Sau khi ký Hiệp định EVFTA và IPA, Việt Nam và EU phải hoàn tất những phần việc nào

Theo quy định của mỗi bên, Hiệp định EVFTA sẽ cần phải được Quốc hội phê chuẩn thì mới chính thức có hiệu lực, đi vào thực thi. Do vậy, trước mắt chúng ta vẫn còn phải trải qua một chặng đường nữa là phê chuẩn cả 2 Hiệp định này.

Những vấn đề liên quan đến phê chuẩn cả 2 Hiệp định EVFTA và IPA dành được nhiều sự quan tâm của các cơ quan truyền thông, và nhiều câu hỏi được dành cho lãnh đạo Bộ Công Thương, ngay tại buổi họp báo được tổ chức sau lễ kỹ kết EVFTA và IPA chiều 30/6/2019.

Trước câu hỏi về Hiệp định EVFTA và IPA đã được ký kết, vậy hai bên sẽ phải làm những công việc gì tiếp theo để đưa các Hiệp định vào thực thi, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, theo quy định của mỗi bên, Hiệp định EVFTA sẽ cần phải được Quốc hội phê chuẩn thì mới chính thức có hiệu lực, đi vào thực thi. Do vậy, trước mắt chúng ta vẫn còn phải trải qua một chặng đường nữa là phê chuẩn cả 2 Hiệp định này.

Chặng đường này dài hay ngắn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của cả Việt Nam và Liên minh châu Âu. Vì vậy, việc chúng ta cần làm là ngay sau khi ký kết, cả hai bên cần sớm triển khai các công tác chuẩn bị cho việc phê chuẩn theo quy trình nội bộ của mình.

Bộ trưởng Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, với Hiệp định IPA thì quy trình phê chuẩn ở EU khác với EVFTA do phải thông qua quốc hội các nước thành viên EU. Tuy nhiên, vừa qua toàn bộ các nước thành viên EU đều thông qua việc ký kết cả hiệp định EVFTA và IPA, chắc chắn sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình phê chuẩn sau này.

Quá trình đàm phán EVFTA diễn ra trong vòng 3 năm với 14 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ ở cấp Bộ trưởng, cấp Trưởng đoàn và các nhóm kỹ thuật.

Để đi tới bước ký kết Hiệp định, Việt Nam đã vượt qua không ít những khó khăn, một phần đến từ việc Hiệp định bao gồm cả những lĩnh vực phi truyền thống như phát triển bền vững, cạnh tranh, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý thể chế, mua sắm chính phủ… mà còn khó khăn vì phải làm sao để chúng ta mở cửa các lĩnh vực mới này một cách hợp lý cho phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam. Cụ thể như trong lĩnh vực Mua sắm của Chính phủ, một trong những lĩnh vực được coi là chủ chốt quyết định tới quá trình đàm phán. Đây cũng là lĩnh vực mà EU chú trọng và đưa ra yêu cầu cao hơn cả Mỹ, Nhật trong TPP.

Bộ Công Thương

Liên quan đến những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt khi Hiệp định đi vào thực thi, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, EVFTA chắc chắn sẽ là đòn bẩy cho tăng trưởng.

"Sau 6 năm, quá trình đàm phán EVFTA đã khép lại và mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD của EU. Tất nhiên, cùng với các cơ hội đặt ra thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là với Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU".

Sức ép sẽ đến với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước.

Ở mặt tích cực, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Quan trọng hơn cả, chúng ta cần nhìn nhận đây là con đường mà sớm hay muộn cũng phải đi qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.

Đặc điêm của thị trường EU là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất trên thế giới. Việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của ta sẽ được thị trường EU chấp nhận.

Bộ trưởng Bộ Công Thương khuyến nghị các nhà xuất khẩu Việt Nam, EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó (ví dụ không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép). Hay các đòi hỏi về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới.

Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước của ta phải không ngừng vươn lên thì mới có thể vượt qua được các thách thức, khai thác được các cơ hội do Hiệp định EVFTA đem lại

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia 16 FTA, trong đó phần lớn các FTA đã đi vào thực thi. Do đã có kinh nghiệm đàm phán, đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong quá trình đàm phán, Đoàn đàm phán đã tích cực cung cấp đầy đủ thông tin cũng như tham vấn ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp với mong muốn kết quả đàm phán phải đáp ứng được tốt nhất lợi ích của doanh nghiệp.

Trong quá trình này, một số hiệp hội như dệt may, da giày, thủy sản và nhiều doanh nghiệp khác đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt.

Mặc dù vậy, để khai thác được tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực.

"Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất. Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU", lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sau-khi-ky-hiep-dinh-evfta-va-ipa-viet-nam-va-eu-phai-hoan-tat-nhung-phan-viec-nao-d103078.html