Sáu ngành nghề không được đình công

Bộ Luật Lao động (BLLĐ) qua các thời kỳ cho phép người lao động (NLĐ) được đình công, khi quyền và lợi ích bị người sử dụng lao động (NSDLĐ) xâm phạm. Tuy vậy, quy định tại điều 220 BLLĐ năm 2012 quy định danh mục đơn vị sử dụng lao động không được đình công và giải quyết các yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị này.

Thăm dò và khai thác dầu khí là một trong sáu ngành nghề không được đình công.

Ngày 8.5.2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2013/NĐ-CP quy định chi tiết điều luật này. Theo đó sáu ngành nghề, với danh mục tên đơn vị kèm theo sẽ không được phép đình công bao gồm: Sản xuất điện có công suất lớn, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia; thăm dò và khai thác dầu khí; sản xuất, cung cấp khí, gas; bảo đảm an toàn hàng không, an toàn hàng hải; cung cấp hạ tầng mạng viễn thông; dịch vụ bưu chính phục vụ các cơ quan nhà nước; cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường ở các thành phố trực thuộc Trung ương; trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng.
Để giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công, Nghị định 41 quy định, khi nhận được yêu cầu của Ban Chấp hành công đoàn (BCHCĐ) cơ sở hoặc BCHCĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, ở nơi chưa thành lập CĐCS, về việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động liên quan đến quyền của NLĐ, NSDLĐ có trách nhiệm khắc phục ngay vi phạm, đồng thời thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ có liên quan theo quy định của pháp luật. Khi nhận được yêu cầu của BCHCĐ về vấn đề liên quan đến lợi ích của NLĐ, NSDLĐ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tổ chức phiên họp thương lượng tập thể với BCHCĐ, đồng thời thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi đơn vị sử dụng lao động đóng trụ sở chính để cử hòa giải viên lao động hoặc cử người trực tiếp hỗ trợ quá trình thương lượng tập thể; thực hiện những nội dung đã được hai bên thống nhất ngay sau khi kết thúc phiên họp thương lượng tập thể. Trường họp thương lượng không thành, mỗi bên có văn bản đề nghị Hội đồng trọng tài lao động nơi đơn vị sử dụng lao động đóng trụ sở chính xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của NSDLĐ hoặc BCHCĐ cơ sở hoặc BCHCĐ cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập CĐCS, Hội đồng trọng tài lao động phải kết thúc hòa giải theo quy định. Các bên phải thực hiện ngay các thỏa thuận đã đạt được ghi trong biên bản hòa giải. Nếu các bên không thực hiện thỏa thuận, phải có có văn bản kiến nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi đơn vị sử dụng lao động đóng trụ sở chính và công đoàn cấp trên báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết theo trình tự cho đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là kết luận cuối cùng mà hai bên phải chấp hành.

Trung Hiếu

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/sau-nganh-nghe-khong-duoc-dinh-cong-616392.bld