Sau hồi sinh, lợi nhuận Huawei tăng gấp đôi

Với con số 87 tỷ nhân dân tệ (12 tỷ USD), lợi nhuận ròng năm 2023 của Huawei đạt kỷ lục chưa từng có trong 5 năm trở lại đây, bất chấp hàng loạt lệnh cấm từ Mỹ.

 Một cửa hàng Huawei tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Một cửa hàng Huawei tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Ngày 28/3, Huawei công bố báo cáo tài chính năm 2023 với lợi nhuận ròng tăng gấp đôi và doanh thu ở tất cả các mảng kinh doanh đều tăng.

Những con số này báo hiệu rằng công ty đã có thể trụ vững trước sự đàn áp vô lý từ chính quyền Washington, trong đó có cả các đạo luật hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt. Đặc biệt, sự trỗi dậy của Huawei trên thị trường smartphone nội địa đã gây áp lực lên các đối thủ ngoại quốc, nổi bật nhất là Apple, Nikkei Asia nhận định.

Một năm thành công của Huawei

Từng là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới, Huawei cho biết doanh thu từ hoạt động kinh doanh điện tử tiêu dùng - vốn đang bị Mỹ bị trừng phạt - đã tăng 17,3% so với năm 2022, đạt 251,5 tỷ nhân dân tệ vào năm 2023 và đà tăng trưởng này vẫn tiếp tục kéo dài sang quý đầu tiên của năm nay.

Theo báo cáo tài chính năm 2023, hệ điều hành HarmonyOS của hãng hiện được cài đặt trên hơn 800 triệu thiết bị, tăng mạnh so với con số 330 triệu thiết bị vào cùng kỳ năm trước đó.

Công ty đã bắt đầu tập trung phát triển đối thủ của hệ điều hành Android sau khi chính quyền Washington cấm vận công nghệ Mỹ. Android hiện được cài đặt trên 3,9 tỷ điện thoại thông minh và là hệ điều hành lớn nhất trên toàn cầu, theo BusinessofApps.

 iPhone 15 Pro (trái) và Huawei Mate 60 Pro. Ảnh: Reuters.

iPhone 15 Pro (trái) và Huawei Mate 60 Pro. Ảnh: Reuters.

Một năm thành công Huawei càng rực rỡ sau khi ra mắt flagship Mate 60 Pro. Công ty đã có thể trang bị công nghệ chip 7 nm tiên tiến, bất chấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ tiên tiến nhất về phần mềm và chất bán dẫn.

Washington đang cân nhắc sẽ thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, vì thành tích của Huawei được coi là chiến thắng của Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. Tuy nhiên, Huawei vẫn phải dựa vào nhà sản xuất chip Qualcomm của Mỹ để cung cấp chip di động 4G cho hầu hết smartphone của hãng.

Runar Bjorhovde, nhà phân tích của Canalys, cho biết Huawei đã có sự hồi sinh mạnh mẽ tại Trung Quốc vào nửa cuối năm 2023, trở lại vị trí top 5 trên thị trường. “Điều này đã mang lại động lực mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2024.

Nhưng sự trỗi dậy này đang gây áp lực lên các nhà cung cấp khác trong bối cảnh cạnh tranh căng thẳng của Trung Quốc”, chuyên gia cho biết. Hiện 94% lô hàng điện thoại thông minh của Huawei vẫn ở Trung Quốc cho đến năm 2023.

Huawei trở lại, gây áp lực cho Apple

"Apple đang cảm nhận áp lực lớn nhất từ trước đến nay sau khi Huawei hồi sinh. Gần đây, Apple đã đáp trả bằng việc tăng cường đầu tư vào Trung Quốc, bao gồm chi mạnhcho các chiến dịch marketing, mở một cửa hàng Apple mới và chuyến thăm của CEO Tim Cook. Tất cả điều này nhằm giúp hãng củng cố vị thế của mình trên thị trường", Bjorhovde nhận định.

Chủ tịch luân phiên Ken Hu cho biết hiệu quả hoạt động tổng thể của Huawei trong năm 2023 là “phù hợp” với dự báo trước đó, đồng thời nói thêm rằng công ty đã cố gắng phát triển "bất chấp thách thức này đến thách thức khác”.

Trong cả năm 2023, doanh thu của công ty đã tăng 9,6%, đạt 704,2 tỷ nhân dân tệ. Chi tiêu cho mảng nghiên cứu và phát triển (R&D) của công ty đạt kỷ lục 164,7 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 23,4% tổng doanh thu. Tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã chi tổng cộng 1.110 tỷ nhân dân tệ cho R&D trong thập kỷ qua.

 Huawei ra mắt mẫu Mate 60, dùng chip xử lý Kirin do SMIC sản xuất. Đây được xem là bất ngờ lớn bởi các lệnh cấm của Mỹ có mục đích ngăn chặn điều này. Ảnh: Bloomberg.

Huawei ra mắt mẫu Mate 60, dùng chip xử lý Kirin do SMIC sản xuất. Đây được xem là bất ngờ lớn bởi các lệnh cấm của Mỹ có mục đích ngăn chặn điều này. Ảnh: Bloomberg.

Hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây của công ty cũng tăng trưởng mạnh trong bối cảnh nhu cầu AI tạo sinh bùng nổ. Doanh thu của đơn vị này tăng 21,9% so với cùng kỳ, đạt 55,3 tỷ nhân dân tệ vào năm 2023.

Theo Nikkei Asia, AI nhận dạng giọng nói hàng đầu của Trung Quốc, iFlytek và Trung tâm Dự báo Thời tiết hạn vừa châu Âu là 2 trong số đối tác sử dụng mô hình đào tạo Pangu của Huawei.

Hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng CNTT-TT vẫn là trụ cột doanh thu lớn nhất của công ty, với doanh thu tăng 2,3% lên 362 tỷ nhân dân tệ.

Năm 2023, lại một lần nữa, Huawei trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Hãng đã bắt đầu triển khai công nghệ mạng không dây 5,5G trong và ngoài nước, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Trung Đông.

Theo Huawei, một số nhà mạng viễn thông ở Phần Lan và Đức cũng đã hoàn tất khâu xác minh công nghệ - bước quan trọng trước khi chính thức triển khai.

Mảng kinh doanh xe điện còn non trẻ của công ty cũng thu về doanh thu tăng hơn gấp 2 lần, chạm mốc 4,7 tỷ nhân dân tệ. Công ty đã hợp tác với nhiều nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, như Baic Group và Seres, nhưng chỉ bán ở thị trường nội địa.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/sau-hoi-sinh-loi-nhuan-huawei-tang-gap-doi-post1467513.html