Sau loạt vụ thử tên lửa Triều Tiên, Mỹ lập Bộ Chỉ huy Quân chủng Không gian ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Sau khi cho rằng Nga và Trung Quốc có trách nhiệm về các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên, Mỹ thành lập Bộ Chỉ huy Quân chủng Không gian ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để ngăn mối đe dọa từ tên lửa của các nước trong khu vực.

Hãng thông tấn Yonhap ngày 22-11 đưa tin Quân chủng Không gian Mỹ đã thành lập một bộ chỉ huy mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tên gọi Bộ Chỉ huy Quân chủng Không gian ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM).

Bộ Chỉ huy Quân chủng Không gian ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ

Động thái này được cho là nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Mỹ trước các mối đe dọa do tên lửa đạn đạo có nguồn gốc từ các quốc gia trong khu vực.

Được thành lập vào tháng 12-2019, Quân chủng Không gian Mỹ được trao sứ mệnh "bảo vệ lợi ích của Mỹ trong không gian, ngăn chặn sự xâm lược từ trong và ngoài không gian, đồng thời tiến hành các hoạt động trong không gian”.

Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 19-11 công bố hình ảnh một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 đang được đặt trên bệ phóng. Ảnh: KCNA

Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 19-11 công bố hình ảnh một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 đang được đặt trên bệ phóng. Ảnh: KCNA

Các mối đe dọa từ không gian bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa siêu thanh, theo những nguồn tin quen thuộc với vấn đề này.

Ngày 21-11, phát biểu trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết Triều Tiên đã tiến hành 63 vụ thử tên lửa đạn đạo trong năm nay, trong đó có 8 vụ thử ICBM. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố đã thử thành công tên lửa siêu thanh vào tháng 1.

Cuộc họp diễn ra sau khi Triều Tiên phóng thử một ICBM ngày 18-11, đánh dấu vụ thử ICBM thứ tám của nước này trong năm nay. Bình Nhưỡng trước đó tuyên bố các vụ thử tên lửa gần đây của nước này để đáp trả cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc.

Mỹ nói Nga, Trung Quốc chịu trách nhiệm về hành động của Triều Tiên

Trong cuộc họp ngày 21-11, bà Thomas-Greenfield đã kêu gọi HĐBA LHQ thông qua các biện pháp trừng phạt Triều Tiên nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích gần đây của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga - hai nước có quyền phủ quyết tại HĐBA, đã không thông qua đề xuất của Mỹ, theo Yonhap.

Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 19-11 công bố hình ảnh một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của nước này. Ảnh: KCNA

"Trong một thời gian dài, Triều Tiên đã hành động mà không bị trừng phạt. Họ đã tiến hành các vụ phóng tên lửa đạn đạo và gây mất ổn định mà không sợ phản ứng hay đáp trả từ hội đồng này" - Đại sứ Thomas-Greenfield phát biểu tại cuộc họp của HĐBA.

"Đây là lần thứ 10 chúng ta gặp nhau mà không có hành động quan trọng nào. Lý do rất đơn giản: Hai thành viên có quyền phủ quyết của hội đồng đang tạo điều kiện và khuyến khích Triều Tiên" - bà nói thêm, ám chỉ Trung Quốc và Nga.

Bà cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ về việc trao đổi với Triều Tiên bằng con đường ngoại giao nghiêm túc và bền vững mà không cần điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, bà cho biết Bình Nhưỡng vẫn không phản hồi đề xuất của Mỹ.

Trước các cáo buộc của Mỹ, đại diện Trung Quốc nhấn mạnh Washington trước tiên nên thể hiện sự chân thành với Triều Tiên.

"Mỹ nên chủ động, thể hiện sự chân thành, đưa ra các đề xuất thực tế và cụ thể, phản ứng tích cực với các mối quan tâm chính đáng của Triều Tiên và biến đối thoại từ mang tính hình thức thành hiện thực càng sớm càng tốt", Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân nói.

Đặc phái viên Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ có những hành động thiết thực, "ngừng tập trận quân sự và nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên".

Đại diện Nga đồng quan điểm với Trung Quốc, cáo buộc Mỹ xúi giục gây căng thẳng ở Đông Bắc Á.

Cụ thể, Phó đại diện thường trực của Nga tại LHQ Anna Evstigneeva cho biết: “Theo chúng tôi, lý do cho những gì đang xảy ra đã rõ ràng. Đó là việc Mỹ muốn buộc Bình Nhưỡng đơn phương giải trừ hạt nhân bằng cách thực hiện các biện pháp trừng phạt và sử dụng vũ lực”.

"Rõ ràng là các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là kết quả của hoạt động quân sự của Mỹ được thực hiện xung quanh Triều Tiên, gây tổn hại cho cả các đối tác trong khu vực và tình hình ở Đông Bắc Á nói chung" - bà nói thêm.

Ngày 22-11, các nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho biết nước này đã thử nghiệm thành công hoạt động đánh chặn hệ thống tên lửa L-SAM mà nước này đang phát triển.

L-SAM là một yếu tố quan trọng trong lá chắn phòng thủ tên lửa nhiều lớp của Seoul, được gọi là Phòng thủ Tên lửa và Phòng không Hàn Quốc (KAMD).

L-SAM, hay Tên lửa đất đối không tầm xa, được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo ở độ cao 50-60 km, tương tự như Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Theo các quan chức quân sự Hàn Quốc, tên lửa này được phát triển để chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên.

KHÁNH NHƯ

Nguồn PLO: https://plo.vn/my-lap-bo-chi-huy-moi-de-ngan-nguy-co-ten-lua-tu-cac-nuoc-o-dong-bac-a-post709064.html