Sau nhiều tháng 'quy ẩn', Mỹ lại tìm thấy 'đòn bẩy' mới để đánh bật Nga ra khỏi Syria

Mỹ từng công khai thừa nhận sẽ từ bỏ Syria và trao lại công việc vào tay Nga. Tuy nhiên mục đích ban đầu của Washington đang 'sống lại' khi nhìn thấy sự suy yếu của chính quyền Assad.

Mỹ có thể muốn thay thế tiến trình Astana của Nga trong lúc Syria đang ngày càng suy yếu vì hậu quả chiến tranh.

Mỹ có thể muốn thay thế tiến trình Astana của Nga trong lúc Syria đang ngày càng suy yếu vì hậu quả chiến tranh.

Theo Al-Monitor, chính quyền Donald Trump tin rằng, họ đang có đòn bẩy đối với Nga và Iran để đưa chính quyền Bashar al-Assad ở Syria trở lại bàn đàm phán và làm “sống lại” tiến trình hòa bình Geneva do Liên Hợp Quốc dẫn đầu.

Đặc phái viên Syria của Mỹ Jim Jeffrey trong tuần qua cho biết, cộng đồng quốc tế nên ngừng ủng hộ tiến trình hòa bình Astana do Nga lãnh đạo vì không đạt được tiến bộ trong việc lập hiến pháp mới cho quốc gia Trung Đông.

Ông Jeffrey đưa ra nhận xét tại một cuộc họp giao ban của bộ Ngoại giao Mỹ đầu tuần trước, trước khi tới Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan vào ngày hôm sau để trấn an các đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc xung đột.

Một quan chức Mỹ nói với Al-Monitor rằng, các nhà đàm phán kỳ vọng nền kinh tế đang suy yếu của chính quyền Assad có thể buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán theo ý mình, vì Moscow và Iran sẽ không thể có đủ nguồn lực để duy trì lực lượng quân sự ủng hộ chính quyền Syria mãi mãi.

Quan chức này cho biết, Mỹ đang nỗ lực “dỗ dành” Nga tác động đến Tổng thống Assad để thành lập một ủy ban hiến pháp dựa theo tiến trình Geneva do Liên Hợp Quốc dẫn đầu và ngăn chặn các xung đột nổ ra trước cuối năm nay.

Hiện giới quan sát chưa thể kết luận liệu suy nghĩ của Mỹ về sự yếu kém của chính quyền Assad có phản ánh đúng sự thật hay không.

Suy tính của Mỹ

Chính quyền Damascus đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết đất nước sau một loạt các chiến thắng quân sự thời gian qua. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng phần lớn người dân Syria đang phải đối mặt với đời sống khó khăn do lạm phát, tình trạng chăm sóc sức khỏe kém và bất ổn nội bộ gia tăng.

Trong khi đó, Moscow phải đối mặt với chi phí tăng cao đáng kể để ủng hộ chính quyền Assad hoạt động trong khi Iran cũng gặp khó khăn về tài chính do các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các báo cáo của Mỹ tin rằng nền quy mô kinh tế Syria đã bị thu nhỏ lại 70% so với trước khi cuộc xung đột nổ ra.

Nick Heras, nhà nghiên cứu Trung Đông tại Trung tâm An ninh Mới (Mỹ) cho biết, “Nhóm cố vấn của chính quyền đang tạo ra một chiến lược để mang đến vũng lầy cho Nga. Những gì họ muốn làm là xem người Nga có cảm thấy tổn thương không nếu nước này không sẵn sàng thực hiện các thỏa hiệp theo lập trường của Mỹ”.

Chính sách của Mỹ đang tăng tốc khi đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura đang gửi báo cáo cuối cùng cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào cuối tuần tới trước khi trao lại trọng trách cho nhà ngoại giao Na Uy Geir Pedersen.

Đặc phái viên Syria của Mỹ Jim Jeffrey nói rằng, tiến trình Astana nên được hoãn lại khi ông de Mistura báo về việc có thể triệu tập một ủy ban hiến pháp ở Geneva vào cuối năm nay.

Nga đã hứa sẽ kết thúc tiến trình Astana vào cuối năm nay để mang đến giải pháp chính trị hoàn thiện cho Syria. Tuy nhiên, Mỹ đang cố gắng tạo ra đòn bẩy của riêng mình bằng cách tăng cường áp lực trong thời điểm kỳ hạn hoàn thành của Moscow đang cận kề, theo Aaron Stein, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ).

