Sau Grab, Gojek tăng cước: Cơ quan chức năng cần làm rõ

Sau Grab, Gojek cũng tăng giá cước, các chuyên gia pháp lý cho rằng các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ những động thái bất thường.

Hãng xe công nghệ Gojek vừa có thông báo gửi tới khách hàng về việc điều chỉnh tăng giá cước, động thái trên diễn ra chỉ sau vài ngày Grab thực hiện tăng giá cước, tăng tỉ lệ chiết khấu với đối tác tài xế.

Các hãng xe công nghệ đồng loạt tăng cước. Ảnh minh họa

Các hãng xe công nghệ đồng loạt tăng cước. Ảnh minh họa

Theo đó, các dịch vụ GoRide, GoSend, GoFood (dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn…) của hãng Gojek sẽ tăng giá cước tính từ 0 giờ ngày 12/12. Giá cước này đã bao gồm các loại thuế hiện hành theo luật định, trừ thuế thu nhập cá nhân.

Tỉ lệ khấu trừ dành cho đối tác trên toàn bộ tổng doanh thu từ chuyến xe sẽ được điều chỉnh tương ứng, bao gồm thuế GTGT và mức phí dịch vụ 20% không đổi.

Cụ thể, với dịch vụ GoRide dưới 2km, ở Hà Nội sẽ tăng thêm 1.000 đồng, giá từ 12.000 đồng lên 13.000 đồng, còn TP.HCM từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng.

Từ kilômet thứ 2 trở lên, ở Hà Nội giá áp dụng từ 4.000 đồng/km lên 4.400 đồng/km, còn TP.HCM từ 3.600 đồng/km lên 4.000 đồng/km.

Đối với dịch vụ GoSend ở Hà Nội và TP.HCM sẽ áp dụng giá 15.000 đồng với cự ly dưới 2km. Ở kilômet thứ 2 trở đi, giá sẽ tăng 1.000 đồng, từ 4.000 đồng lên 5.000 đồng.

Đối với GoFood, dưới 3km sẽ áp dụng mức giá 15.000 đồng, tăng 1.000 đồng so với trước đó. Từ kilômet thứ 3 trở đi, giá áp dụng 4.000 đồng/km sẽ lên 5.000 đồng/km.

Bên cạnh đó, Gojek sẽ thu phụ phí ban đêm 10.000 đồng đối với dịch vụ GoRide từ 22h đến 6h ngày hôm sau, phụ phí này sẽ khấu trừ 20% phí dịch vụ.

Tương tự, GoFood sẽ thu phí gửi xe 5.000 đồng/đơn hàng (áp dụng cho những đơn hàng trong trung tâm thương mại và không khấu trừ thuế 20% phí dịch vụ) và sẽ thu phụ phí ban đêm từ 23h đến 6h hôm sau với giá 10.000 đồng/đơn hàng.

Để hỗ trợ tài xế, Gojek sẽ hoàn lại lần lượt từ 1-2% đối với đơn hàng GoRide, GoFood dựa trên tổng doanh thu từ chuyến xe - phí nền tảng. Số tiền này sẽ được gửi vào ví của tài xế vào thứ năm hằng tuần.

Cách đó vài ngày giá cước Grab và Baemin cũng được điều chỉnh tăng sau khi áp dụng mức thuế giá trị gia tăng mới.

Sự phản ứng dây chuyền của các hãng xe công nghệ cho thấy những lo ngại về thế độc quyền, sự bắt tay giữa các ông lớn để thao túng giá là thực tế. Một khi các ông lớn hãng xe công nghệ bắt tay tăng giá thì người chịu thiệt cuối cùng chỉ có khách hàng.

Nhất là mới đây Gojek đã có động thái sáp nhập vào Grab, nếu việc này xảy ra những lo ngại về vấn đề độc quyền cạnh tranh, tăng giá dịch vụ sẽ càng có cơ sở.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, từ đầu tháng 12/2020, hai công ty đặt xe qua ứng dụng điện thoại đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong tiến trình phác thảo thỏa thuận sáp nhập 2 doanh nghiệp.

Diễn biến mới nhất cho thấy, ông Masayoshi Son đến từ Tập đoàn SoftBank, một trong những nhà đầu tư lớn của Grab đã tham gia vào buổi làm việc cùng với lãnh đạo hai bên, những chi tiết cuối cùng của hợp đồng đã được phác thảo.

Tại Việt Nam, hiện tại Grab đang nắm giữ 70% thị phần gọi xe, theo công ty nghiên cứu thị trường New York ABI Research. Như vậy, nếu thành công, khả năng thương vụ này cũng sẽ giống như thương vụ sáp nhập năm 2018 giữa Uber và Grab, những lo ngại Grab sẽ sử dụng vị thế thống lĩnh thị trường và lợi dụng vị thế này để tăng giá là hiện hữu.

Điều gì đang và sẽ xảy ra?

Tại diễn biến liên quan, mới đây Grab đã tăng 5-6% giá dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc. Động thái này được đưa ra ngay sau khi Nghị định 126 - thay đổi cách kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ - có hiệu lực.

