Sau giãn cách xã hội: Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng chưa phải đã hết

Ngày 23/4 là ngày đầu tiên nới lỏng giãn cách xã hội và gần 1 tuần sau đó chúng ta không ghi nhận thêm ca mắc mới trong cộng đồng. Thế nhưng, những nguy cơ về dịch bệnh vẫn là mối lo ngại lớn khi phố phường ngày càng tấp nập, hàng quán ngày một đông người.

Đường phố trở lại đông đúc

Đường phố trở lại đông đúc

Theo ghi nhận, sau khi hết cách ly đường phố khắp cả nước nhộn nhịp trở lại. Tại Hà Nội (trừ huyện Mê Linh và Thường Tín có nguy cơ cao), người dân trở lại cuộc sống thường ngày. Các hàng quán đã mở cửa hoạt động bình thường với lượng khách đông, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Một số quán nhậu trên đường Nguyễn Phong Sắc, Trương Công Giai (quận Cầu Giấy), khách đến khá đông. Nhiều người có tâm lý chủ quan, lơ là không đeo khẩu trang, ngồi sát nhau. Khi được hỏi về việc tụ tập, ngồi sát nhau tiềm ẩn nguy hiểm giữa mùa dịch bệnh, hầu hết thực khách đều từ chối trả lời.

Bên cạnh đó, nhiều hàng quán vẫn cẩn trọng khi hạn chế lượng khách ngồi tại quán, các bàn ăn được giãn cách xa nhau hơn. Đồng thời quán khuyến khích khách mua mang về thay vì ăn tại cửa hàng. Kèm theo đó là các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng như yêu cầu sát khuẩn tay trước khi vào và ra về.

Về phía người dân, anh Lê Đức Anh sống tại Thanh Xuân cho biết, cả tháng nay anh mới có dịp ngồi cùng bạn bè ở quán quen, bà chủ chuẩn bị nước sát khuẩn trước khi vào quán, bát đũa cũng được tráng qua nước sôi nên khá an tâm.

Trái ngược, chị Bích ở Hà Đông chia sẻ: “Tôi và chồng rất hạn chế ra ngoài cũng như ăn uống ở quán. Chúng tôi vẫn hạn chế tiếp xúc chỗ đông người. Nói là hết giãn cách xã hội nhưng vẫn lo lắng lỡ đâu ngoài kia có ai có bệnh thì nguy hiểm lắm”.

Anh Trần Văn Hải, chạy xe ôm tại khu vực Mỹ Đình cho biết: “Hết cách ly, mọi thứ dễ thở hơn nhưng cần thiết phải có các biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình. Công việc của chúng tôi đặc thù phải ra ngoài, phải di chuyển tôi mới ra ngoài chứ thực chất không ai muốn ra ngoài đường. Các tài xế taxi, xe ôm gần như 100% đeo khẩu trang”…

Trong cuộc họp của BCĐ Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 sáng 24/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: “Đây là lúc chúng ta tuyệt đối không được chủ quan”.

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta vui mừng vì dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều địa phương được nới lỏng cách ly, học sinh sắp quay trở lại trường… nhưng trên thế giới, mỗi ngày vẫn ghi nhận khoảng 50.000 người nhiễm mới, 5.000 người tử vong. Nhiều nơi tưởng chừng đã kiểm soát được tình hình nhưng dịch bệnh đã bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, virus SARS-CoV-2 rất “biến ảo”. Nhiều người nhiễm không có triệu chứng. Nhiều người có thời gian ủ bệnh rất lâu. Không ít người xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính nhiều lần. Các chuyên gia đều cho rằng mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều có rủi ro người mang mầm bệnh trong cộng đồng.

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, các ổ dịch xuất hiện vừa qua, chúng ta đã phong tỏa quyết liệt và giải quyết được, những trường hợp nghi nhiễm đều không cho tiếp xúc với người lành, nên chúng ta khống chế được. Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, không phải chúng ta xử lý được 100% các ca nhiễm mà chỉ là hạn chế tối đa những người đang mang mầm bệnh tiếp xúc với người lành, chứ không bảo đảm ngăn chặn triệt để. Như Singapore là một ví dụ, không lường trước được giai đoạn sau, để dịch bệnh lây lan… Từ một nước khống chế tốt dịch bệnh, trở thành nước có nhiều ca nhiễm.

“Chúng ta không được mất cảnh giác, không được chủ quan, tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát, từ “đốm lửa nhỏ” lây lan thành đám cháy lớn như ở một số nước”, ông Phu nói.

* Liên quan lĩnh vực, Cục An toàn thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) vừa có văn bản hướng dẫn bảo đảm ATTP trong phòng dịch Covid-19 với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Văn bản yêu cầu các cơ sở khi hoạt động trở lại sau giãn cách xã hội không được phục vụ nhiều người cùng lúc. Cơ sở kinh doanh, cơ sở chế biến đồ ăn sẵn, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, căng tin ăn uống cần thực hiện đầy đủ, nghiêm túc yêu cầu về ATTP.

Người chế biến thức ăn, phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc giữa nhân viên chế biến, phục vụ và người sử dụng thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; những người có một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được bố trí làm việc tại cơ sở.

Với người ăn uống, yêu cầu phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn bàn tay trước và sau khi ăn uống; giữ vệ sinh, hạn chế di chuyển, không nói to, cười đùa trong khi ăn uống.

Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển.

Khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng, có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay; đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, đủ bàn ghế và bố trí khoảng cách giữa những người ăn uống; có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người ăn uống và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng. Có đủ thùng đựng rác thải, có nắp đậy và có lót túi.

Đối với bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, chế xuất, doanh trại các đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục, trường học có đông người ăn uống cần bố trí ăn theo nhiều ca để bảo đảm khoảng cách giữa những người ăn uống.

Các cơ sở kinh doanh thực phẩm thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định.

Người kinh doanh thức ăn đường phố phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với thực phẩm, thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc trực tiếp với khách. Bố trí đủ nước sạch và xà phòng rửa tay cho khách trước khi ăn uống. Không phục vụ cùng lúc quá đông người để bảo đảm khoảng cách an toàn.

Sinh Nguyễn - Bích Vân

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/sau-gian-cach-xa-hoi-nguy-co-lay-nhiem-cong-dong-chua-phai-da-het-512582.html