Sau khi té ngã, cụ bà 72 tuổi bị 2 khối áp xe do vi khuẩn kháng kháng sinh

Sau khi bị té ngã, vùng mông đùi phải bà V. bị sưng đỏ, đau…. các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có 2 khối áp xe một ở vùng mông phải đường kính 10 x 20 cm và một khối ở vùng đùi phải phía mặt ngoài, có kích thước 3x3 cm.

Ngày 28/8, bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới BV Nhân Dân 115 cho biết, sau 5 ngày điều trị bằng các phương pháp: rạch ổ áp xe, bù nước và điện giải, thuốc kháng sinh phù hợp, thuốc ổn định đường huyết và huyết áp, chăm sóc vết thương mỗi ngày, sức khỏe bệnh nhân là cụ P.T.V (72 tuổi) đã tương đối ổn định. Bệnh nhân hết sốt, mông đùi phải bớt đỏ, bớt đau, vết thương mông phải 10x10 cm sạch, đã lên mô hạt.

Trước đó, bệnh nhân P.T.V nhập viện trong tình trạng sốt cao, lạnh run bởi bị khối áp xe lớn ở mông, đường kính 10x20 cm do vi khuẩn kháng kháng sinh Staphylococcus aureus gây ra.

Sức khỏe cụ bà bị 2 khối áp xe đã tương đối ổn định.

Khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhân P.T.V. cho biết, trước khi nhập viện 10 ngày, bà V. bị té đập mông bên phải xuống đất. Tưởng không việc gì nên gia đình và bà cụ cũng không lưu tâm đến. Sau đó, ít hôm, vùng mông đùi phải bà V. bị sưng đỏ, đau…. Rồi diễn tiến ngày một nặng, bà V bị sốt cao, lạnh run, sưng đỏ đau vùng mông bên phải, uống thuốc không bớt nên phải đến Bệnh viện Nhân Dân 115 điều trị.

Qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận 2 khối áp xe một ở vùng mông phải đường kính 10 x 20 cm và một khối ở vùng đùi phải có kích thước 3x3 cm. Bà V. bị áp xe mông đùi phải là do vi khuẩn kháng kháng sinh Staphylococcus aureus.

Ngoài ra, bà V. còn có tiền căn tăng huyết áp - đái tháo đường type 2 - tai biến mạch máu não cũ.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới BV Nhân Dân 115 khuyến cáo, người lớn tuổi rất dễ bị té ngã. Do đó, bên cạnh việc đi lại cẩn thận thì khi bị té ngã cần theo dõi chặt chẽ để có hướng xử trí phù hợp.

Minh Khang

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/sau-khi-te-nga-cu-ba-72-tuoi-bi-2-khoi-ap-xe-do-vi-khuan-khang-khang-sinh-c2a295446.html