Sau năm 2020, Hà Nội chấm dứt đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí

Theo chỉ thị của UBND TP Hà Nội, đến ngày 31/12/2020, sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội (Sở TN&MT Hà Nội), trong tuần qua, tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như điểm tại Chi cục BVMT, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần này, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của các trạm tiếp tục xu hướng tốt hơn.

Cụ thể, chỉ số AQI của 4/5 trạm đều ở mức tốt ở tất cả các ngày trong tuần (chiếm 100%), chỉ riêng trạm Chi cục BVMT xuất hiện 14,29% số ngày có AQI ở mức trung bình.

Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, chất lượng không khí của tuần này cũng có dấu hiệu tốt hơn so với tuần trước đó.

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, trong tuần vừa qua, có thể nhận thấy chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt so với những tuần trước đó. Nguyên nhân chính có thể nhận thấy là do thời tiết tác động.

Thường xuyên xuất hiện những cơn mưa rải rác trên địa bàn TP Hà Nội khiến cho các chất ô nhiễm trong không khí được khuếch tán một cách thường xuyên, khiến cho không khí trong lành hơn.

Hà Nội sẽ chấm dứt tình trạng nông dân đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường từ năm 2021

Hà Nội sẽ chấm dứt tình trạng nông dân đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường từ năm 2021

Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, Chi cục Bảo vệ Môi trường khuyến cáo người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống. Các khu vực dân ngoại thành không đốt rơm rạ.

Liên quan đến vấn đề đốt rơm rạ sau thu hoạch, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND, về việc tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố.

Theo đó, UBND TP giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương; xây dựng hệ thống giám sát cộng đồng và hệ thống thông tin nhằm phát hiện, tố cáo các hành vi đốt rác thải rắn sinh hoạt tại địa bàn; hợp đồng chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm các đơn vị nhận đặt hàng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn; tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định hiện hành và triển khai các biện pháp khác nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Đến ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trước ngày 31/12/2020.

Từ ngày 1/1/2021: 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật môi trường;

Không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng đảm bảo thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng;

Nghiên cứu, ứng dụng mô hình tính toán phát thải, giám sát và công bố công khai tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trên địa bàn thành phố nhằm kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm thực thi của chính quyền địa phương về tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng diễn ra trên địa bàn quản lý.

Hải Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sau-nam-2020-ha-noi-cham-dut-dot-rom-ra-gay-o-nhiem-khong-khi-post444956.antd