Sau Hiệp định Paris, nếu ta tiến lên giải phóng miền Nam thì liệu Mỹ có quay lại?

Sách báo đã đề cập nhiều đến thắng lợi của Hiệp định Paris nhưng ít khi nói tới 'công việc bếp núc' của những con người đứng sau các hoạt động ngoại giao cam go, căng thẳng, không chỉ trong mà cả sau Hiệp định Paris. BáoTG&VN xin giới thiệu một số chia sẻ của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Cuộc gặp riêng giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy - Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ VNDCCH Xuân Thủy với Trưởng đoàn Mỹ Harriman tại Hội nghị Paris. (Ảnh tư liệu)

Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975 là đỉnh cao và sự kết tinh của cả quá trình đấu tranh đầy hy sinh gian khổ, hết sức kiên cường của quân dân ta suốt mấy chục năm dòng chống Pháp rồi chống Mỹ. Cuộc đấu tranh ấy mang tính toàn diện, từ 1967 đã hình thành ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao.

Rõ ràng đấu tranh ngoại giao nói chung và cuộc hòa đàm Paris nói riêng đã góp phần hết sức quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Kết quả chủ yếu của Hiệp định Paris là “đánh cho Mỹ cút” đã tạo ra điều kiện thuận lợi cơ bản để cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 “đánh cho ngụy nhào” như Bác Hồ căn dặn.

Về điều này, sách báo đã đề cập nhiều nhưng ít khi nói tới “công việc bếp núc” của các bộ phận, con người đứng đằng sau những hoạt động ngoại giao cam go, căng thẳng suốt trong những năm tháng trước đại thắng mùa Xuân 1975. Để minh họa về mặt này xin chia sẻ đôi điều.

Cũng như trên mặt trận quân sự, trên mặt trận ngoại giao, Bộ Chính trị là “Bộ Tổng” thì Bộ Ngoại giao là một dạng Bộ Tổng tham mưu. Ngay từ năm 1965, Bộ đã lập ra “Tiểu ban Việt Nam” do đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, lúc đó là Thứ trưởng Bộ, phụ trách. Chức năng của Tiểu ban là nghiên cứu và tham mưu về đấu tranh ngoại giao trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Năm 1969, khi Hội nghị bốn bên họp ở Paris, Bộ Chính trị quyết đinh lập ra CP50 để chỉ đạo mà Bộ Ngoại giao là cơ quan thường trực do đồng chí Nguyễn Cơ Thạch phụ trách. Các chủ trương liên quan tới giải pháp, bước đi và việc soạn thảo văn kiện đều xuất phát từ đây.

Cũng vào khoảng tháng 6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập; Bộ Ngoại giao Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời (mang bí số CP72), bà Nguyễn Thị Bình được cử làm Bộ trưởng kiêm Trưởng đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hòa đàm Paris. Hai Bộ Ngoại giao cũng như hai đoàn đàm phán đã hoạt động theo tinh thần Bác Hồ đề ra “tuy hai là một, tuy một là hai”.

Do chiến tranh Việt Nam mang tính quốc tế rất cao, các nước lớn đều “dính vào” nên ở Bộ đã hình thành Ad hoc nghiên cứu chiến lược đối ngoại của các nước lớn, nhất là Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc. Ad hoc này cũng do đồng chí Nguyễn Cơ Thạch trực tiếp phụ trách. Nhóm này “đào bới” lịch sử hàng chục, thậm chí hàng trăm năm để nhận diện chiến lược của các nước lớn, dự báo, đánh giá chính sách của họ trên vấn đề Việt Nam nói chung và cuộc hòa đàm nói riêng. Sau khi Hiệp định Paris được ký, nhóm này còn phải trả lời câu hỏi hắc búa: Nếu ta tiến lên giải phóng miền Nam thì Mỹ có quay lại không? Các “ông bạn” sẽ hành xử ra sao?

Một bộ phận đáng kể cán bộ của Bộ cũng như của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được cử ra “tiền phương” chiến đấu tại cuộc hòa đàm Paris; sau khi Hiệp định được ký kết, một số đã vào Nam tham gia Ủy ban bốn bên rồi hai bên cho tới khi cờ giải phóng tung bay trên “Dinh Độc lập” – hang ổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.

Trong những ngày tháng đầu năm 1975, nhất là từ sau chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Bộ Ngoại giao bận rộn suốt ngày đêm theo dõi và ứng phó với những phản ứng từ bên ngoài, khi Sài Gòn sắp thất thủ thậm chí một số nước còn tìm cách “hòa giải” để làm chậm lại quá trình sụp đổ của chế độ Sài Gòn. Ngoại giao đã phải tìm cách xử lý câu chuyện rắc rối này.

Sau ngày 30/4 là thời gian bề bộn biết bao công việc như tiếp quản Bộ Ngoại giao của chính quyền Sài Gòn; hình thành Sở Ngoại vụ; hướng dẫn phóng viên nước ngoài đổ vào miền Nam; xử lý vấn đề ngoại kiều và tài sản nước ngoài, kể cả tài sản của các cơ quan ngoại giao...

Đằng sau bảng liệt kê khô khan những công việc nêu trên là vô vàn công việc cụ thể với sự tham gia của biết bao con người. Những “nhân chứng lịch sử” ấy lưu giữ biết bao câu chuyện sống động về thời kỳ hào hùng ấy nhưng ít ai biết, thời gian lâu dần trôi qua, nhiều người trong số họ đi về thế giới bên kia tạo nên “khoảng trống” trong lịch sử. Tuy đã muộn song vẫn muốn hy vọng rằng, khiếm khuyết này sẽ sớm được bổ khuyết.

Vũ Khoan

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sau-hiep-dinh-paris-neu-ta-tien-len-giai-phong-mien-nam-thi-lieu-my-co-quay-lai-114594.html