Sau màn leo thang: 'Bàn nóng' chốt hạ phán quyết về xung đột Yemen

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phê chuẩn một nghị quyết vào thứ ba gia hạn các biện pháp trừng phạt với Yemen - động thái diễn ra sau khi các quốc gia thành viên hội đồng đã có phiên thảo luận căng thẳng.

Một trong số các bất đồng được cho là có liên quan đến phát hiện của các chuyên gia Liên hợp quốc rằng phe nổi dậy Hồi giáo Shiite Houthi ở Yemen đang tiếp nhận các bộ phận cho máy bay không người lái và vũ khí, trong đó, một số có đặc tính kỹ thuật tương tự như vũ khí được sản xuất ở Iran.

Bất đồng giữa các cường quốc

Anh, quốc gia soạn thảo nghị quyết, cùng Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác ủng hộ việc đưa vào nghị quyết kết quả trên của các chuyên gia, nhưng Nga và Trung Quốc đã phản đối. Bản dự thảo sau đó được sửa đổi nhiều của Anh đã được bỏ phiếu và thông qua với số phiếu 13-0. Dù văn bản này đã loại bỏ tất cả các tham chiếu đến Houthis và Iran, nhưng Nga và Trung Quốc cho biết các yêu cầu của họ vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ và bỏ phiếu trắng.

Tình hình nhân đạo ở Yemen đang là mối quan ngại với cộng đồng quốc tế. Ảnh: AP.

Tình hình nhân đạo ở Yemen đang là mối quan ngại với cộng đồng quốc tế. Ảnh: AP.

Điều đó dường như gây ngạc nhiên cho Anh và các đồng minh phương Tây, những bên đã nghĩ sau cuộc đàm phán vào phút cuối hồi đầu giờ chiều rằng tất cả 15 thành viên hội đồng sẽ bỏ phiếu nhất trí.

Đại sứ Anh Karen Pierce bày tỏ sự thất vọng và trong một bình luận dường như là nhắm vào Nga, bà cảnh báo về mối đe dọa phủ quyết, cho rằng điều này chỉ đơn giản là một chiến thuật đàm phán, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thỏa hiệp để đảm bảo Hội đồng Bảo an thực hiện trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Đại sứ Pháp tại LHQ, Nicolas de Riviere, cho biết một giải pháp thỏa hiệp đã được tìm ra để duy trì sự thống nhất của hội đồng, và vì thế, điều đáng tiếc hơn cả là sự đoàn kết này đã bị bỏ tại thời điểm bỏ phiếu.

Ông nói rằng các nghị quyết là thành quả của sự thỏa hiệp và không thành viên nào nên kì vọng là sẽ đáp ứng được tất cả các yêu cầu của họ.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia phản bác rằng, sự phản đối của chúng tôi đối với một loạt các điều khoản của dự thảo ban đầu của Anh đã được nêu ra trong các cuộc đàm phán và chỉ một số được tính đến trong nghị quyết vào thứ ba.

"Chúng tôi không thể đồng ý với cách tiếp cận đó", ông Nebenzia nói.

Ông cũng nói rằng hội đồng cần tránh sự chia rẽ khi tình hình ở Yemen đòi hỏi nỗ lực tập thể để giúp đạt được lệnh ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán chính trị và khôi phục hòa bình.

Yemen, quốc gia nghèo nhất thế giới Ả Rập với dân số 26 triệu người, đã rơi vào xung đột từ năm 2014 sau khi người Houthis được Iran hậu thuẫn tiếp quản thủ đô Sanaa. Chính phủ được quốc tế công nhận đã rời đi và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước láng giềng vùng Vịnh.

Vào tháng 3 năm 2015, một liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đã tham chiến và đẩy tình hình xung đột thêm căng thẳng. Chiến sự tàn khốc đã giết chết hơn 10.000 người, di dời 2 triệu người và tạo ra thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới.

Yếu tố tương đồng với vũ khí Iran?

Nghị quyết trên cũng bày tỏ mối lo ngại về bạo lực và các vụ mất tích, và các mối đe dọa phát sinh từ việc chuyển nhượng bất hợp pháp, gây mất ổn định và lạm dụng vũ khí. Văn bản này nhắc lại sự cần thiết phải đối thoại và tái khẳng định nhu cầu thực hiện đầy đủ và kịp thời quá trình chuyển đổi chính trị, sau một cuộc đối thoại cấp quốc gia.

Hội đồng chuyên gia cũng cho biết trong một báo cáo gần đây rằng con đường buôn lậu chính các thiết bị máy bay không người lái và vũ khí "dường như chạy trên đất liền từ Oman và bờ biển phía nam Yemen, đi qua vùng lãnh thổ do chính phủ Yemen kiểm soát, và hướng tới Sanaa, nơi Houthis đang kiểm soát".

Không có đề cập nào như vậy được đưa ra trong nghị quyết, văn bản cũng không đề cập đến việc các chuyên gia phát hiện ra rằng một số bộ phận cho máy bay không người lái và vũ khí tương đồng với các bộ phận được sản xuất tại Iran.

Nghị quyết trên yêu cầu hội đồng chuyên gia báo cáo về các thiết bị thương mại sẵn có, được các cá nhân và tổ chức, trong danh sách đen trừng phạt của Liên hợp quốc, sử dụng để lắp ráp máy bay không người lái, thiết bị nổ dưới nước và các hệ thống vũ khí khác.

Rodney Hunter, điều phối viên chính trị của phái bộ Mỹ tại LHQ, bày tỏ hy vọng rằng thông tin này sẽ giúp các quốc gia thành viên và các công ty tư nhân thực hiện sự cảnh giác cao hơn đối với việc chuyển các mặt hàng này sang Yemen.

Các chuyên gia cho biết các bộ phận và vũ khí như vậy có nguy cơ vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc. Nghị quyết cũng kêu gọi tất cả các quốc gia và các bên khác tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí đối với Yemen.

Trong phần nội dung được cho là muốn hướng tới Houthis, Hội đồng Bản an LHQ bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về tình hình nhân đạo thảm khốc ở Yemen và tất cả các trường hợp cản trở không đáng có đối với việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo hiệu quả, bao gồm cả sự can thiệp gần đây vào các hoạt động viện trợ ở các khu vực do Houthis kiểm soát cũng như những trở ngại và những hạn chế không đáng có trong việc cung cấp những mặt hàng quan trọng cho dân thường trên khắp Yemen".

Nghị quyết cũng kêu gọi có quyền tiếp cận không trì hoãn đối với việc để Liên hợp quốc kiểm tra và bảo dưỡng tàu chở dầu Safer, được neo đậu tại cảng chính Hodeida của Yemen ở phía bắc – nơi Houthi kiểm soát và đang gây ra rủi ro môi trường.

Hunter cho biết đây là lần đầu tiên đề cập đến tàu Safer trong nghị quyết hội đồng, điều phản ánh cộng đồng quốc tế lo ngại sâu sắc về nguy cơ tàu chở dầu này có thể vỡ, gây ra thảm họa môi trường ở Biển Đỏ. Ông cáo buộc người Houthis không cấp cho Liên hợp quốc quyền tiếp cập con tàu này.

Nghị quyết cũng gia các biện pháp trừng phạt tới các đối tượng bị nhắm mục tiêu cho đến ngày 26 tháng 2 năm 2021 và ủy nhiệm hoạt động cho các chuyên gia Liên hợp quốc cho đến ngày 28 tháng 3 năm 2021.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/sau-man-leo-thang-ban-nong-chot-ha-phan-quyet-ve-xung-dot-yemen-20200226111051265.htm