Sau gần 9 năm tái cơ cấu, Ngân hàng Xây dựng sắp bước vào hành trình mới

Kể từ năm 2015, Ngân hàng Xây dựng (CB) chính thức trở thành ngân hàng 100% vốn thuộc sở hữu Nhà nước. Với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank và trong tiến hành tái cơ cấu, đặc biệt năm 2022 là năm đầu tiên, CB chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch kinh doanh và đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu.

4 ngân hàng thuộc diện yếu kém buộc phải tái cơ cấu gồm: DongABank, CB, Oceanbank, GPBank. Trong đó, VPbank nhận nhiệm vụ hỗ trợ GPbank, DongABank được HDBank hỗ trợ, CB được Vietcombank hỗ trợ, và Oceanbank được MB hỗ trợ.

4 ngân hàng thuộc diện yếu kém buộc phải tái cơ cấu gồm: DongABank, CB, Oceanbank, GPBank. Trong đó, VPbank nhận nhiệm vụ hỗ trợ GPbank, DongABank được HDBank hỗ trợ, CB được Vietcombank hỗ trợ, và Oceanbank được MB hỗ trợ.

Ngày 5/3/2015, Ngân hàng Nhà nước mua lại 100% vốn của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng và trở thành chủ sở hữu của Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Xây dựng Việt Nam. Sau khi hoàn tất các thủ tục thì được đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (CB).

Tháng 3/2016, một năm sau chuyển đổi, CB được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đầy đủ hoạt động nghiệp vụ của một ngân hàng thương mại như: huy động vốn, sử dụng vốn, cấp tín dụng, trung gian tài chính, cho vay khách hàng cá nhân, bảo lãnh, phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ…

Tính đến thời điểm 30/11/2017, CB đã thu hồi được trên 5.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó: nhóm nợ riêng lẻ đã thu hồi được trên 500 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nợ xấu riêng lẻ, nợ nhóm lớn đã thu hồi hơn 4.700 tỷ đồng. Quy mô các hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh so trước thời điểm 5/3/2015

Nếu như ở thời điểm bị mua bắt buộc, CB phải đối diện với áp lực thanh khoản hàng ngày, thì những năm gần đây ngân hàng luôn giữ vững trạng thái tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, năm 2022 là năm đầu tiên kể từ khi tái cơ cấu, CB chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch kinh doanh và đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu.

Cụ thể, tổng số dư huy động đạt hơn 20.000 tỷ đồng; tăng ròng tín dụng khách hàng doanh nghiệp và bán lẻ đều đạt trên 5.000 tỷ đồng; đa dạng hóa nguồn thu từ các hoạt động bán buôn, bán lẻ, kinh doanh vốn, bảo hiểm, thu hồi nợ.

Phía CB cho biết, bước sang năm 2023 - năm thứ 9 trên hành trình tái cơ cấu, cùng với các công tác triển khai theo tiến độ được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo để chuyển giao bắt buộc về Vietcombank, CB quyết tâm đạt các chỉ tiêu như: số dư huy động dự kiến tăng ròng 10.000 tỷ đồng, giữ vững số dư 5.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng 2022 và tăng ròng trên 5.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng 2023.

Kết thúc quý I/2023, CB đã hoàn thành các chỉ tiêu, khởi đầu triển vọng cho việc thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2023. Đồng thời, CB cũng đã sẵn sàng, chuẩn bị các nguồn lực cho hành trình bước vào giai đoạn mới, tiếp tục phát triển lành mạnh và giữ vững tăng trưởng ổn định sau những gian nan tái cơ cấu.

Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, CB sẽ thực hiện chuyển giao bắt buộc thuộc Vietcombank quản lý, dự kiến vào khoảng quý III/2023. Một hành trình mới sẽ mở ra đối với Ngân hàng Xây dựng.

Kỳ Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sau-gan-9-nam-tai-co-cau-ngan-hang-xay-dung-sap-buoc-vao-hanh-trinh-moi-129527.html