Sau những cuộc trở về tình thế

Vừa rồi, các em sinh viên trở về rất nhiều, trong một tình huống khó khăn là trở về tránh dịch. Tôi nghĩ là sau năm này, sau trận dịch khủng khiếp này, quan niệm về đi du học chắc cũng ít nhiều có những tác động.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

G. thân mến!

Nắng quá G. ạ! Hà Nội đang nắng lắm. Vật vã chống chọi giữa những tòa nhà bê tông, trốn vào phòng máy lạnh là cách lựa chọn phổ biến nhất. Nhưng với người lao động, những người đang phải mưu sinh kiếm sống thì họ vẫn phải ở ngoài nắng làm việc thôi. Chưa kể rằng tiền điện tăng cũng đang là vấn đề đau đầu với rất nhiều gia đình. Sáng dậy, nắng đã ngập tràn. Mở mạng ra đọc tin tức, có cảm giác rằng càng thêm bức bối.

Càng những ngày này đi trên những con đường chang chang nắng, người ta càng thấy rõ giá trị của quy hoạch đô thị. Giá mà làm tốt được, thì không gian đô thị đã khác, chất lượng sống cũng khác đi. Ví dụ như sáng nay khi tôi đi qua khu vực Hoàng Hoa Thám – Phan Đình Phùng, người dễ chịu vô cùng. Khác hẳn, khác lắm với việc đi qua những tuyến đường trơ trọi toàn nhà bê tông…

Người Pháp đã để lại cho chúng ta những vườn hoa, công viên, những tuyến phố đẹp mê hồn. Nhưng tiếc thật đấy, khi ngay ở những nơi đã được quy hoạch đẹp thế, người ta vẫn tiếp tục nhồi vào nhà cao tầng, ngay ở giữa Hoàng Hoa Thám và Thụy Khuê...

G. thân!

Trong những tháng ngày Covid-19 ở Việt Nam tạm thời yên ắng do đã nhiều ngày không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng, thì vẫn có những chuyến bay đưa người Việt trở về. Có rất nhiều người Việt đã trở về giữa những ngày dịch đang nóng bỏng và trong suốt thời gian qua. Nhưng mà tôi nghe thông tin, số người Việt ở khắp nơi trên thế giới đăng ký để được trở về vẫn còn rất đông.

Nói về việc trở về tôi lại nhớ những cuộc trở về khác. Không biết bạn có nhớ không nhỉ, năm 2012, có những cuộc tranh luận từ ý kiến của GS Nguyễn Văn Thuận – một trí thức lớn người Việt thành đạt ở nước ngoài – rằng có nên trở về làm việc ở Việt Nam hay không. Cuối năm đó, GS Thuận đã quyết định về Việt Nam với một tâm thư ngỏ: “Phải về thôi, phải về để các em không phải lang thang xây dựng nhà hàng xóm giàu có trong khi luôn đau đáu trông về nhà mình còn rất nghèo”. “Các em” mà GS Thuận nhắc đến trong thư hồi ý là những sinh viên Việt Nam đang theo học ở nước ngoài.

Vừa rồi, các em sinh viên trở về rất nhiều, trong một tình huống khó khăn là trở về tránh dịch. Tôi nghĩ là sau năm này, sau trận dịch khủng khiếp này, quan niệm về đi du học chắc cũng ít nhiều có những tác động.

Tôi cũng không cực đoan để nghĩ rằng chỉ học ở trong nước hay chỉ những người học xong trở về mới yêu nước. Bởi vì trong điều kiện đất nước hiện nay có những việc, những vị trí mà ở nước ngoài mới phát huy tốt nhất khả năng của những trí thức giỏi. Đó là trường hợp các nhà toán học và vật lý như GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, GS Đàm Thanh Sơn và nhiều người khác... Ở đâu, họ cũng cống hiến và thành công ở nước ngoài, trong một thế giới ngày một phẳng, cũng đều làm rạng danh quê hương. Ở đâu, đằng sau hào quang của thành công, cũng thấp thoáng quê nhà “mẹ hiền ru những câu xa vời”. Ở đâu, tận thẳm sâu trong huyết quản vẫn là một dòng máu Việt Nam chảy từ cội nguồn dân tộc.