Giải thích cho việc này, Grab nói tăng giá cước để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi tăng nghĩa vụ thuế VAT nhưng thực tế họ đang đẩy phần thiệt cho khách hàng và tài xế.

Tuy nhiên, Tổng cục Thuế khẳng định "Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế".

Tại buổi làm việc với Grab mới đây, Tổng cục Thuế khẳng định quan điểm của Chính phủ khi ban hành Nghị định 126 nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm của tổ chức trong mô hình tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân.

Đây không phải quy định mới về chính sách thuế gia tăng. Chính sách thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động vận chuyển không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% như từ trước đến nay.

Quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước (do chính sách thuế giá trị gia tăng 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay).

Văn bản của Tổng cục Thuế cũng nêu rõ “Công ty TNHH Grab phải có trách nhiệm chính với hoạt động vận tải vì Công ty TNHH Grab quyết định về giá cước (thay đổi giá khi có sự thay đổi về giao diện điều kiện, thời tiết, ...), lựa chọn khách hàng, lựa chọn lái xe...”.

Từ góc độ chuyên gia, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Việt – Mỹ Nguyễn Thanh Phúc cho hay, đối với việc tăng phần trăm khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế, thực chất Grab đã tự ý tăng thêm một phần thu từ thu nhập của tài xế, đó là thuế thu nhập cá nhân. Ví dụ, một cuốc xe Grabbike 100.000 đồng tiền cước thì Grab khấu trừ của tài xế 20% tương đương 20.000 đồng. Còn lại 80.000 đồng là thu nhập của tài xế (chưa bao gồm chi phí xăng xe, hao mòn, hư hỏng xe cần sửa chữa nếu có...). Việc Grab tăng phần trăm khấu trừ từ 20% lên 27,273% đối với Grabbike trên thực tế chính là thu thêm 10% thuế thu nhập cá nhân trên tổng số 80.000 đồng số tiền còn lại của tài xế.

“Theo quy định, thuế thu nhập cá nhân được tính cho lao động không thường xuyên, nếu có thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng, phải chịu mức thuế thu nhập cá nhân khấu trừ tại nguồn là 10%. Vậy thì họ phải thu hơn 7% trong tổng số mức thu của Grab trong tổng số 100.000 đồng. Nghĩa là họ thu 10% của số tiền lái xe còn lại sau khi khấu trừ 20%, tương đương với hơn 7% trên tổng giá trị cước xe” – chuyên gia Nguyễn Thanh Phúc phân tích.

Dù đồng ý Grab có quyền tăng phần trăm khấu trừ mỗi chuyến xe của tài xế, song chuyên gia Nguyễn Thanh Phúc cho rằng, trên thực tế Grab hoàn toàn có một cách làm khác mang lại lợi ích cho tất cả các bên, đó là áp dụng tính thuế VAT trực tiếp trên doanh thu để được hưởng mức thuế suất VAT 3%. Đặc biệt, việc này sẽ không làm tăng giá cước, từ đó sẽ tăng yếu tố cạnh tranh của Grab so với những hãng khác.

Chuyên gia Nguyễn Thanh Phúc khẳng định, trước đây, Grab không đánh thuế người tiêu dùng ở ứng dụng Grab. Vấn đề này thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. "Cơ quan chức năng cần phải xem xét lại đã thu được thuế VAT từ dịch vụ vận tải của Grab hay chưa? Và đến bây giờ, khi Grab tăng giá cước và tăng phần trăm khấu trừ trên mỗi chuyến của tài xế, cơ quan chức năng cũng phải làm rõ số tiền Grab thu được từ việc này có thực chất được đem đi nộp thuế VAT, hay lại chui vào túi họ?” – chuyên gia Nguyễn Thanh Phúc nhận định.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, Grab đang có dấu hiệu trục lợi từ chính văn bản pháp lý được cho là sinh ra để quản lý việc nộp thuế của doanh nghiệp này. “Đương nhiên, sự ra đời của Nghị định 126/2020/NĐ-CP là cần thiết và kịp thời để quản chặt những doanh nghiệp kiểu như Grab trong nghĩa vụ nộp thuế. Nhưng Grab lại đổ nghĩa vụ nộp thuế đấy cho tài xế và cả người tiêu dùng là không được”, luật sư Thái cho hay.

Theo phân tích của chuyên gia pháp lý này, trên danh nghĩa được gọi là đối tác nhưng tài xế chịu chi phí rất nhiều, từ mua sắm phương tiện, đổ xăng xe, bỏ công sức lái xe, tiền sửa chữa, bảo hành xe... trong khi Grab chỉ cung cấp ứng dụng gọi xe. “Grab không thể vừa tăng phần trăm khấu trừ cuốc xe của tài xế vừa tăng cước để thu thêm tiền của người tiêu dùng được. Như thế là họ đang “ăn hai mang”. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ vấn đề này”, luật sư Thái kiến nghị.

An An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/sau-grab-gojek-tang-cuoc-co-quan-chuc-nang-can-lam-ro-3424209/