Sau một giấc ngủ, người phụ nữ bỗng nhiên nói tiếng nước ngoài trôi chảy

Tại sao bạn có thể thay đổi hoàn toàn ngữ điệu, thậm chí ngôn ngữ của mình, chỉ sau một đêm ngủ dậy?

Cô Michelle Myers, 45 tuổi, đến từ Arizona, một tiểu bang của Mỹ, là người không bao giờ sang nước ngoài hay học bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Tuy vậy, một chuyện kỳ lạ đã xảy ra. Sau một đêm đau đầu dữ dội, cô tỉnh dậy và sở hữu giọng điệu nói chuyện như một người Anh chính gốc, và chúng theo cô suốt 2 năm nay.

Hội chứng hiếm gặp

Trước đó, giọng của Michelle từng chuyển sang Irish và Australia, nhưng những lần đó chỉ kéo dài khoảng một tuần. Trong các trường hợp, triệu chứng đầu tiên đều bắt đầu bằng một cơn nhức đầu khủng khiếp, sau đó cô đi ngủ và thức dậy với giọng nói đã bị thay đổi.

Khi Michelle đến bệnh viện, các bác sĩ tại đây phải hội chẩn rất lâu để tìm ra nguyên nhân. Kết luận cuối cùng, cô bị mắc hội chứng giọng nước ngoài (FAS). Hội chứng này khiến một người đột nhiên thay đổi giọng nói, thành giọng của đất nước hoàn toàn khác.

Từ khi bị đổi ngữ điệu, Michelle phải tập làm quen với những ánh mắt soi mói của nhiều người.

Từ khi bị đổi ngữ điệu, Michelle phải tập làm quen với những ánh mắt soi mói của nhiều người.

Các chuyên gia cho biết có 2 nguyên nhân chính gây ra hội chứng này: Đột quỵ và tổn thương não. Vài trường hợp cũng có liên quan bệnh đa xơ cứng, trong khi những trường hợp khác không có nguyên nhân rõ ràng.

“Đối với tôi, đó là sự thật khó khăn cực kì. Tôi luôn phải đấu tranh với chính mình từng giây phút. Dần dần, tôi phải học cách chấp nhận sự thật là giọng của tôi có lẽ sẽ như thế này mãi mãi”, Michelle chia sẻ

Bên cạnh đó, người phụ nữ U40 còn được chẩn đoán nhiễm Ehlers-Danlos, một hội chứng ảnh hưởng đến các mô liên kết trong cơ thể, khiến các khớp xương lỏng lẻo, dễ bầm tím, đặc biệt là làm gia tăng nguy cơ vỡ mạch máu.

Có thể hai hội chứng này có liên quan nhau, nhưng nguyên nhân tại sao một người có thể thay đổi hoàn toàn ngữ điệu của mình chỉ sau một biến cố nhất định vẫn còn là ẩn số.

Đây không phải trường hợp đầu tiên trên thế giới mắc hôi chứng FAS. Năm 2010, một phụ nữ sống tại Virginia bỗng dưng nói giọng Nga sau chấn thương vùng đầu do ngã cầu thang. Một phụ nữ khác sống tại Ontario, Canada, cũng bị thay đổi giọng thành giọng người Maritime Atlantic, sau khi bị đột quỵ.

Theo báo cáo, các trường hợp FAS khác đã xảy ra trên toàn thế giới, bao gồm cả những người đã chuyển từ tiếng Anh Anh sang tiếng Pháp hoặc từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Hungary.

Giọng nói nước ngoài (FAS) là hội chứng cực kỳ hiếm gặp. Trong suốt một thế kỷ qua, y văn toàn thế giới chỉ ghi nhận khoảng 60 ca bệnh gặp phải hội chứng này.

Cả y học và khoa học chưa thể giải thích

FAS lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1907, khi nhà thần kinh học người Pháp Pierre Marie đã khảo sát một người đàn ông sống tại Paris. Sau khi bị đột quỵ, người này đột nhiên nói bằng giọng Alsace, mặc dù ông không phải là người từ vùng biên giới Pháp - Đức, nơi thứ ngôn ngữ này được sử dụng.

Từ đây, người ta bắt đầu để ý đến hội chứng này hơn. Sau trường hợp đầu tiên ấy, các bác sĩ đã phát hiện nhiều người khác có cùng chung một tình trạng đổi giọng sau khi trải qua chấn thương về não. Nhưng câu hỏi tại sao vẫn làm nhiều bác sĩ, nhà khoa học đau đầu.

Tuy nhiên, một khi có câu trả lời, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về cấu trúc và chức năng của bộ não, đặc biệt là trung tâm chỉ huy ngôn ngữ còn tồn tại nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Nguồn: Infonet

Nguồn Khỏe Plus: https://khoeplus24h.vn/kham-pha/sau-mot-giac-ngu-nguoi-phu-nu-bong-nhien-noi-tieng-nuoc-ngoai-troi-chay-d397603.html