Tôi nói điều này không phải là lý thuyết, mà từ những người đã gặp, những việc đã thấy. Có một anh phụ trách phần điện đóm, chỉ là một nhân viên bình thường, trong một khách sạn 4 sao ở Thủ đô Washington, khi tình cờ gặp chúng tôi trong thang máy trong một lần chúng tôi đến nước Mỹ, nghe chúng tôi nói tiếng Việt với nhau đã gần như vồ lấy, ánh mắt rạng ngời, thốt lên: “Người Việt Nam phải không?”. Tôi kể chuyện này với bạn bằng thừa phải không, vì bạn đang ở nơi xa quê hương và bạn hẳn gặp không ít lần như thế, thảng thốt nghe thấy tiếng Việt vang lên ở một nơi xa xôi, giữa những người không phải đồng bào của mình. Như có lần, tôi ở sân bay Bắc Kinh vào một ngày mùa đông lạnh âm 6 độ C, và một cậu sinh viên du học ở Nga về đang chờ transit về Việt Nam cũng đã thảng thốt mừng quýnh lên khi nghe tôi nói tiếng Việt với mọi người cùng đi. Nó sau đó quấn lấy chúng tôi, như đã gặp quê hương rồi...

Với những người thành đạt, thì đó, như bạn thấy, dù ở đâu cũng là đóng góp, ở đâu cũng là trở về. Và còn điều này nữa, rất lạ, bạn tin không, cái chúng ta hay nói là bản sắc dân tộc lại rất đậm đà ở những nghệ sĩ sống xa đất nước. Không tin bạn thử xem lại bộ phim “Mê Thảo thời vang bóng” mà xem. Tất nhiên đó là một bộ phim Việt Nam nhưng được làm bởi một đạo diễn Việt kiều - đạo diễn Việt Linh. Và tôi chưa thấy ai làm đậm nét văn hóa Việt Nam đến thế trong số những bộ phim Việt Nam. “Mùa len trâu” của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng vậy. Một bộ phim cực kỳ Nam Bộ. Có người Việt ở nước ngoài khi xem “Mùa len trâu” đã thấy “vỡ òa cảm xúc trước những hình ảnh của quê hương mà không dễ gì tìm thấy được ở đâu, trên khắp quả địa cầu này. Hay một bộ phim khác là “Hạt mưa rơi bao lâu” của đạo diễn Việt kiều Đoàn Minh Phượng, cũng “rặt” những khuôn hình rất Việt Nam. Cũng một đạo diễn Việt kiều khác là Victor Vũ làm phim "Thiên mệnh anh hùng" với những cảnh quay đẹp đến ngỡ ngàng về non sông gấm vóc Việt Nam...

G. yêu quí!

Đã có một cuộc trở về rất lớn của các em, những sinh viên học sinh đang học tập ở nước ngoài. Về để tránh dịch. Về vì ở Việt Nam, nhiều người nói thế, cho dù có chẳng may nhiễm virus Sars-Covy-2 thì vẫn có bố mẹ gia đình quê hương. Về vì ở Việt Nam phòng chống dịch cực kỳ hiệu quả. Nhưng tôi không muốn nói về một cuộc trở về đầy tình thế như vậy, mà tôi nghĩ sau lần trở về tình thế này, chúng ta sẽ phải suy nghĩ lại, quan niệm lại về việc đi hay ở, về hay không về. Du học có còn là cách thời thượng nhất hay không? Và học xong thì về hay không về?

Về hay không là quyền ở các em – những người mà GS Nguyễn Văn Thuận nói là đang “lang thang xây dựng nhà xóm giàu có trong khi luôn đau đáu trông về nhà mình còn rất nghèo”. Nhưng không biết bạn có nghĩ giống tôi, rằng nếu chúng ta chỉ nhìn thấy quê hương còn chưa đủ điều kiện để nghiên cứu khoa học hay phát triển nghề nghiệp thuận lợi như ở nước ngoài, thì sẽ khó có thể trở về. Cũng như nếu chúng ta chỉ biết trách móc cơ chế làm việc và chế độ đãi ngộ ở Việt Nam chưa xứng khi so sánh với nước khác, thì chắc ít người có thể trở về. Bạn thấy đấy, nhiều người đã trở về, chấp nhận làm việc trong những điều kiện chưa tốt như có thể, chấp nhận những chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Bởi vì họ là người Việt Nam, “tôi trở về vì tôi yêu nước thôi”, và chính cống hiến của họ, mới làm và mới mong cho đất nước có thể đổi thay. Để một ngày, tốt nghiệp dù ở đâu, lựa chọn làm việc ở Việt Nam không còn là khó khăn với những người tài.

G. thân!

Hà Nội rất nóng! Nhưng tôi nghĩ về một mảnh đất đang nắng nóng hơn nhiều. Tôi nghĩ về những lần công tác miền Trung giữa gió lào cát trắng nắng như thiêu như đốt. Đêm nằm nghe sóng biển Cửa Việt thổi vào. Quê hương còn nhiều gian khó nhưng vẫn là quê hương.

Cũng như đối với đồng bào mình ở bên ngoài Tổ quốc, dù có “đau đáu trông về nhà mình còn rất nghèo” thì với rất nhiều người, vẫn mong muốn được trở về.

Chào G. nhé! Hẹn thư sau.

Thân.

Cẩm Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/sau-nhung-cuoc-tro-ve-tinh-the-489834.html