Mỹ - Trung cạnh tranh về chống biến đổi khí hậu, tín hiệu vui cho thế giới?

Với việc Washington tái gia nhập các nỗ lực quốc tế chống biến đổi khí hậu dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ và Trung Quốc hiện có chung một lĩnh vực cạnh tranh mới đó là dẫn đầu thế giới trong việc ngăn chặn thảm họa môi trường.

Mỹ - Trung bắt tay hợp tác hạn chế biến đổi khí hậu

Ngày 21/4, Tổng thống Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu kéo dài 2 ngày với sự tham gia của 40 nhà lãnh đạo thế giới khác, trong đó có cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Joe Biden khi đó là Phó Tổng thống Mỹ trong một buổi lễ tại Căn cứ Không quân Andrews ngày 24/9/2015. Ảnh: AP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Joe Biden khi đó là Phó Tổng thống Mỹ trong một buổi lễ tại Căn cứ Không quân Andrews ngày 24/9/2015. Ảnh: AP

Theo CNN, mối quan hệ Mỹ - Trung đã suy giảm nhanh chóng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, so với các lĩnh vực như công nghệ, thương mại, địa chính trị, quốc phòng và các lĩnh vực đối đầu ngày càng gay gắt khác, biến đổi khí hậu là một vấn đề ít có khả năng xảy ra xung đột giữa 2 nước nhất. Đồng thời, lĩnh vực biến đổi khí hậu mang lại nhiều cơ hội để đạt được thỏa thuận, hợp tác và thậm chí có khả năng lãnh đạo chung trên thế giới.

Trung Quốc và Mỹ là hai nước phát thải khí carbon lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu gần đây, 2 quốc gia này thải ra gần 45% lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch đang làm tăng nhiệt độ của khí quyển Trái đất. Lượng khí thải của Trung Quốc cao gần gấp đôi Mỹ, mặc dù khi tính theo đầu người, trung bình một người Mỹ thải ra lượng carbon nhiều hơn gấp đôi so với một người Trung Quốc.

Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, ông Biden đã công bố các mục tiêu đầy tham vọng của Mỹ khi cam kết cắt giảm 50-52% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 2005 vào năm 2030. Liên minh châu Âu (EU), Canada và Nhật Bản cũng công bố các mục tiêu mới của họ. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình tái khẳng định cam kết từ mùa hè năm 2020, cam kết sẽ đạt mức phát thải khí carbon lên mức cao nhất trước năm 2030 và hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Li Shuo, cố vấn về khí hậu của tổ chức môi trường Hòa bình Xanh (Greenpeace) ở Bắc Kinh cho biết, rất khó để so sánh các mục tiêu cắt giảm phát thải carbon do các quốc gia khác nhau đặt ra bởi các đường cơ sở của việc cắt giảm là khác nhau.

“Điều quan trọng không phải là lời hứa đã được thực hiện trên giấy tờ đến đâu, mà nó có thể trở thành hiện thực đến mức nào”, cố vấn Li nói.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh các mục tiêu về khí hậu của Trung Quốc là một cam kết to lớn, vượt qua mục tiêu của các nước giàu có và phát triển hơn.

“Trung Quốc đã cam kết chuyển từ mức đạt đỉnh phát thải sang trung hòa carbon trong một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với mục tiêu của nhiều nước phát triển và điều này đòi hỏi những nỗ lực đặc biệt của Trung Quốc” ông Tập Cận Bình nói với các nhà lãnh đạo thế giới khác.

Biến đổi khí hậu có thể giảm căng thẳng Mỹ - Trung?

Trong một phát biểu đầy ẩn ý về việc chính quyền ông Trump rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, để đạt được tính trung hòa carbon toàn cầu, thế giới “phải duy trì tính liên tục, không dễ dàng đảo ngược hướng đi, và chúng ta phải tôn trọng các cam kết chứ không phải thay đổi những lời hứa”.

Hội nghị thượng đỉnh do Mỹ chủ trì là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông Tập Cận Bình và ông Biden kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống. Trước sự kiện này, John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, đã có cuộc gặp với những người đồng cấp Trung Quốc tại Thượng Hải, nơi hai bên nhất trí hợp tác để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, trong khi hợp tác khí hậu đã được tất cả các bên hoan nghênh, vẫn có những lo ngại rằng, sự hợp tác này sẽ không thể đẩy lùi hoàn toàn căng thẳng của các lĩnh vực khác giữa mối quan hệ song phương Mỹ - Trung.

Khi ông Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, Global Times của Trung Quốc đã chỉ trích việc các nhà lập pháp Mỹ thúc đẩy lưỡng đảng nhằm chống lại Trung Quốc trong các lĩnh vực nhân quyền, cạnh tranh kinh tế và công nghệ, cáo buộc họ “tạo ra sự đối đầu và điều đó sẽ phản tác dụng, chống lại Mỹ”. Đồng thời, Global Times cho rằng, Washington nên “gạt giấc mơ bá quyền và tâm lý Chiến tranh Lạnh sang một bên”.

“Một hành động mâu thuẫn cùng với thái độ thù địch có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác tiềm năng giữa Trung Quốc và Mỹ”, Global Times cho biết./.

CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch) Theo CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/my-trung-canh-tranh-ve-chong-bien-doi-khi-hau-tin-hieu-vui-cho-the-gioi-852427.vov