việt Nam.

Với cách làm này, sẽ vừa bảo tồn được di sản quý giá của cha ông để lại, nhưng đồng thời cũng để cho di sản có một sức sống mới, gắn liền với đời sống đương đại và quảng bá ra công chúng rộng rãi trong nước cũng như quốc tế. Nhưng để làm được điều này, ngoài chính sách ưu đãi, cần phải có những lộ trình rõ ràng từ các nhà hoạch định, quản lý văn hóa ở tầm chiến lược quốc gia chứ không có một cá nhân hay Nhà hát nào có thể làm nổi...

Nguyệt Hà

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/sau-nhung-danh-hieu-di-san-duoc-the-gioi-cong-nhan-thua-danh-hieu-thieu-suc-song-548983/