“Chúng tôi đang kỳ vọng đến cuối tháng này, liên minh quốc tế sẽ thuyết phục người Nga vượt qua sự bế tắc”, ông Keith Hadi al-Bahra, cựu chủ tịch của Liên minh Cách mạng Quốc gia Syria và Lực lượng Đối lập, nói với Al-Monitor.

Nếu họ thất bại ở đó thì toàn bộ những nỗ lực trong tiến trình chính trị phải được xem xét lại, cấu hình lại và thiết kế lại để mang đến một tiến trình chính trị với chương trình nghị sự rõ ràng và xác định.

Tiến trình Astana với sự tham gia của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran là chương trình mang đến quá trình chuyển đổi chính trị phù hợp để kết thúc cuộc chiến ở Syria. Trong đó đảm bảo Tổng thống Assad tiếp tục ở lại điều hành đất nước. Về phần mình, Mỹ muốn hướng tới thay thế bằng tiến trình Geneva để không muốn mất đi lợi ích trong cuộc chiến.

Các đánh giá độc lập gần đây cũng cho thấy sức mạnh quân sự suy yếu của Damascus. Một báo cáo từ cơ quan điều tra Bellingcat hồi đầu năm nay cho rằng, lực lượng bọc thép của chính quyền Assad - mũi nhọn sức mạnh tấn công ở Syria - đã xuống cấp đáng kể từ khi đánh trả phiến quân ở vùng ngoại ô Damascus, phía Đông Ghouta.

Không có Mỹ, người châu Âu sẽ là sự thay thế trong việc bơm nguồn tiền tái thiết cho Syria.

Quốc hội Mỹ cũng đang đẩy mạnh các bước đi làm xói mòn thêm tình hình tài chính của chính quyền Assad. Theo Al-Monitor, Thượng nghị sĩ Rand Paul là một trong những trở ngại cuối cùng còn lại để thông qua luật trừng phạt được chính quyền Trump tán thành.

“Nền kinh tế Syria đã bị thu hẹp rất nhiều”, theo Randa Slim, một thành viên cao cấp tại viện Trung Đông - người dẫn đầu các cuộc đối thoại không chính thức về cuộc xung đột Syria - nói với Al-Monitor trong một email. “Kết quả là, các dự án tái thiết lớn mà các doanh nhân Nga có thể hưởng lợi không thể được triển khai mà không có nguồn tiền bơm từ bên ngoài”.

CIA công khai ước tính rằng nền kinh tế của Syria đã bị thu nhỏ lại khoảng 70% so với đầu thời điểm cuộc xung đột diễn ra. Nhưng không rõ liệu Lầu Năm Góc có chia sẻ đánh giá lạc quan của bộ Ngoại giao về sức mạnh được cho là đang suy yếu của Damascus hay không.

Hồi tháng 3, tướng Joseph Votel khẳng định tại Thượng viện Mỹ rằng, chính quyền Assad đang thực sự “bay cao”. Trong khi đó, tướng Kenneth McKenzie, người được đề cử làm người kế nhiệm của tướng Votel tại Bộ Tư lệnh Mỹ đặc trách miền Trung (CENTCOM) cho biết, lực lượng ủng hộ Assad có một lợi thế gần như không thể vượt qua so với phiến quân ở Idlib. Ông McKenzie nói thêm rằng, chính quyền Syria có thể sẽ tiếp tục nỗ lực để ổn định đất nước sau cuộc nội chiến kéo dài 7 năm.

“Thành công của chính quyền Syria trong việc kết thúc cuộc nội chiến dường như là một điều chắc chắn, mặc dù chế độ này không giải quyết được các nguyên nhân cơ bản như chính trị, nghèo đói, nguồn nước và ổn định kinh tế”, tướng McKenzie thừa nhận.

Trong khi Mỹ cam kết không cung cấp viện trợ tái thiết cho các khu vực do chính quyền Assad nắm giữ mà không có sự dàn xếp chính trị ở Syria, các chuyên gia phát biểu tại viện Trung Đông cho rằng các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu sẽ là người thay thế.

“Ngay bây giờ, Mỹ đang thiếu một điều”, ông Frederic Hof, cựu cố vấn đặc biệt cho quá trình chuyển đổi chính trị Syria dưới thời chính quyền Barack Obama nhận định. “Và đó là đòn bẩy”.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sau-nhieu-thang-quy-an-my-lai-tim-thay-don-bay-moi-de-danh-bat-nga-ra-khoi-syria-a414142.html