Sau gần 1 tuần duy trì 'vàng xanh', chỉ số ô nhiễm ở Hà Nội lại 'xấu'

Sáng nay, 10/10, bầu không khí ở thành phố Hà Nội đã khó chịu trở lại. Ghi nhận trên các ứng dụng quan trắc cho thấy chỉ số chất lượng không khí nhiều khu vực đã tăng lên ở ngưỡng 'màu đỏ.'

Kết quả quan trắc chất lượng không khí trên website của Tổng cục Môi trường 8 sáng 10/10 tại Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)

Kết quả quan trắc chất lượng không khí trên website của Tổng cục Môi trường 8 sáng 10/10 tại Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)

Sau gần một tuần thoát khỏi "giặc bụi" nhờ những cơn mưa nhẹ vào sáng sớm và cuối chiều, đến sáng nay, 10/10, bầu không khí ở thành phố Hà Nội đã khó chịu trở lại. Màu xanh (ngưỡng không khí trong lành) đã không còn hiển thị trên ứng dụng online Pam Air, Airvisual, hay website của Tổng cục Môi trường. Thay vào đó, màu “đỏ rực" lại thường trực trên các bản đồ quan trắc, báo hiệu chất lượng không khí rơi vào ngưỡng ô nhiễm.

Ghi nhận từ ứng dụng online Pam Air vào lúc 8 giờ cho thấy, chỉ số chất lượng không khí nhiều khu vực ở Hà Nội đã tăng lên ở ngưỡng “màu đỏ,” phổ biến từ 152-194. Ở ngưỡng này, chất lượng không khí được xác định là “xấu.”

Tới thời điểm 8 giờ 30 phút, mức chất lượng không khí “trung bình” màu vàng từ 51-100 và mức “kém” là màu cam từ 101-150 đã xuất hiện trên “bản đồ ô nhiễm không khí” Pam Air, tuy nhiên số điểm hiển thị cũng rất hiếm hoi, chỉ lác đác ở một ít điểm.

Ghi nhận trên trang Airvisual cũng cho thấy, sáng nay, Hà Nội đã trở lại ngưỡng “màu đỏ” với chỉ số chất lượng không khí cao nhất lên tới 170. Chỉ số bụi mịn PM2.5 đo được tại thời điểm 8 giờ tại Hà Nội là 93,1. Tới thời điểm 8 giờ 40 phút, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội đã lên 175; chỉ số bụi mịn PM2.5 đo được là 102,4. Đây là mức ô nhiễm “không lành mạnh.”

Còn kết quả quan trắc trên website của Tổng cục Môi trường (enviinfo.cem.gov.vn) đo được vào thời điểm 8 giờ ghi nhận chỉ số chất lượng ô nhiễm không khí tại trạm quan trắc ở 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội là 144; chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng ở mức 144.

Dù chỉ số này không hoàn toàn đại diện cho mức độ ô nhiễm trên diện rộng mà chỉ là kết quả đo tại những điểm nhất định, tuy nhiên theo đánh giá của Tổng cục Môi trường thì đây là “nhóm nhạy cảm, nên hạn chế thời gian ở ngoài.”

Ghi nhận chỉ số chất lượng không khí trên trang Airvisual vào lúc 8 giờ sáng 10/10. (Ảnh chụp màn hình)

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chất lượng ô nhiễm không khí ghi nhận trên trang Airvisual cũng đã tăng lên ở ngưỡng “không lành mạnh,” với AQI đo được tại thời điểm 8 giờ 40 lên tới 168; chỉ số bụi mịn PM2.5 đo được là 89,1.

Trước thực trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng "xấu," Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chất lượng không khí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo này cho biết thời gian gần đây, đặc biệt là trong tháng 9/2019, liên tiếp trong nhiều ngày, có những thời điểm chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội ở mức “kém.” Trong thời gian từ ngày 12-29/9, có những ngày nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn Việt Nam.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa gây cản trở tầm nhìn. Việc gia tăng mức độ ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hóa này đã gây những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Về giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng với đặc điểm thời tiết giao mùa, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn, nồng độ bụi PM2.5 có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. Vì vậy, người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài. Trường hợp có nhu cầu cần ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính mắt./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/sau-gan-1-tuan-duy-tri-vang-xanh-chi-so-o-nhiem-o-ha-noi-lai-xau/599856.vnp