Sau kỳ nghỉ lễ 30/4, câu chuyện về rác được bàn luận

Cứ mỗi kỳ nghỉ lễ đi qua, thì bỏ lại sau đó là câu chuyện về rác. Rác thải ngập tràn ở các khu vui chơi tại Hà Nội và các khu di tích, điểm du lịch trên khắp cả nước. Vậy cái kết của câu chuyện ở đâu?

Tình trạng xả rác bữa bãi sau mỗi dịp nghỉ lễ tại các khu vui chơi. Ảnh Bích Hà

Khắp các trang báo điện tử, trang mạng xã hội đều xoay quanh câu chuyện về rác thải sau kỳ nghỉ lẽ 30/4. Nghỉ lễ là thời điểm gia đình, bạn bè cùng nhau đi du lịch, nghỉ lễ. Các địa điểm họ chọn thường là những nơi nổi tiếng, có danh thắng đẹp và ý nghĩa lịch sử nhất định. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ qua đi, nơi đó chỉ còn lại rác và rác…

Theo phản ánh của rất nhiều bài báo, thì sau kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua, khắp các địa điểm vui chơi, du lịch như hồ Gươm, Công viên Thủ Lệ, Yên Sở,… các địa điểm du lịch khác đều bị ngộp thở trong rác.

Mọi người đều nườm nượp đi chơi vui vẻ, nhưng đáng chú ý, nhiều du khách lại không có ý thức thu dọn đồ, bảo vệ môi trường. Nhiều điểm đến vui chơi tại Hà Nội lâm vào cảnh người về, rác ở lại, hình ảnh rác rất phản cảm.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu công viên Yên Sở, khi nhiều gia đình cắm trại, chuẩn bị thức ăn, bếp nấu tại đây cho kỳ nghỉ lễ. Quanh các gốc cây, hàng trăm chiếc túi nion được bày biện, vỏ hoa quả, giấy báo.... cũng vương vãi khắp nơi. Tuy nhiên, khi ra về cũng không ai nghĩ đến dọn chỗ rác mà họ vừa bày ra…

Xa hơn, dịp nghỉ lễ kéo dài nên hàng vạn lượt du khách đổ về các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở Lạng Sơn thăm thú. Hoặc họ mua sắm, du lịch thăm quan nghỉ dưỡng. Điểm đến hấp dẫn du khách là khu du lịch Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn).

Sau 3-4 ngày nghỉ lễ, hàng tấn rác thải vương vãi ở những mỏm đồi, núi, nhà nghỉ, các loại giấy báo, nilon, cốc, vỏ nhựa, đồ ăn, thức uống vứt la liệt, gây ô nhiễm môi trường cảnh quan nghiêm trọng.

Điều đáng nói, vấn đề rác thải sau nghỉ lễ hay lễ hội báo chí và các phương tiện truyền thông khác đã nói đến rất nhiều, phản ánh không ít. Thế nhưng, tất cả có lẽ chưa đủ và không có tác dụng lớn khi người người du lịch vẫn thẳng tay xả rác bừa bãi, mặc cho thùng rác gần đó. Thử hỏi, trách nhiệm, ý thức của mỗi người ở đâu khi tàn một cuộc chơi, có thể thản nhiên đi về mà không chút áy náy với đống rác họ để lại.

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - cho rằng: ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng như bảo vệ môi trường, không vứt rác bữa bãi... của nhiều người tham quan còn kém. Đó là biểu hiện của tâm lý “cha chung không ai khóc”, đó là một hình ảnh rất phản giáo dục. Người lớn không làm gương sẽ dẫn đến trẻ em bắt chước, dần dần thành thói quen xấu.

“Hiện trong chương trình giáo dục phổ thông cũng đã có đưa các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, việc này có tác động rất tốt tới học sinh. Tuy nhiên, việc thực hiện của chính người lớn ở thực tế lại “nói một đường, làm một nẻo”. Như vậy, vô hình chung sẽ không tạo được thói quen tốt cho các con.” – TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, để giải quyết được tình trạng rác thải ngập ngụa tại các khu công viên, khu vui chơi trên, công tác tổ chức, quản lý ở những khu vực có đông người cần phải tốt hơn. Các thùng rác, biển chỉ dẫn, thông báo về việc giữ gìn vệ sinh chung cần xuất hiện nhiều hơn, cần có lực lượng túc trực, nhắc nhở những hành vi phản cảm.

Thùy Dương tổng hợp

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/sau-ky-nghi-le-30.4-cau-chuyen-ve-rac-duoc-ban-luan-503060.htm