Sau khi Washington khước từ, ông Kim tìm cách làm bạn với TT Putin

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Nga Putin nhằm thể hiện Mỹ không phải là cường quốc duy nhất có thể tác động đến chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng.

Ông Kim Jong Un đến thành phố Vladivostok chiều 24/4 bằng đoàn tàu bọc thép nổi tiếng của các lãnh đạo Triều Tiên. Sau lễ đón tiếp nhỏ, nhà lãnh đạo Triều Tiên đến thẳng đảo Russky, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào hôm nay.

Lần cuối cùng Tổng thống Vladimir Putin tiếp nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Triều Tiên là vào năm 2002, gặp cha của ông Kim Jong Un là Kim Jong Il.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Vladivostok vào khoảng 17h50 ngày 24/4, chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử với tổng thống Nga. Ảnh: Reuters.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Vladivostok vào khoảng 17h50 ngày 24/4, chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử với tổng thống Nga. Ảnh: Reuters.

Cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra tại hòn đảo ngoài khơi thành phố Vladivostok, Nga, chỉ hai tháng sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc mà không có thỏa thuận mới và làm giảm những hy vọng đạt được đột phá sau nhiều thập niên đối đầu.

Hội nghị thượng đỉnh tại Vladivostok không chỉ là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Putin, mà còn là cơ hội để Bình Nhưỡng tìm kiếm nguồn hỗ trợ mới từ Nga. Cuộc gặp cũng có thể hướng đến dỡ bỏ một số lệnh cấm vận đang làm tổn hại nền kinh tế của Triều Tiên, theo Reuters.

Trong khi đó, đây cũng là cơ hội để điện Kremlin chứng tỏ vị thế ngoại giao toàn cầu, mặc cho các nỗ lực của Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây nhằm cô lập nước Nga.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền hình Nga tại điểm dừng trên hành trình đến Vladivostok, lãnh đạo Triều Tiên chia sẻ ông mong chờ các cuộc đối thoại hữu ích.

"Tôi hy vọng chúng ta sẽ thảo luận những vấn đề thực chất về đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và quan hệ song phương", ông trả lời phóng viên Nga bên ngoài nhà ga thành phố Hasan.

Cuộc gặp lần này cho hai nhà lãnh đạo cơ hội thể hiện mặt trận thống nhất giữa giai đoạn mang tính quyết định của đàm phán hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ khó dẫn đến những giúp đỡ cụ thể dành cho Bình Nhưỡng.

Ông Kim Jong Un dự lễ duyệt binh ngắn trước nhà ga Vladivostok chiều 24/4. Ảnh: Reuters.

Phía Moscow không có nhiều lựa chọn khi vẫn phải cam kết tuân thủ các lệnh cấm vận quốc tế cho đến khi miền Bắc bán đảo Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Sự kiện lần này có thể chỉ nhằm khẳng định tình bằng hữu giữa hai phía.

Điện Kremlin vẫn chưa lên kế hoạch cho thỏa thuận hay tuyên bố chung nào sau cuộc gặp thượng đỉnh, theo Wall Street Journal.

Người phát ngôn điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói mọi nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên đều xứng đáng nhận sự ủng hộ. Tuy nhiên, ông cho rằng từ trước đến nay chỉ có mô hình đàm phán hạt nhân sáu bên là cách thức hiệu quả để thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa.

Thanh Danh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/sau-khi-washington-khuoc-tu-ong-kim-tim-cach-lam-ban-voi-tt-putin-post939521.html