Sau khi chạm đỉnh 2 tháng, vì đâu Bitcoin lao dốc 10% chỉ trong tích tắc?

Giá Bitcoin đã điều chỉnh giảm trở lại trong ngày cuối tuần qua, sau khi đã lên được mức cao nhất trong hai tháng. Về cuối ngày, Bitcoin nằm tại 3.795 USD/BTC, không đổi so với ngày chủ nhật. Tuy nhiên, nếu so với mức cao nhất đạt được hôm thứ 7 tại 4.217 USD, thì giá đồng tiền mật mã lớn nhất thế giới này hiện đã rớt 10%.

Ngày chủ nhật hỗn loạn

Vào thứ bảy vừa rồi, lần đầu tiên đồng tiền mật mã nổi tiếng nhất đã có lúc bứt phá mốc 4.200 đô la, mức cao nhất kể từ ngày 24 tháng 12. Nhưng một đợt bán tháo dữ dội vào ngày hôm sau đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh hơn 10%, theo đó rớt trở lại dưới mức 3.800 đô la chỉ trong vòng chưa đầy một giờ.

Sự hỗn loạn vào cuối tuần qua không chỉ giới hạn ở Bitcoin. Các đồng tiền mật mã khác thậm chí còn giảm với tốc độ mạnh hơn, như đồng Ether đã rớt hơn 20% từ mức cao trên 166 USD.

Còn trong phiên đầu tuần hôm qua, hầu hết các đồng tiền mật mã đã phục hồi lại được phần nào sau khi rớt mạnh hôm chủ nhật. Trong khi đồng Ether gần như không đổi quanh mốc 138,6 USD; thì đồng Bitcoin Cash tăng 4,4% lên lại 136,7 USD; đồng Litecoin tăng 3,4% lên 46 USD và đồng XRP tăng 4,2% lên 0,31 USD.

Các hợp đồng Bitcoin kỳ hạn ngược lại giảm đáng kể theo sau diễn biến sụt giảm của giá Bitcoin giao ngay, sau khi mở cửa trở lại. Hợp đồng Bitcoin kỳ hạn tháng 3 trên sàn CBOE rớt 3,3% xuống 3.810 USD và hợp đồng tương tự trên sàn CME giảm 3,1% cũng xuống nằm tại 3.810 USD.

Với đợt điều chỉnh mạnh vừa qua, tổng giá trị vốn hóa của toàn thị trường tiền mật mã hiện chỉ còn 131,5 tỷ USD, trong đó vốn hóa của Bitcoin là gần 68,2 tỷ USD, chiểm tỷ trọng 51,84%. Đồng Ether và XRP xếp thứ 2 và 3, nhưng chênh lệch tỷ trọng vốn hóa đã thu hẹp nhờ XRP gần đây tăng mạnh hơn, cụ thể lần lượt nằm tại 11,14% và 10,42%. Đồng EOS và Litecoin vẫn xếp thứ 4 và thứ 5 với tỷ trọng tương ứng 2,45% và 2,13%. Các đồng tiền mật mã còn lại có giá trị vốn hóa 28,97 tỷ USD, tương ứng hơn 22%.

 Rớt thẳng đứng hơn 400 USD chỉ trong tích tắc

Rớt thẳng đứng hơn 400 USD chỉ trong tích tắc

Vì đâu bán tháo?

Naeem Aslam, chuyên gia phân tích thị trường tại Think Markets U.K cho biết: “Thực tế là không có gì bất thường về những biến động mạnh trong thị trường tiền mật mã vào cuối tuần qua, chủ yếu là do khối lượng giao dịch yếu hơn và quy mô chốt lời mạnh hơn”.

Ông nói thêm: “Điểm mấu chốt đối với tôi là việc bán tháo hiện tại sẽ chỉ là một cơ hội mua vào nếu các mức thấp hỗ trợ trước đó không bị xuyên thủng, ngược lại nếu thị trường phá vỡ các mức thấp này, điều đó sẽ xác nhận rằng đợt phục hồi gần đây ở các đồng tiền mật mã chẳng khác nào là một bẫy tăng giá”.

Trong khi đó, đánh giá về đợt sụt giảm mạnh chỉ trong tích tắc này, chuyên gia phân tích Josh Olszewicz cho rằng chính hợp đồng tương lai Bitcoin của CME đã gây ra tác động. Trước đó, sàn CME đã tiết lộ rằng khối lượng giao dịch hợp đồng Bitcoin tương lai trong ngày đang đạt kỷ lục. Và ngày 19/02, CME đã thanh toán bù trừ 18.000 hợp đồng tương lai Bitcoin, tăng gần gấp đôi so với mức cao kỷ lục trước đó là 10.000 hợp đồng.

Theo đó, Olszewicz tuyên bố rằng sự gia tăng khối lượng hợp đồng tương lai Bitcoin hàng ngày trên sàn CME có thể đã gây ra áp lực bán lên tài sản, khiến Bitcoin phải chuyển động giảm giá lớn. Khi xem xét xu hướng của thị trường tương lai kể từ đầu năm 2018, chuyên gia Olszewicz nói rằng điều này có thể thúc đẩy sự điều chỉnh của Bitcoin.

Chuyên giân phân tích thị trường Alex Krüger lại có quan điểm rằng sự sụt giảm ngắn hạn của thị trường tiền mật mã chỉ đơn giản là một điểm dừng. Kể từ đầu tháng 2 năm nay, giá Ethereum đã tăng 60% và không hề điều chỉnh. Sau một đợt tăng giá ngắn hạn cực mạnh, thị trường tiền mật mã thường có xu hướng sẽ giảm giá. Bitcoin cũng ghi nhận mức kháng cự mạnh đầu tiên ở mức 4.200 USD, sau khi vượt ra khỏi ngưỡng 4.000 USD. Như với bất kỳ loại tài sản hoặc thị trường nào khác, ông Krüger nhấn mạnh rằng một xu hướng tăng kéo dài thường được theo sau đó bởi một cú điều chỉnh lớn.

Đồng quan điểm, DonAlt, chuyên gia phân tích kĩ thuật, khẳng định các nhà đầu tư có thể đã quá hưng phấn khi thị trường phá vỡ ngưỡng kháng cự trong cuối tuần qua, khiến cho thị trường giảm giá lại sau đó khi mọi người chốt lời. Ông chia sẻ: “Tôi sẽ nói lý do chính tại sao việc này xảy ra là do nhiều nhà đầu tư đang trở nên quá phấn khích với những ngưỡng kháng cự kĩ thuật, cộng với sự thật là có lẽ sắp đến sẽ có nhiều lệnh bán theo tin tức khi chúng ta đến gần hơn với đợt chia tách mạng lưới ethereum”.

Đợt phân tách của ethereum bao gồm một cải tiến then chốt trên mạng lưới blockchain Ethereum liên quan đến phần thưởng trên block, lẽ ra đã được kích hoạt vào tháng 1. Tuy nhiên sự kiện này được dời lại đến ngày 25/2. Trong dài hạn, đây là một sự kiện tốt khi chúng làm giảm lượng lưu thông tiềm năng của Ethereum. Trong ngắn hạn, do hành vi của những nhà đầu tư trên thị trường, nó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến xu hướng giá của đồng tiền này.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/sau-khi-cham-dinh-2-thang-vi-dau-bitcoin-lao-doc-10-chi-trong-tich-tac-158558.html