Sau loạt bài phản ánh của Báo Người Tiêu Dùng, Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định có sự cấu kết, thông đồng trong phi vụ đấu giá bất thường tài sản Dệt Long An!

Trước những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong việc bán đấu giá tài sản của Công ty Dệt Long An, Thanh tra Bộ Tư pháp đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83), Tổng cục An ninh, Bộ Công an để điều tra, làm rõ việc thông đồng, dìm giá tài sản trong hoạt động bán đấu giá cũng như các hành vi vi phạm khác của những người liên quan.

Thanh tra Bộ Tư pháp vừa có kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật đối với Cục Thi hành án Dân sự (THADS) tỉnh Long An và Công ty TNHH Dịch vụ Đấu giá tài sản Miền Nam.

Theo đó, đã có sự cấu kết giữa những người tổ chức bán đấu giá, tham gia đấu giá để dìm giá tài sản của Công ty CP Dệt Long An (Dệt Long An) cũng như quá trình bán đấu giá có nhiều vi phạm, trong đó có những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng!

Cụ thể, ngày 23/12/2016, thông báo bán đấu giá số 564 của Cục THADS tỉnh Long An được niêm yết tại đơn vị này, nhưng chủ tịch UBND và cán bộ tư pháp xã Nhựt Chánh huyện Bến Lức lại xác nhận vào "Biên bản niêm yết thông báo" nói trên cho dù trụ sở của Cục THADS tỉnh Long An không hề tọa lạc tại huyện Bến Lức mà tại TP.Tân An.

Chưa hết, cũng theo Thanh tra Bộ Tư pháp, đã có sự thông đồng giữa những người tham gia bán đấu giá. Thể hiện:

Thứ nhất, Sau khi thông báo bán đấu giá, có hai khách hàng đăng ký tham gia đấu giá là Công ty Phúc Thịnh và Công ty Phúc Bảo Tâm và trong cùng một ngày (18/1/2017), hai công ty này đều họp hội đồng thành viên và ủy quyền cho người đại diện tham gia đấu giá. Đồng thời, cũng trong một ngày (23/1/2017) hai doanh nghiệp trên cùng ra giấy ủy quyền cho người đại diện.

Đã thế, có sự giống nhau đến mức khó tin trong nội dung của các văn bản. Chẳng hạn, giấy ủy quyền của hai công ty, ngoài lập cùng ngày (23/1/2017) còn cùng số, cùng ký hiệu (2301/GUQ/2017). Lạ lùng hơn, tại biên bản họp hội đồng thành viên của hai công ty đều cùng sai lỗi chính tả như nhau: “…thảo luận trên tin thần…” (viết đúng phải là tinh thần)!... Không chỉ thế, cả Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp đều không quy định doanh nghiệp muốn ủy quyền buộc phải họp hội đồng thành viên. Thế nhưng, cả hai công ty tham gia đấu giá đều tổ chức họp để xem xét quyết định việc ủy quyền. Như vậy, cả hai công ty này đều cùng làm một việc mà pháp luật không bắt buộc (và có những sai sót giống nhau).

Thứ hai, ông Du Chí Dũng là người đại diện cho Công ty Phước Bảo Tâm tham gia đấu giá nhưng tiền đặt cọc lại do một cá nhân có tên Trần Tin chuyển cho ông Dũng chứ không phải Công ty Phước Bảo Tâm. Còn đối thủ của ông Dũng là bà Hồ Thị Hằng Dương đại diện đấu giá cho Công ty Phúc Thịnh, trong và sau quá trình tham gia đấu giá đã nhiều lần chuyển tiền cho ông Trần Tin.

Và, điều này cũng đã góp phần giải thích vì sao buổi đấu giá lại diễn ra hết sức chóng vánh (chỉ diễn ra 2 vòng): Vòng 1, Công ty Phúc Bảo Tâm trả đúng bằng giá khởi điểm (hơn 97 tỷ) còn Công ty Phúc Thịnh trả cao hơn 103 triệu đồng. Vòng 2, Phúc Bảo Tâm rút, nên đương nhiên Phúc Thịnh giành "chiến thắng"!

Từ những cơ sở trên, Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định, những người tham gia đấu giá đã có sự thông đồng, dàn xếp với nhau, vi phạm nguyên tắc khách quan, trung thực trong việc bán đấu giá tài sản của Công ty Dệt Long An, gây bất bình dư luận.

Thế Mỹ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/sau-loat-bai-phan-anh-cua-bao-nguoi-tieu-dung-thanh-tra-bo-tu-phap-khang-dinh-co-su-cau-ket-thong-dong-trong-phi-vu-dau-gia-bat-thuong-tai-san-det-long-an-d67867.html